Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Tin tức Việt Nam Việt Nam mới chỉ có 300 công trình xanh

Việt Nam mới chỉ có 300 công trình xanh

Viết email In

Con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường...

Trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh 2023 tại TP.Hồ Chí Minh, ngày 18/9, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh” với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, các hiệp hội và đơn vị tư vấn trong lĩnh vực liên quan đến công trình xanh và tiết kiệm năng lượng.


Tọa đàm “Chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển công trình xanh”

Theo Bộ Xây dựng, các thành phố trên thế giới hiện chiếm 3% diện tích bề mặt trái đất nhưng lại chiếm hơn 70% tổng lượng khí nhà kính thải vào khí quyển. Để giữ nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C hoặc thấp hơn, các thành phố phải đạt được mức phát thải ròng bằng 0. Chính phủ Việt Nam cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Là một nước đang phát triển, tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam đã gây áp lực đáng kể lên cả cơ sở hạ tầng và môi trường, đặc biệt là áp lực về nhu cầu nhà ở, tiêu thụ năng lượng, quản lý chất thải và ô nhiễm ngày càng tăng. Để đối phó với những thách thức và phát triển xanh, bền vững, phát thải carbon thấp tiến tới phát thải ròng bằng 0, Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng có nhiều hành động và chính sách nhằm thúc đẩy công trình xanh.

"Công trình xanh được phát triển trên thế giới từ những năm 1990 và dần trở thành phong trào, là xu hướng đầu tư xây dựng và quản lý vận hành của các công trình ở trên 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tại Việt Nam, các công trình xanh xuất hiện đầu tiên vào những năm 2005- 2010. Theo thống kê đến hết quý 2/2023, Việt Nam có gần 300 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của Lotus (VGBC), Edge (IFC-WB), LEED (Hội đồng CTX Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore) với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 7 triệu m2. Việt Nam hiện đứng thứ 28 trên thế giới về số lượng công trình xanh được chứng nhận LEED", báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhận xét, con số này quá khiêm tốn so với số lượng công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động và so với tiềm năng cũng như yêu cầu về sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả và bảo vệ môi trường. Hiện Việt Nam chưa có công trình nào được thiết kế, xây dựng, quản lý vận hành đạt tiêu chí công trình phát thải ròng bằng 0.


Tòa nhà trụ sở của Viettel đạt tiêu chuẩn của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ.

Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 (VNEEP3) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 đã đặt mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 80 công trình xây dựng được chứng nhận công trình xanh và đến năm 2030 con số này là 150 công trình.

Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Kế hoạch hành động của ngành Xây dựng ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2022- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Việc khuyến khích phát triển công trình hiệu quả năng lượng, công trình xanh cũng đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020 và Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Như vậy, công trình xanh, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu là những chủ đề quan trọng trong ngành xây dựng và phát triển đô thị hiện nay. Việc ưu tiên và thúc đẩy phát triển công trình xanh sẽ đảm bảo quá trình đô thị hoá không chỉ có lợi cho người dân hiện tại mà còn cho thế hệ tương lai và môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, việc phát triển công trình xanh trong thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ngoài những tác động của đại dịch Covid-19, sự phát triển chậm lại của thị trường bất động sản và nhu cầu tiêu dùng trên toàn cầu giảm sút, các chủ đầu tư dự án công trình xanh còn gặp những khó khăn về: tiếp cận và đảm bảo nguồn vốn đầu tư tăng thêm cho dự án, công trình để đáp ứng tiêu chuẩn xanh; thiếu nguồn nhân lực kỹ thuật có đủ trình độ trong lập dự án, thiết kế, thi công xây dựng, quản lý vận hành công trình xanh.

Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy định bắt buộc dán nhãn, đánh giá chứng nhận các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng để đưa vào sử dụng trong công trình…

Tại tọa đàm, các tổ chức quốc tế, chuyên gia cũng đưa ra những nhận định về vai trò và tiềm năng phát triển và đầu tư vào công trình xanh ở Việt Nam; những dự đoán về xu hướng phát triển của lĩnh vực này trong tương lai trên thế giới và Việt Nam; thông tin về các dự án, biện pháp hỗ trợ, chính sách ưu đãi cụ thể dành cho công trình xanh tại Việt Nam...

Nhĩ Anh

(VnEconomy)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...