Ngành giao thông vận tải không thể đứng ngoài hành trình thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam. Theo các chuyên gia, cần sớm xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, luật hóa việc chuyển đổi xanh trong các dự án mới, dự án đầu tư trang thiết bị để chuyển đổi hạ tầng lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế này.
TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 70 - 90% xe buýt điện và năng lượng xanh, đạt 100% vào năm 2035. (Ảnh minh hoạ: ST)
Cần cơ chế để hấp dẫn, thu hút nguồn lực
Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, triển khai các cam kết của Việt Nam tại COP26, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí cacbon và khí metan của ngành giao thông vận tải.
Sau hai năm thực hiện Quyết định trên, bên cạnh kết quả ban đầu vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất phát điểm của nền kinh tế Việt Nam thấp, vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng đủ mục tiêu đầu tư. Đặc biệt các giải pháp thu hút nguồn lực đầu tư chuyển đổi cơ sở hạ tầng xanh, chuyển đổi phương tiện xanh.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, hiện nguồn vốn mồi của nhà nước cho đầu tư phát triển hạ tầng vẫn là một nguồn lực rất lớn. Song song đó, cũng cần khai thông để huy động nguồn lực quốc tế. “Vấn đề là cần hành lang pháp lý, cơ chế nào để hấp dẫn, thu hút nguồn lực, đầu tư và luôn luôn phải thực hiện đồng bộ từ trung ương đến địa phương. Đồng thời, rà soát các quy định để thu hút tư nhân tham gia vào các lĩnh vực là thế mạnh của họ như chuyển đổi phương tiện, năng lượng…", ông Đông cho biết thêm.
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Đông, sau khi đã khai thông nguồn lực rồi thì việc tổ chức thực hiện cũng rất quan trọng, làm sao để "tiêu hoá" được nguồn vốn lớn và phải đồng bộ giữa các lĩnh vực để đạt mục tiêu chung, hướng tới Net Zero.
Là một trong những đầu tàu kinh tế lớn nhất nước, TPHCM đã xây dựng lộ trình để đến năm 2030 toàn bộ xe buýt TPHCM sử dụng điện, năng lượng xanh. Để huy động nguồn lực nhà nước và xã hội hóa thực hiện mục tiêu trên, ông Lê Hoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM cho biết, hiện một số chính sách đang được xem xét đề xuất cơ quan có thẩm quyền để thực hiện như: hỗ trợ 50% lãi suất đối với phần vốn vay mua xe buýt sử dụng năng lượng xanh. Giai đoạn 2025 - 2030 dự kiến có 2.849 xe buýt sử dụng năng lượng xanh thì cần tổng vốn đầu tư khoảng 14.165 tỷ đồng; hỗ trợ 50% lãi suất đối với phần vốn vay đầu tư trạm sạc điện. Dự kiến đầu tư 464 trụ sạc, tại 29 vị trí lắp đặt, khoảng 650 tỷ đồng.
Còn tại Hà Nội, ông Thái Hồ Phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng (Sở Giao thông vận tải Hà Nội) cho biết đang có 1.905 xe buýt trợ giá với 281 xe dùng năng lượng sạch hoạt động. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 70 - 90% xe buýt điện và năng lượng xanh, đạt 100% vào năm 2035. Để thực hiện, Hà Nội cần huy động nguồn lực từ ngân sách nhà nước (chi phí phục vụ chuyển đổi, chi phí duy trì trợ giá hàng năm...) và từ doanh nghiệp (mua xe, đầu tư hạ tầng trạm sạc điện, nạp khí...). Và mong muốn tiếp cận các nguồn vốn có cơ chế cho vay và lãi vay hấp dẫn, an toàn với sự bảo trợ của Chính phủ, thành phố. Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định các loại hình trạm sạc; bố trí mạng lưới điện đủ đáp ứng nhu cầu trạm sạc. Hướng dẫn cụ thể về giá bán điện của trạm sạc và giá sạc điện; cũng như sớm ban hành tiêu chuẩn về ổ cắm dùng trong trạm sạc, nhằm đồng bộ hóa bộ tiêu chuẩn về dây, cáp sạc và thiết bị đo đếm điện năng.
