Đến thời điểm này, việc thu xếp vốn cho một trong những phân đoạn lớn nhất của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam: đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi về cơ bản đã thu xếp xong.
Vào cuối tuần qua, đoàn thẩm định Dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (gọi tắt là Dự án) của Ngân hàng Thế giới (WB) đã có buổi làm việc với Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để rà soát lần cuối các điều khoản của Dự thảo Hiệp định tài trợ vốn xây dựng Dự án dự kiến được ký kết trong năm nay.
(nguồn: Ashui.com)
Ông Nguyễn Tất Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) – đơn vị chủ đầu tư Dự án cho biết, về cơ bản, WB đã đồng ý với đề xuất của Việt Nam về việc tài trợ 580 triệu USD (tương đương 37,8% tổng vốn đầu tư Dự án). Ngoài ra, 80 triệu USD từ Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) với thời gian 35 năm, gồm 10 năm ân hạn vay ưu đãi; 500 triệu USD vay từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) với thời gian 25 năm, có 10 năm ân hạn, với lãi suất Libor + 1,25%.
Bộ GTVT cũng đã đạt được thỏa thuận với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) về khoản vay 725 triệu USD (tương ứng 48,3% tổng vốn đầu tư Dự án), kèm theo một số điều kiện.
Vướng mắc duy nhất về tài chính của Dự án tính tới thời điểm này chính là phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Theo tính toán, do có chỉ số nội hoàn tài chính (FIRR) rất thấp là 3,7%, thời gian hoàn vốn kéo dài (khoảng 33 năm), khi công trình đi vào khai thác, dòng tiền của Dự án trong 16 năm đầu sẽ hụt khoảng 323 triệu USD. Vì thế, Dự án rất khó huy động vốn từ khu vực tư nhân.
Để giải quyết vướng mắc này, trong Văn bản số 7792/BGTVT – KHĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án tài chính đề xuất cho Dự án, Bộ GTVT đã đề nghị bổ sung khoản thiếu hụt này vào phần kinh phí đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Do một phần vốn vay từ WB, JICA có tính chất thương mại, nên Dự án cuối cùng đã được Bộ GTVT giao cho VEC làm chủ đầu tư. Với việc áp dụng hình thức đầu tư BOO (xây dựng - vận hành - sở hữu), phương án huy động vốn cho Dự án sẽ được thực hiện theo cơ chế: Chính phủ đứng ra vay vốn của WB và JICA để VEC vay lại theo quy định hiện hành. Bộ GTVT đóng vai trò là cơ quan chủ quản, VEC (với tư cách là nhà đầu tư) sẽ chịu trách nhiệm thực hiện Dự án và có nghĩa vụ hoàn vốn đầu tư bao gồm cả gốc lẫn lãi.
Theo Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án do liên danh tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) - Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT lập, Dự án có mục tiêu là xây mới tuyến đường nối từ huyện Hòa Vang (TP. Đà Nẵng) đến huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) đạt tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. với tốc độ thiết kế 120 km/h đi qua địa phận của TP. Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tổng chiều dài của tuyến đường là 139,5 km, bao gồm 2 đoạn: tuyến cao tốc có chiều dài 131,49 km và đoạn nối cuối tuyến từ TP. Quảng Ngãi với tuyến tránh phía Đông, Thị trấn La Hà, Quốc lộ 1 dài 8,02 km.
Với tổng mức đầu tư 29.203 tỷ đồng (1,53 tỷ USD), Dự án còn là phân đoạn lớn nhất của tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, riêng phần chi phí xây dựng công trình là 20.693 tỷ đồng.
Theo quy hoạch, tuyến đường sẽ gồm 6 làn xe cơ giới, nhưng trước mắt, sẽ đầu tư xây dựng 4 làn xe với chiều rộng nền đường là 26 m.
Không chỉ góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, Dự án sẽ rút ngắn hành trình từ TP. Đà Nẵng đến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và ngược lại. Bên cạnh đó, tuyến đường còn đi qua các khu kinh tế, khu công nghiệp quan trọng như Liên Chiểu, Hòa Khánh (Đà Nẵng), Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi) và trong tương lai trục đường huyết mạch này có khả năng gắn kết với Quốc lộ 24 lên Kon Tum, qua các nước Lào, Thái Lan... hình thành nên trục vận tải quốc tế Thái Lan - Lào - Campuchia - Việt Nam thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây.
Anh Minh
- Năm 2011: Hà Nội sẽ tập trung xây dựng các quy hoạch lớn
- Nhật Bản giúp doanh nghiệp giành thầu 2 dự án hạ tầng lớn ở VN
- Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ có 4 cầu bắc qua sông Sài Gòn
- 120 ngàn héc-ta đất cho hạ tầng giao thông
- Phê duyệt Quy hoạch xử lý chất thải rắn ở Hà Nội
- Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020
- Đầu tư hơn 1 tỉ đô la xây nhà máy pin mặt trời
- Giới thiệu thành nhà Hồ với ủy ban Di sản thế giới
- Khánh thành đường Rừng Sác - Cần Giờ: TP.HCM vươn ra biển
- Ban Cán sự Đảng Chính phủ họp báo cáo Đồ án quy hoạch chung Hà Nội