Ashui.com

Sunday
Apr 28th
Home Tin tức Việt Nam Thông xe Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Thông xe Cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ

Viết email In

Hai dự án giao thông trọng điểm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ đã được khánh thành ngày 24/12. Tuy nhiên, đến 7 giờ sáng nay (25/12), các xe mới được phép lưu thông qua hai công trình này.  

Thông tin nêu trên được đưa ra tại lễ khánh thành “Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên; dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai; dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ và dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu” diễn ra ngày 24/12, theo hình thức trực tuyến ở 4 điểm cầu tại 4 địa phương, gồm Điện Biên, Tuyên Quang, Vĩnh Long và Tiền Giang.


Cầu Mỹ Thuận 2 đưa vào hoạt động giúp kết nối tuyến từ TPHCM về đến Cần Thơ thuận lợi.
(Ảnh: Hồng Nam)

Theo Bộ Giao thông Vận tải, dù chủ đầu tư, các nhà thầu đã rất nỗ lực khi đã huy động tối đa nhân lực và máy móc, nhưng do khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng cũng như năng lực cung ứng vật liệu, cho nên một số hạng mục đường gom, đường dẫn của cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ vẫn chưa hoàn thiện.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngay sau khi thông xe khai thác tuyến chính, bộ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung tối đa lực lượng, khắc phục khó khăn về thiếu nguyên vật liệu nhằm hoàn thành các hạng mục còn lại để đưa dự án khai thác đồng bộ trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Dự án cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có tốc độ khai thác tối đa 90 km/giờ, đồng thời, để đảm bảo khai thác đồng bộ từ TPHCM về Cần Thơ, đoạn cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cũng đã được UBND tỉnh Tiền Giang chấp thuận nâng tốc độ tối đa lên 90 km/giờ.

Riêng đối với cầu Mỹ Thuận 2, để bảo đảm an toàn đối với công trình cầu lớn, tốc độ khai thác tối đa trên cầu là 80 km/giờ.

Các đối tượng không được tham gia giao thông trên đường cao tốc, bao gồm người đi bộ, xe thô sơ, xe gắn máy, xe mô tô và máy kéo; xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70 km/giờ (ngoại trừ người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc).

Người, phương tiện, thiết bị phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc có phù hiệu hoặc biểu tượng riêng được đi lại trên đường cao tốc (không quy định tốc độ) nhưng không gây ảnh hưởng và cản trở giao thông trên đường cao tốc.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là 1 trong 11 dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 do Ban quản lý dự án 7 làm chủ đầu tư. Dự án là công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, có tổng mức đầu tư hơn 5.003 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Dự án có điểm đầu tại km101+126 tại nút giao An Thái Trung thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, khớp nối với dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận; điểm cuối tại km107+740 tại nút giao quốc lộ 80 thuộc thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, khớp nối với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Dự án có tổng chiều dài khoảng 6,61 km, bao gồm phần cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu.

Cầu Mỹ Thuận 2 có nhịp chính với kết cấu dây văng khẩu độ 350 mét, tĩnh không thông thuyền 37,5 mét, bề rộng mặt cầu 28 mét (6 làn xe). Đây là dự án đầu tiên do đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công. Phần tuyến chính thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-2012 với vận tốc thiết kế 100 km/giờ, trong đó, riêng cầu Mỹ Thuận 2 là cầu đặc biệt lớn thiết kế với vận tốc 80 km/giờ.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn 2 đầu cầu được khởi công ngày 16/3/2020 và hiện đã hoàn thiện, sẵn sàng đưa vào khai thác.


Cao tốc Mỹ Thuận- Cần Thơ kháh thành ngày 24/12 và sẽ phục vụ xe lưu thông từ 7 giờ ngày 25/12. (Ảnh: Trung Chánh)

Trong khi đó, dự án đầu tư xây dựng công trình đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, chiều dài tuyến 23 km, trong đó, giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, cho phép chạy vận tốc tối đa 90 km/giờ.

Dự án đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp, có điểm đầu tại km107+363, thuộc phường Tân Hòa, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long kết nối với cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại km130+337 thuộc địa phận thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long kết nối với quốc lộ 1 tại nút giao Chà Và.

Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Dự án do Ban quản lý dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư, được khởi công vào ngày 4/1/2021, hiện đã cơ bản hoàn thành và sẽ cho phép xe lưu thông từ 7 giờ ngày 25/12/2023 như đã nêu ở trên.

Hai dự án nêu trên là 2 dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc- Nam phía Đông đoạn từ TPHCM đến thành phố Cần Thơ, dài 120 km.

Việc đưa hai dự án vào khai thác giúp giảm ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông, rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay. Điều này giúp hình thành tuyến hành lang giao thông trục dọc ĐBSCL hoàn chỉnh và hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương trong vùng nói chung và Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cần Thơ nói riêng.

Dự án đầu tư xây dựng mở rộng cảng hàng không Điện Biên và dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài – Lào Cai cũng đã chính thức khánh thành ngày 24/12.

Trung Chánh

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo