Ashui.com

Friday
Nov 29th
Home Tin tức Việt Nam Luật Thủ đô: Cần, cũng không thể vội

Luật Thủ đô: Cần, cũng không thể vội

Viết email In

Sáng 9/2, tại phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung dự án Luật Thủ đô vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010.

Theo tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Thủ đô sẽ tạo cơ sở pháp lý ở tầm luật để thực hiện quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô Hà Nội theo các chính sách, cơ chế đặc thù; góp phần khắc phục bất cập, hạn chế hiện nay trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng, quản lý và phát triển Thủ đô…

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét thông qua dự án án luật này tại kỳ họp thứ bảy (tháng 5/2010). Vì, việc Quốc hội xem xét thông qua Luật Thủ đô trong thời gian chuẩn bị Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội sẽ có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị và tinh thần đối với đất nước ta và là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng Thủ đô văn minh, thanh lịch, hiện đại trong tình hình mới.

Tuy nhiên, đề nghị này chưa nhận được sự đồng tình cao trong quá trình thảo luận.

Thường trực Ủy ban Pháp luật cho rằng việc xem xét thông qua dự án luật này tại một kỳ họp là không khả thi. Bởi, dự thảo luật còn có những vấn đề chưa phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Thể hiện ở các quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, về ngân sách và một số cơ chế đặc thù…

Theo dự luật, về ngân sách, ngoài tỷ lệ thưởng chung đối với các khoản tăng thu so với dự toán Trung ương giao, Hà Nội sẽ được sử dụng 100% số tăng thu còn lại, kể cả thu từ xuất nhập khẩu để đầu tư cho phát triển. Nhưng theo Luật Ngân sách Nhà nước thì Chính phủ quyết định trích thưởng với tỷ lệ không  quá 30% cho ngân sách địa phương.

Thủ đô cũng đề xuất một số cơ chế đặc thù như có cảnh sát đô thị, kiến trúc sư trưởng, có đãi ngộ về tuyển dụng, sử dụng phụ cấp, mức thưởng, thù lao đặc thù...

Bên cạnh đó, tiến độ chuẩn bị dự án luật cũng là vấn đề đáng lo, vì Ban soạn thảo Luật Thủ đô mới được thành lập tháng 7/2009. Hiện dự thảo luật lần thứ tư vẫn còn đang chỉnh sửa, chưa được Chính phủ cho ý kiến.

Nhiều nội dung lớn cần phải có thời gian khảo sát, nghiên cứu và thảo luận kỹ, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận nói. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị trình dự án luật tại kỳ họp Quốc hội thứ bảy và thông qua tại kỳ họp thứ tám.

Đồng tình với quan điểm của Ủy ban Pháp luật, nhiều ý kiến cho rằng nếu thông qua tại một kỳ họp thì tính khả thi không cao. Theo trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, Pháp lệnh Thủ đô không đi vào cuộc sống vì có nhiều điểm không phù hợp với pháp luật hiện hành. Vì thế ông tỏ ra lo ngại khi những quy định của Luật Thủ đô cũng sẽ “vướng” bởi chính điều này.

"Hiến pháp không quy định là  phải có đặc thù riêng cho Thủ đô. Bộ máy hành chính cả nước như nhau. Nếu bây giờ làm cái gì khác đi là không phù hợp", ông Vượng bày tỏ.

Chủ tịch hội đồng dân tộc Kso Phước cũng cho rằng việc xây dựng Luật Thủ đô không nên “chạy theo” kỷ niệm 1.000 năm hay bao nhiêu năm mà nên làm cho “chắc ăn”. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền và Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đều cho rằng không nên thông qua Luật Thủ đô theo quy trình một kỳ họp, vì tính khả thi không cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, so với dự kiến ban đầu, dự thảo luật đã rút từ 56 điều xuống còn 33 điều. Trước khi nghỉ Tết, ban soạn thảo sẽ gửi dự thảo luật lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương. "Khoảng rằm tháng Giêng chúng tôi sẽ thu thập được các ý kiến đóng góp và sẽ hoàn chỉnh các báo cáo đánh giá tác động để tháng 3 kịp trình lên Thường vụ Quốc hội", ông Cường cho biết.

Kết lại phần thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ban soạn thảo phải gấp rút hoàn thiện để có thể thông qua ngay tại kỳ họp Quốc hội thứ bảy. Trong trường hợp dự thảo luật đưa ra Quốc hội mà đại biểu có ý kiến chưa thống nhất thì lúc đó sẽ xem xét lùi lại kỳ họp sau.

Cũng liên quan đến việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, một số dự án luật Chính phủ xin “lùi” tại kỳ họp trước sẽ được xem xét trong năm nay. Đó là các dự án Luật Tiếp cận thông tin, Luật Biển Việt Nam, Luật  Cơ yếu. Luật Đầu tư công và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 66/2006/QH11 về công trình, dự án quan trọng Quốc gia trình Quốc hội quyết định cũng được bổ sung vào chương trình của năm 2010.

Thường trực Ủy ban Pháp luật và một số ý kiến khác cũng đề nghị bổ sung vào Chương trình việc sửa đổi, bổ sung một số quy định trong Luật Đất đai, Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính.

Nguyễn Lê


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...