Mong được hỗ trợ và ưu đãi với chuyển đổi xanh
Theo đánh giá của các chuyên gia, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp ngành giao thông trong quá trình chuyển đổi xanh là nguồn vốn. Khi phát triển sản xuất, đầu tư trang thiết bị, doanh nghiệp cần phải cân đối giữa hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường.
Đại diện cho Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Thượng tá Vũ Anh Tuấn, Phó Ban chỉ đạo cảng xanh cho biết, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn là nhà khai thác cảng lớn nhất Việt Nam với gần 60% thị phần. Theo số liệu thống kê, mỗi ngày tại Cát Lái (một cảng thuộc Tân Cảng), có trên 15.000 lượt xe tải lấy container, vận hành gần 2.000 thiết bị chuyên dụng. Lượng nhiên liệu sử dụng mỗi năm của Tân Cảng Sài Gòn khoảng 5 triệu lít.
Việc chuyển đổi xanh đã được Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn thực hiện từ lâu. Theo đó, tất cả trang thiết bị dùng dầu diesel trong cẩu và ô tô đã chuyển gần hết sang dùng điện. Động cơ ô tô cũ thời kỳ đầu của Nga được nâng lên đáp ứng tiêu chuẩn Euro 3 rồi hiện tại là Euro 5. Tổng công ty cũng đã lắp đặt trên 400.000m2 pin mặt trời, công suất thu hoạch khoảng 80MW điện mặt trời. Phần lớn hoạt động vận tải đường bộ nội bộ được chuyển sang vận tải đường thủy.
Theo Thượng tá Vũ Anh Tuấn, thách thức lớn nhất của Tân Cảng trong quá trình chuyển đổi xanh là vấn đề nguồn vốn. Khi phát triển sản xuất, đầu tư trang thiết bị, doanh nghiệp cần phải cân đối giữa hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường. Một số dự án khi chuyển đổi xanh, dùng trang thiết bị tự động hóa chạy điện một phần hoặc toàn phần thì chi phí đội lên gần gấp 3 lần so với ban đầu, từ 11 - 12 nghìn tỷ lên khoảng 30 nghìn tỷ đồng. Đơn cử, một chiếc xe tải dùng động cơ đốt trong do Mỹ hoặc châu Âu sản xuất giá 1-2 tỷ đồng thì xe tải điện Trung Quốc sản xuất giá lên tới 5 tỷ đồng, chiếm một nửa trong đó là tiền pin.
Việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ từ Chính phủ, các quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh của quốc tế hiện cũng gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Khi tiếp cận được thì đã muộn hoặc không đủ điều kiện thực hiện. Do vậy, hiện tại doanh nghiệp chủ yếu dùng giải pháp tự thân như tối ưu hóa quản trị năng lượng, chủ động thúc đẩy chuyển đổi xanh, dùng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
“Để hỗ trợ chuyển đổi xanh, cần xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý, luật hóa việc chuyển đổi xanh trong các dự án mới, dự án đầu tư trang thiết bị để chuyển đổi hạ tầng giao thông, theo đó cần có các quy đinh cụ thể như một dự án phải có tỷ trọng bao nhiêu phần trăm đáp ứng tiêu chuẩn xanh, tiêu chuẩn về trang thiết bị cụ thể ra sao... Chúng tôi cũng mong muốn Chính phủ có những ưu đãi thực chất, kịp thời về miễn, giảm thuế và các hỗ trợ tài chính khác cho doanh nghiệp để chuyển đổi xanh. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng mong được giúp đỡ kết nối tới các dự án, nguồn hỗ trợ chuyển đổi xanh từ Chính phủ cũng như quốc tế”, Thượng tá Vũ Anh Tuấn kiến nghị.
Ông Thomas Wiersing, Đại diện lâm thời, Phó trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam: Cam kết hỗ trợ Việt Nam phát triển giao thông xanhMục tiêu của EU là giảm 60% phát thải từ ngành giao thông vào năm 2050, được thực hiện qua nhiều phương thức. Đầu tiên là áp dụng chuẩn phát thải nghiêm ngặt hơn cho các phương tiện. Các tiêu chuẩn khí thải mới giúp giảm 40% phát thải trên các mẫu xe mới bán ra từ năm 2000. Thứ hai là sử dụng nhiên liệu thay thế như điện, hydro để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Thứ ba, đầu tư phát triển các loại hình giao thông công cộng như xe buýt, xe điện để giảm sử dụng phương tiện cá nhân, cũng như đảm bảo hệ thống giao thông công cộng sạch và an toàn. Khuyến khích phát triển giao thông đô thị bền vững, thúc đẩy giao thông công cộng tại đô thị bằng cách xây dựng hạ tầng cho người đi bộ, khuyến khích đi chung xe. Trong đó, đường sắt đóng vai trò quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính, đến năm 2030 đặt mục tiêu phục vụ hành kháchh đường sắt tăng 30%, cam kết hỗ trợ giảm phát thải ngành đường sắt, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để hướng tới giao thông xanh. Tại Việt Nam, EU cam kết hỗ trợ giảm khí nhà kính ngành giao thông, hỗ trợ phát triển giao thông công cộng, cũng như chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết với các đối tác phù hợp của Việt Nam. Ông Vũ Đức Công, Quản lý cơ sở hạ tầng và cố vấn chính sách cấp cao (Đại sứ quán Australia): 3 yếu tố để đạt tham vọng giảm phát thải về 0 vào 2050Chính phủ Việt Nam đã có cam kết tại COP26 và đang nỗ lực để thực hiện tham vọng giảm phát thải về 0 vào 2050. Nhưng câu hỏi đặt ra là nguồn lực ở đâu để đạt được tham vọng đó và làm thế nào để huy động nguồn lực và cách thức triển khai như thế nào. Điều này cần có 3 yếu tố. Thứ nhất, chúng ta phải có cam kết lớn, ý chí từ các bộ, ban ngành và các doanh nghiệp. Thứ hai, chúng ta phải có lộ trình cụ thể để triển khai và huy động nguồn lực. Cuối cùng, chúng ta phải có khung khổ pháp lý làm thế nào để thu hút nguồn lực để các nhà đầu tư trong và ngoài nước an tâm, đầu tư. Bà Kathleen WHIMP, quyền Giám đốc Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam - Lào - Campuchia: WB luôn hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, giao thông xanhWB cam kết hỗ trợ Việt Nam trên chặng đường phát triển giao thông xanh và phát triển bền vững trong tương lai, từ đó đạt được mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Thời gian qua, WB luôn hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện chuyển đổi năng lượng xanh, phương tiện xanh không chỉ trong cam kết tài chính mà còn hỗ trợ các sáng kiến kỹ thuật, đơn cử như sáng kiến của WB trong chuyển đổi xe buýt điện, hỗ trợ cho chuyển đổi giao thông xanh. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi giao thông xanh, Việt Nam cần giải quyết các thách thức như thúc đẩy phê duyệt các dự án, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp với quốc tế; chuẩn bị ngân sách dài hạn cho các dự án; nâng cao năng lực thể chế và hoàn thiện khung pháp lý. X.T (ghi) |
Tuấn Phong
(Tạp chí Hải Quan)
- Đề xuất 5 nhóm chính sách sửa đổi Luật Đầu tư công
- Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024 sẽ diễn ra đầu tháng 10
- Cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất
- Bình Dương sẽ xây dựng thêm 26.552 căn nhà ở xã hội
- Thủ tướng Chính phủ khảo sát tiến độ nhiều dự án tại Đà Nẵng
- Thủ tướng chủ trì Hội nghị triển khai Nghị quyết 136 của Quốc hội về thành phố Đà Nẵng
- Nghị quyết về đảm bảo yêu cầu phân loại đô thị và tiêu chuẩn đơn vị hành chính
- Triển khai nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực phát triển đô thị
- Sắp khánh thành nhà máy xử lý nước thải lớn nhất TPHCM
- Sớm điều chỉnh tiêu chuẩn về PCCC đáp ứng phát triển nhanh của lĩnh vực xây dựng