Ngày 26/4, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan trong quản lý và sử dụng dịch vụ nhà chung cư, Sở đang tiến hành lấy ý kiến của các hộ dân sinh sống tại các khu chung cư trên địa bàn.
Những thông tin thực tế mà các hộ dân cung cấp sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố tiếp tục hoàn thiện đề án quản lý, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là vấn đề giá dịch vụ đang gây bức xúc tại một số tòa nhà.
Bất đồng về phí dịch vụ tại tòa nhà Keangnam tháng 6/2011
Trước đây, Sở Xây dựng đã tiến hành khảo sát trình Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 4520/QĐ-Ủy ban Nhân dân ngày 29/9/2011 về việc phê duyệt Đề án giá dịch vụ nhà chung cư và ban hành giá trần dịch vụ nhà chung cư. Theo đó, mức phí dịch vụ tối đa là 2.400 đồng/m2/tháng áp dụng với chung cư không có thang máy; đối với nhà chung cư có thang máy, giá áp dụng tối thiểu là 3.100 đồng và tối đa là 4.000 đồng/m2/tháng.
Mức giá trên đã bao gồm chi phí để thực hiện hoàn chỉnh các thành phần công việc; chi phí quản lý chung; lợi nhuận của doanh nghiệp và chưa tính nguồn thu để bù đắp chi phí dịch vụ nhà chung cư theo đặc thù của từng dự án.
Theo hướng dẫn của Ủy ban Nhân dân thành phố, việc xác định giá dịch vụ chung cư của tòa nhà cụ thể phải căn cứ theo đặc thù từ nguồn thu kinh doanh thuộc phần sở hữu chung của tòa nhà, từ thỏa thuận của các bên liên quan hoặc từ điều kiện hạ tầng, môi trường để xác định cho phù hợp. Tuy nhiên, mức giá chỉ được áp dụng tạm thời trong một năm kể từ ngày quyết định này có hiệu lực.Trường hợp giữa bên cung cấp và bên sử dụng dịch vụ đã có thỏa thuận về các điều kiện liên quan đến giá dịch vụ nhà chung cư thì thực hiện theo thỏa thuận đó.
Các loại dịch vụ chưa có hoặc có nhưng chưa đủ thành phần công việc (về tần suất, chất lượng) trong giá dịch vụ nhà chung cư được ban hành theo quyết định này, thì người sử dụng dịch vụ và doanh nghiệp tổ chức quản lý vận hành, cung cấp dịch vụ có trách nhiệm thỏa thuận với nhau theo đúng các quy định hiện hành.
Nhưng thực tế triển khai công tác quản lý, vận hành nhà chung cư trên địa bàn trong thời gian qua cho thấy, phí chung cư là vấn đề "nóng" gây bức xúc trong cư dân ở một số tòa nhà, chưa đi đến thống nhất, giải quyết dứt điểm.
Trong khi đó, một số chủ đầu tư khẳng định, nếu áp dụng mức giá do thành phố Hà Nội quy định thì đơn vị quản lý nhà chung cư không thể đảm bảo nhiệm vụ kinh doanh của mình. Điển hình là những khiếu kiện, bức xúc về phí dịch vụ tại tòa nhà cao cấp Keangnam-Vina hay những tranh chấp mới đây giữa cư dân chung cư N05 Trung Hòa-Nhân Chính liên quan đến phí dịch vụ, phí trông giữ xe ôtô, phần sở hữu chung riêng.
Theo tin của Sở Xây dựng, thông qua phiếu cung cấp thông tin, Sở Xây dựng đề nghị người dân có ý kiến về một số nội dung như: công khai giá dịch vụ nhà chung cư; dịch vụ chung cư thiết yếu; tần suất các dịch vụ cung cấp và đáng chú ý là sự cần thiết ban hành giá trần dịch vụ chung cư.
Ngoài ra, các hộ dân cũng được kiến nghị về chủ đầu tư, đơn vị quản lý vận hành, về quản lý sử dụng diện tích chung, về chất lượng và giá dịch vụ./.
Minh Nghĩa
- Xây dựng kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu cho vùng đồng bằng sông Cửu Long
- Mở rộng không gian đô thị Đông Nam thành phố Đà Nẵng
- Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đổi thay từng ngày
- Dự thảo Luật Thủ đô: Chỉnh 15 điều phù hợp vị thế
- TPHCM: Chấn chỉnh quy hoạch mảng xanh
- Bộ GTVT cần 223.000 tỉ đồng để hiện đại hóa
- Mời nhà thầu nước ngoài chống thấm Sông Tranh 2
- Quy hoạch của Trung Quốc vi phạm chủ quyền Việt Nam
- TPHCM kiến nghị bãi bỏ hạn mức hỗ trợ đất nông nghiệp trong đô thị
- Hội nghị các bài giảng về "Vật liệu thép cao cấp và các ứng dụng"