Để hướng tới thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa, đại diện của UNDP và WWF Việt Nam đã đề xuất 8 khuyến nghị để đưa vào nội dung chương trình đàm phán tại INC-5 tới đây.
Từ ngày 24/11 đến ngày 1/12 tới đây, Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, phiên thứ 5 (INC-5), sẽ diễn ra tại Busan (Hàn Quốc), hướng đến mục tiêu tham vấn và xây dựng phương án đàm phán, kịch bản của Việt Nam.
(Ảnh minh họa: Reuters)
Ô nhiễm nhựa là thách thức nghiêm trọng toàn cầu
Ông Lê Ngọc Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: Ô nhiễm nhựa là thách thức nghiêm trọng và cấp bách, đòi hỏi thế giới cần sớm thông qua một khuôn khổ pháp lý để giải quyết.
Với vai trò là một bên tham gia Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị nội dung tốt nhất cho cuộc đàm phán cuối cùng tại Busan, Hàn Quốc.
Việc đạt được một thoả thuận toàn cầu tại INC-5 được coi là kết quả rất tham vọng. Hiện nay, thế giới còn rất nhiều việc phải làm nhằm thu hẹp khác biệt, thậm chí là sự trái ngược trong quan điểm đàm phán của nhiều quốc gia, nhóm quốc gia, chẳng hạn như: sản xuất, cung ứng, các sản phẩm nhựa và hóa chất đáng quan ngại; cơ chế tài chính…
Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế nhấn mạnh: Khi được thông qua và đi vào thực thi, Thoả thuận sẽ tạo ra những tác động sâu rộng tới mọi khía cạnh kinh tế – xã hội của Việt Nam và thế giới, thậm chí sẽ tạo ra cuộc cách mạng về kinh tế nhựa từ thiết kế sản phẩm đến sản xuất, tiêu dùng, thải bỏ và tái chế các sản phẩm nhựa…
Với mục tiêu trên, ông Tuấn nhấn mạnh yêu cầu đặt ra với Việt Nam là cần khẩn trương chuẩn bị nội dung tốt nhất cho đoàn đàm phán Việt Nam tham dự Hội nghị INC-5, nhất là tập trung những nội dung tác động đến Việt Nam (bao gồm về chính sách pháp luật, những rào cản kỹ thuật – nếu có).
Rác thải nhựa là một vấn đề mang tính toàn cầu. (Ảnh: Reuters)
8 nhóm khuyến nghị cho Việt Nam trước thềm INC-5
Tham gia hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị cho INC-5, UNDP Việt Nam đã đề xuất 4 lĩnh vực quan trọng cần đặt trọng tâm, bao gồm:
Đầu tiên, cần hướng tới một thỏa thuận phù hợp và bảo đảm lợi ích quốc gia. Trong đó, các bên tham gia đàm phán Hiệp định phải bảo đảm các nghĩa vụ phù hợp với các ưu tiên và lợi ích quốc gia của Việt Nam, như các cam kết hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh, kiểm soát các hóa chất đáng quan ngại, hoặc thiết lập các cơ chế thuế và phí hiệu quả.
Đặc biệt, các bên liên quan cần xem xét kỹ lưỡng những yếu tố được coi là không thể thương lượng đối với Việt Nam và những yếu tố có thể linh hoạt trong quá trình đàm phán.
Thứ hai, cần đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường. Về vấn đề này, Việt Nam cần xem xét một số các biện pháp đang được đề xuất trong Hiệp định như lệnh cấm nhựa dùng một lần hoặc hạn chế sản xuất nhựa sẽ tác động đến nền kinh tế, xã hội và môi trường của chúng ta như thế nào. Từ đó, đảm bảo sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và các ngành sản xuất liên quan đến nhựa tại Việt Nam, đặc biệt là ngành sản xuất nhựa với trị giá 25 tỷ USD.
Thứ ba, vận động hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Việt Nam nên vận động cho các điều khoản Thỏa thuận cung cấp hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển. Điều này bao gồm hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương, như lực lượng phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào sản xuất nhựa.
Cuối cùng, Việt Nam cần chuẩn bị cho việc tuân thủ Thỏa thuận thông qua nội luật hóa điều ước quốc tế. Để đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế, Việt Nam cần có sự cân nhắc bắt đầu sửa đổi các điều luật liên quan trong nhiều lĩnh vực khác nhau như thiết kế sản phẩm, kiểm soát hóa chất, quản lý chất thải, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất cũng như các chính sách thuế và phí.
“Điều này đòi hỏi sự hợp tác giữa các bộ, ngành khác nhau, bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường”, ông Vũ Thái Trường, Quyền Trưởng Ban Môi trường và Biến đổi khí hậu của UNDP Việt Nam nhấn mạnh.
Ông Vũ Thái Trường, Quyền Trưởng Ban Môi trường và Biến đổi khí hậu của UNDP Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm thiểu Rác thải Nhựa của WWF-Việt Nam, cũng đề xuất 4 yếu tố then chốt cần được đưa vào đàm phán tại INC-5.
Đồng hành cùng Việt Nam từ những ngày đầu khi các cuộc đàm phán về thoả thuận nhựa toàn cầu được thực hiện, bà Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giám đốc Chương trình Giảm thiểu Rác thải Nhựa của WWF-Việt Nam, cũng đề xuất 4 yếu tố then chốt cần được đưa vào đàm phán tại INC-5, bao gồm:
“Phiên họp Liên chính phủ lần thứ 5 (INC-5) tới đây không chỉ là cơ hội để chúng ta đóng góp thành công vào một thỏa thuận toàn cầu mà còn là dịp để Việt Nam khẳng định vai trò tiên phong trong khu vực trong cuộc chiến chống ô nhiễm nhựa, trở thành một hình mẫu trong việc giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.” -Đại diện WWF Việt Nam. |
Một là, quy định loại bỏ nhựa gây hại. Trong đó, WWF khuyến nghị các quốc gia thống nhất danh sách các sản phẩm nhựa và hóa chất độc hại cần bị cấm và loại bỏ, bắt đầu với các sản phẩm và hóa chất có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe và môi trường.
Hai là, thiết kế sản phẩm bền vững. Thỏa thuận cần đề ra các tiêu chuẩn thiết kế sản phẩm mang tính thống nhất toàn cầu, bảo đảm tính tái sử dụng và tái chế để hỗ trợ nền kinh tế tuần hoàn. Điều này sẽ tạo ra những tiêu chuẩn rõ ràng cho các doanh nghiệp/ và khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực tái chế và tái sử dụng nhựa.
Ba là, bảo đảm nguồn tài chính đủ mạnh. Một gói tài chính toàn diện là điều kiện tiên quyết để thỏa thuận được triển khai hiệu quả. WWF mong muốn thỏa thuận sẽ bao gồm các nguồn lực tài chính và hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt dành cho các quốc gia thu nhập thấp để bảo đảm công bằng và bền vững.
Cuối cùng, cơ chế linh hoạt và lâu dài. Để đối phó với các thách thức không ngừng thay đổi, thỏa thuận cần có cơ chế cập nhật và điều chỉnh các biện pháp dựa trên bằng chứng khoa học mới. Điều này sẽ bảo đảm thỏa thuận không chỉ có hiệu lực tức thì mà còn có khả năng đáp ứng các yêu cầu trong tương lai.
Ngày 5/11, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam) tổ chức Hội thảo kỹ thuật với chủ đề “Hướng tới Busan – Kịch bản cho Việt Nam”. Hội thảo được tổ chức trước thềm Hội nghị Liên chính phủ đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa, phiên thứ 5 (INC-5), sẽ diễn ra từ ngày 24/11 đến 1/12/2024 tại Busan (Hàn Quốc), hướng đến mục tiêu tham vấn và xây dựng phương án đàm phán, kịch bản của Việt Nam. |
Bình An
(Nhân Dân)
- Chính thức vận hành thương mại đoạn đường sắt trên cao Nhổn – ga Hà Nội
- Hà Nội: Quận Hoàn Kiếm sẽ được thí điểm hạn chế phương tiện, giảm phát thải đầu tiên
- Phát triển đô thị các tỉnh Tây Nam Bộ xanh - thông minh - bền vững
- Khánh Hòa: Giao UBND thành phố Nha Trang lập quy hoạch chi tiết Khu trung tâm hành chính mới của tỉnh
- Nghệ An: Thị xã Cửa Lò sáp nhập vào TP Vinh
- Đưa Đông Nam bộ đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao
- TPHCM xác định mô hình TOD là động lực phát triển giao thông công cộng
- 80 cơ sở sản xuất xi măng phải kiểm kê khí nhà kính
- Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040: Hướng tới đô thị di sản – xanh và sáng tạo
- Bộ GTVT ban hành 10 giải pháp giảm phát thải trong giao thông đến năm 2030