Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Tin tức Việt Nam JICA hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực đường sắt đô thị

JICA hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực đường sắt đô thị

Viết email In

Chuẩn bị sẵn sàng nhân sự để khai thác các metro, trường Cao đẳng Đường sắt sẽ là nơi đào tạo, cung cấp nhân lực đường sắt đô thị, dưới sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) trong vòng 4 năm…

Ngày 20/10, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Bộ Giao thông vận tải ký Biên bản thảo luận (R/D) Dự án Hợp tác Kỹ thuật “Tăng cường năng lực đào tạo đường sắt đô thị cho trường Cao đẳng Đường sắt”.

Theo kế hoạch, dự án sẽ xây dựng các giáo trình và các chương trình đào tạo về đường sắt đô thị, đào tạo đội ngũ giảng viên.

Đồng thời, đề xuất hoàn thiện cơ sở và hành lang pháp lý cùng các hướng dẫn cho đào tạo nhân lực đường sắt đô thị, cung cấp các giải pháp và nâng cao hiểu biết về an toàn vận hành đường sắt đô thị.


Tuyến metro số 1 đoạn Bến Thành – Suối Tiên dự kiến đạt 91% khối lượng toàn dự án vào cuối năm 2021.

Mục tiêu của dự án là tăng cường năng lực đào tạo nhân lực và vận hành đường sắt đô thị Việt Nam, giúp hệ thống đường sắt đô thị tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được vận hành an toàn, hiệu quả, đem lại sự an tâm cho người sử dụng. Dự án dự kiến được thực hiện trong 4 năm, từ tháng 1/2022 tới tháng 1/2026.

Tại Nhật Bản, việc đào tạo nhân lực cho ngành đường sắt đô thị rất được chú trọng. Các nhân viên được tham gia các khóa đào tạo về lái tàu an toàn, dịch vụ hành khách để đảm bảo hệ thống đường sắt đô thị được vận hành an toàn, tin cậy, chất lượng dịch vụ hành khách được ưu tiên hàng đầu.

Vừa qua, Nhà nước phải bỏ ra 5 triệu USD để đưa người sang Trung Quốc đào tạo nguồn nhân lực cho đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông. Việc đào tạo nhân lực nếu phụ thuộc lớn vào nước ngoài sẽ gây tốn kém cho ngân sách. Vì vậy, việc tổ chức đào tạo nguồn nhân lực trong nước rất cần thiết để vận hành các dự án sau này.

Thông qua việc tiếp nhận những kinh nghiệm trong phát triển đường sắt đô thị của Nhật Bản, trường Cao đẳng Đường sắt sẽ được nâng cấp, hướng tới cung cấp nhân lực đáp ứng những yêu cầu về an toàn trong vận hành đường sắt, mang tới sự an tâm cho người dân Việt Nam khi sử dụng đường sắt đô thị.

Dự án được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường năng lực phát triển mạng lưới giao thông an toàn, thuận tiện cho người dân ở đô thị, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam. Mặt khác, các học viên tham gia khóa đào tạo cũng sẽ giúp tăng cường sự giao lưu giữa nhân dân hai nước, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu nghị Việt - Nhật.

Trước sự gia tăng dân số thành thị nhanh chóng từ khoảng 26 triệu dân năm 2010 tới 36 triệu dân năm 2020 kéo theo sự bùng nổ số lượng ô tô và xe máy, khiến tắc nghẽn giao thông trở nên nghiêm trọng hơn, tai nạn giao thông gia tăng, ô nhiễm khí thải trầm trọng hơn, gây cản trở phát triển kinh tế xã hội, vì vậy, Việt Nam đang phát triển các tuyến metro trên cả nước.

Để ứng phó với các vấn đề này, JICA đang triển khai thực hiện các dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến số 1 đoạn Bến Thành – Suối Tiên tại TP. Hồ Chí Minh và tuyến số 2 đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo tại Hà Nội. Ngoài ra, các nhà tài trợ khác cũng đang hỗ trợ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh xây dựng các tuyến đường sắt đô thị khác.

Được biết, dự án metro số 1 đoạn Bến Thành – Suối Tiên là một trong số ít dự án giao thông được thi công trong bối cảnh TP. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội. Sau nhiều lần trễ hẹn, công trình được kỳ vọng hoàn thành và đưa vào khai thác cuối năm 2021 nhưng đến nay với việc ảnh hưởng của dịch Covid-19, dự án lại lùi tiến độ đến cuối năm 2023, đầu năm 2024 mới xong.

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP. Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, tuyến metro số 1 đã đạt 87,5% khối lượng toàn dự án, dự kiến đạt 91% vào cuối năm 2021.

Đối với dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, dù khởi động cách đây gần 15 năm, hiện dự án loay hoay chưa hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng.

Ánh Tuyết

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo