Tiến sĩ Vũ Xuân Hòa – Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Bách Khoa, đồng thời là đơn vị chịu trách nhiệm tư vấn thiết kế dự án, đã nhận định như vậy khi trao đổi với báo chí sáng 8/8.
Ông Hòa cho biết, thực tế vào năm 2000, thành phố đã có chủ trương xây dựng tuyến đường. Đến năm 2002, thành phố giao cho chủ đầu tư là khu quan lý giao thông đô thị số 1 (gọi tắt là khu 1) lập đề án nghiên cứu khả thi và đã báo cáo trước UBND TP.
Phối cảnh đường trên cao số 1 tại điểm đầu đường Cộng Hoà (Q.Tân Bình). Trong hình là nút giao thông vòng xoay Lăng Cha Cả đã được cải tạo (Ảnh do Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Bách Khoa cung cấp.)
Thế nhưng, đến nay dự án đã bị gián đoạn gần 10 năm. Vừa rồi, thành phố lại có chủ trương tái khởi động lại dự án, cụ thể: Đơn vị tư vấn thiết kế đã có buổi báo cáo đầu kỳ với Sở Giao thông vận tải TP về dự án.
Được biết, dự án bị gián đoạn do nhà đầu tư của dự án là tập đoàn GS E&C (Hàn Quốc) xin rút khỏi dự án vào cuối năm 2009 do nguồn vốn không đủ để tiếp tục đầu tư vào dự án.
Đến đầu năm 2011, thành phố đã giao cho Công ty Cổ phần Bê tông 620 làm chủ đầu tư dự án. Trong đó, Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Bách Khoa, chịu trách nhiệm tư vấn thiết kế dự án.
Dự án xây dựng tuyến đường trên cao số 1 về cơ bản không có thay đổi gì lớn trong thiết kế so với trước đó, gồm 4 làn xe; toàn tuyến dài gần 9km, bắt đầu từ đường Cộng Hoà (gần vòng xoay Lăng Cha Cả - Q.Tân Bình) đi theo đường Bùi Thị Xuân rồi chạy dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đến đường Nguyễn Hữu Cảnh (gần cầu Thị Nghè 2 – Q.Bình Thạnh); chiều cao trung bình trên 8 thước (kể từ mặt đường bên dưới đến đáy kết cấu đường trên cao).
Phương pháp xây dựng sẽ thi công theo hình thức lắp hẫng (lắp ghép các khối bê tông lại với nhau- phần thượng tầng) và cọc khoan nhồi (hạ tầng); đặc biệt theo chủ trương của thành phố, tuyến đường chỉ dành cho xe ô tô lưu thông.
Tuy nhiên, đơn vị tư vấn đã đề xuất điều chỉnh một số phương án nhằm hoàn thiện hơn cho dự án đường trên cao số 1. Đơn cử, chiều rộng sẽ là 17 mét hoặc 19,5 mét (tuy theo vận tốc thiết kế - trước chỉ 14m); vận tốc quy định của tuyến đường có 2 phương án 60km/h và 80km/h (trước đây chỉ 60km/h).
Dự kiến, đến cuối tháng 8 tới, đơn vị tư vấn thiết kế sẽ hoàn thành bản thiết kế cơ sở toàn bộ tuyến đường và đến cuối năm nay sẽ hoàn chỉnh dự án để báo cáo cuối kỳ trước thành phố, ông Hòa chia sẽ.
Theo quy hoạch, đường trên cao số 1 sẽ là trục đường “xương sống” kết nối 3 tuyến đường trên cao còn lại. Bên cạnh đó, do tuyến đường đi xuyên trong khu vực trung tâm thành phố nên vừa giúp giảm áp lực xe cộ trong nội đô, kết nối thẳng sân bay Tân Sơn Nhất với nội thành. Qua đó, kết nối khu vực ngoại thành với thành phố và các tỉnh lân cận.
Theo quy hoạch của thành phố đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 sẽ bao gồm 4 tuyến đường trên cao liên thông với nhau. Ngoài tuyến đường trên cao số 1 còn 3 tuyến khác, gồm: Tuyến số 2 bắt đầu từ điểm giao với tuyến số 1 tại đường Tô Hiến Thành nối dài - Lữ Gia - Bình Thới - Lạc Long Quân - đường số 3 - đường Vành đai 2 (huyện Bình Chánh). Tuyến số 3 từ điểm giao với tuyến số 2 tại đường Tô Hiến Thành sẽ theo đường Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Lê Văn Lương - Nguyễn Văn Linh (Q.7). Tuyến số 4 bắt đầu từ nút giao thông ngã tư Bình Phước theo quốc lộ 13 vượt sông Sài Gòn sang đường Vườn Lài - Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh - Điện Biên Phủ rồi kết nối vào tuyến số 1. |
Hà Tuấn
Tin mới hơn:
- Megastar E&C đề xuất xây hàng loạt bãi đỗ xe thông minh tại Hà Nội
- Công bố quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Long Thành
- Hà Nội: Hạ ngầm cáp kết hợp chỉnh trang đô thị
- Các dự án cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội: Sẽ loại nhà đầu tư năng lực kém
- TPHCM: "Năm 2015 phải hoàn thành các dự án chống ngập"
Tin cũ hơn:
- Vay vốn ADB cho dự án đường sắt Nhổn-Ga Hà Nội
- Tháng 9/2011 sẽ trình quy hoạch 17 phân khu Hà Nội
- Giới thiệu 4 nghề thủ công của Phố cổ Hà Nội
- Phát hiện 1 công trường đá cổ xây Thành nhà Hồ
- Tạo lập sản phẩm du lịch biển "xanh" để cạnh tranh