Qua nửa tháng nạo vét hồ Gươm, nước hồ vẫn bảo tồn màu xanh đặt trưng, lượng tảo độc giảm rõ rệt, môi trường sống của thủy sinh không bị xáo trộn.
Tiến sĩ (TS) Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH - CN Hà Nội cho biết, những kết quả tích cực trên là cơ sở để kiến nghị UBND Thành phố Hà Nội tiến hành nạo vét toàn bộ hồ Gươm. Theo tính toán, việc nạo vét toàn bộ hồ mất khoảng 100 ngày.
- Ảnh bên : Trên 600 m3 bùn nước hồ Gươm đã được ép thành bùn khô.
Vẫn giữ màu xanh đặc trưng
TS Lê Xuân Rao cho biết, nửa tháng qua, các chuyên gia sử dụng thiết bị hút bùn ngầm Sediturtle, hút lên một hỗn hợp bùn (20-40%) và nước tùy theo mật độ bùn. Hỗn hợp bùn - nước tiếp tục dùng công nghệ ép bùn băng tải Siebbandpresse để ép bùn thành viên. Đến nay, có 600 m2 mặt hồ được hút với độ sâu nạo hút là khoảng 0,4-0,6m. Tổng cộng đã có 600m3 bùn nước được hút, tương đương 66m3 bùn được ép thành bánh.
Kết quả quan trắc môi trường nước cũng như điều kiện hóa lý tại thời điểm trước và sau khi nạo hút hầu như không có sự thay đổi. Các chỉ số như: nồng độ COD, BOD... đạt yêu cầu. Đặc biệt, hàm lượng tảo độc trong bùn cao gấp 20 lần trong nước nên khi hút bùn đi thì nồng độ tảo độc giảm rõ rệt và quá trình hút không làm xáo động môi trường sống của các loài động vật thủy sinh và đảm bảo màu xanh đặc trưng của hồ. Hỗn hợp bùn nước sau khi ép tách bùn được xử lý bằng chất keo tụ, lắng đọng để tiếp tục lọc.
Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy, sau khi xử lý, nước vẫn có hàm lượng amoni có hàm lượng 13,75mg/l, cao hơn tiêu chuẩn nước mặt. Các chuyên gia đang tiếp tục tiến hành nghiên cứu để xử lý amoni trước khi cung cấp lại hồ.
PGS.TS Hà Đình Đức, chủ nhiệm dự án cho biết trong quá trình nạo vét, hàm lượng oxy hòa tan trong nước được cải thiện và có tác động tốt đến môi trường sống của hệ thủy sinh trong hồ.
Mất 100 ngày để nạo vét toàn bộ hồ
Theo PGS.TS Hà Đình Đức, với tốc độ bồi lắng như hiện nay, nếu không nạo vét toàn bộ hồ Gươm, chỉ khoảng 50 năm nữa, khu vực này sẽ biến thành đầm lầy. Nhiều chuyên gia môi trường cũng đồng ý nên cải tạo toàn bộ hồ Gươm bằng thiết bị hút bùn ngầm Sediturtle. Nếu cải tạo toàn hồ, diện tích mặt thoáng hồ sẽ được chia thành nhiều ô nhỏ và thực hiện hút bùn theo từng ô một để tránh những thay đổi đột ngột cho môi trường sống của sinh vật ở đó.
Những kết quả sau đợt thí điểm là cơ sở để Sở KH-CN Hà Nội, Ban quản lý dự án kiến nghị UBND TP. Hà Nội tiến hành nạo vét toàn bộ hồ Gươm. Theo TS Lê Xuân Rao, khi UBND TP. Hà Nội quyết định nạo vét toàn bộ hồ Gươm, sẽ phải mua lại toàn bộ hệ thống nạo vét của Đức với chi phí khoảng 300.000 euro. Việc nạo vét cũng được tiến hành ngay sau khi có quyết định của UBND TP Hà Nội.
Ngoài ra, hiện máy hút bùn làm việc 2,5 giờ nhưng máy ép bùn do công suất nhỏ nên phải hoạt động liên tục trong 8 giờ mới ép được hết lượng bùn hút lên. Vì vậy, nếu áp dụng mô hình này cho việc nạo vét toàn bộ hồ Gươm sẽ phải mất khoảng 1.000 ngày. “Chúng tôi sẽ tiến hành làm ba ca, thời gian nạo vét giảm xuống ba lần. Bên cạnh đó, sẽ tăng công suất máy ép bùn lên khoảng bốn lần để tương đương công suất máy hút”, TS Lê Xuân Rao cho biết. Như vậy, sẽ mất khoảng 100 ngày để nạo vét toàn bộ hồ Gươm.
Mạnh Đồng
- Hà Nội xin hỗ trợ 2.600 tỷ đồng cho các dự án kỷ niệm 1.000 năm
- Xây đường nối Hạ Long với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng
- Hà Nội kiểm tra đồng loạt các dự án khu đô thị mới
- Đức sẽ cho Việt Nam vay ưu đãi 120 triệu euro nâng cấp lưới điện nông thôn
- IDJ Asset và CBRE Vietnam ký Hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn kỹ thuật và quản lý vận hành Grand Plaza
- Bộ Xây dựng định hướng trọng tâm chỉ đạo công tác năm 2010
- Thay đổi công nghệ chiếu sáng ở phố cổ Hà Nội
- Cụ thể hóa quy hoạch Hà Nội từ 4 nét lớn
- QH thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận
- Sớm lập quy hoạch dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành