Ngày 26/01, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; phạm vi lập quy hoạch toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên - Huế với tổng diện tích khoảng 4.947,11km2.
Mô hình, cấu trúc không gian đô thị, phát triển theo mô hình “Chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực”. (Ảnh minh họa: Ashui.com)
Tính chất đô thị là đô thị loại I, thành phố trực thuộc Trung ương có yếu tố đặc thù; là đô thị phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể Cố đô, bản sắc văn hóa Huế; đô thị đặc sắc về sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Cực tăng trưởng của vùng động lực miền Trung về kinh tế biển, kinh tế du lịch, trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; trung tâm du lịch quốc tế; trung tâm về phát triển công nghiệp và cảng biển của quốc gia; trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng…
Mục tiêu quy hoạch, đến năm 2025, Thừa Thiên - Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Đến năm 2030, Thừa Thiên - Huế là thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.
Đến năm 2045, Thừa Thiên - Huế là thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa - du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Tầm nhìn đến năm 2065, xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố Festival nằm trong nhóm dẫn đầu của hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển mạnh về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, hướng đến hội nhập với các đô thị nổi bật tầm cỡ châu Á và thế giới; có trình độ phát triển kinh tế cao trên cơ sở hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn, kết nối thuận lợi với quốc tế bằng đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt tốc độ cao; có nền sản xuất phát triển, hệ thống dịch vụ và logistics hiệu quả.
Phát triển không gian toàn đô thị, phát triển theo mô hình “Chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực”. Các đô thị được phát triển đồng bộ, có vai trò hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội, bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Cấu trúc không gian đô thị Thừa Thiên - Huế gồm “Một hệ thống di sản đồng bộ, Hai không gian sinh thái cảnh quan, Ba hành lang kinh tế, Ba trọng điểm phát triển đô thị và Bốn phân vùng quản lý phát triển”, phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế.
Dự kiến hành chính đô thị, từ nay đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm 2 quận (trong đó, thành phố Huế hiện hữu chia thành quận phía Bắc sông Hương và quận phía Nam sông Hương), 3 thị xã (thị xã Hương Thủy hiện hữu, thị xã Hương Trà hiện hữu và thị xã Phong Điền thành lập mới) và 4 huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới và dự kiến sáp nhập huyện Phú Lộc với huyện Nam Đông). Trong đó, thị xã Phong Điền, thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà là các đô thị trực thuộc có vai trò để bảo tồn, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
Dự kiến hành chính đô thị, từ sau năm 2025 đến năm 2030, thành phố trực thuộc Trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 3 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy), 2 thị xã (Hương Trà, Phong Điền) và các huyện (Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới, huyện Phú Lộc - Nam Đông); đầu tư xây dựng đô thị Chân Mây (gồm Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và phần mở rộng) đạt tiêu chí đô thị loại III để phát triển kinh tế, bảo tồn, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc Cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
Từ sau năm 2030 đến năm 2045, thành phố trực thuộc Trung ương với các đơn vị hành chính cấp huyện: 4 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà), 1 thành phố (Chân Mây), thị xã Phong Điền và các huyện; tập trung xây dựng thành phố Chân Mây trở thành đô thị mới, động lực phát triển kinh tế - xã hội sau năm 2030;
Từ sau năm 2045 đến năm 2065, ổn định và nâng cao chất lượng đô thị với mô hình khu vực đô thị trung tâm gồm 4 quận (quận phía Bắc sông Hương, quận phía Nam sông Hương, quận Hương Thủy, quận Hương Trà); 1 thành phố (Chân Mây); các thị xã và các huyện….
Tên gọi thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị hành chính trực thuộc cấp huyện, cấp xã sẽ được xác định cụ thể trong quá trình thực hiện các đề án sắp xếp, thành lập đơn vị hành chính.
Trí Đức
(Báo Xây dựng)
- Thành phố Hồ Chí Minh xin cơ chế tài chính triển khai tuyến đường sắt đô thị
- TPHCM có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái AI để phát triển thành phố
- Tiếp tục thi tuyển phương án kiến trúc, cảnh quan công trình Bảo tàng Trường Sa
- Kiến nghị cho phép mua bán trực tiếp điện mặt trời mái nhà không qua lưới quốc gia
- TP. Phan Rang - Tháp Chàm được quy hoạch thành 5 phân vùng đô thị lớn
- Bình Dương: Phê duyệt Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung thành phố Tân Uyên đến năm 2040
- Autodesk và Ban Quản lý Đường sắt đô thị TPHCM ký kết hợp tác thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng BIM
- Chuyên gia đề xuất làm dự án đô thị carbon thấp trị giá 250 triệu USD tại TPHCM
- Khẩn trương xây dựng thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi)
- TPHCM tìm cách tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội