Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tin tức Việt Nam Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đổi thay từng ngày

Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đổi thay từng ngày

Viết email In

Mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt nguồn ngân sách dành cho phát triển hệ thống giao thông thành phố thường xuyên chỉ đạt 30% so với nhu cầu, nhưng 37 năm qua TPHCM đã xây dựng mới được trên 600 cây cầu, 2.000km đường, tạo điều kiện cho TP phát triển mạnh mẽ trên rất nhiều lĩnh vực.

Thư thả với từng vòng xe...

Ông Trần Văn Nhơn - một người dân cư ngụ trên đường Nguyễn Thái Sơn quận Gò Vấp nhận xét: “Đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi thấy mới từng ngày. Tuần trước đây, các công nhân còn lu lèn đường mà nay một lớp nhựa đã trải xong. Đứng ở đoạn gần với giao lộ Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm nhìn về hướng Bình Thạnh, con đường đã hút tầm mắt”.

  • Ảnh bên: Đại lộ Võ Văn Kiệt (Ảnh: Thanh Tâm)

Quả như ông Trần Văn Nhơn nói, đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, một trong những tuyến đường huyết mạch của TPHCM, đi từ sân bay Tân Sơn Nhất qua các quận Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, Thủ Đức tuy gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng, công tác di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật (điện, điện thoại, cấp nước…) nhưng vẫn được thi công đúng tiến độ.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc chuyên trách giao thông của Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện nay công trình đã thực hiện được khoảng 60% khối lượng công việc. Nhiều đoạn đường qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức đã được xây dựng gần xong. Riêng cầu Bình Lợi nằm trên tuyến đã thi công xong 2 nhịp cầu chính và nhà thầu đang tiến hành thi công phần nhịp dẫn… Về cơ bản, công trình sẽ được hoàn thành vào năm 2014 như kế hoạch.

37 năm qua, đặc biệt trong khoảng 10 năm trở lại đây, TPHCM đã đầu tư xây dựng thêm rất nhiều công trình giao thông mới có ý nghĩa lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của TP. Dự án xây dựng đại lộ Võ Văn Kiệt hoàn thành đưa vào sử dụng không những giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông trên hướng Đông - Tây của TP, giúp TP kết nối với miền Tây Nam bộ và miền Đông Nam bộ thuận tiện hơn, mà còn góp phần mở ra một không gian sống mới cho người dân trong khu vực. Toàn bộ nhà lụp xụp trên tuyến kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, nơi con đường đi qua đã được di dời đến nơi ở mới khang trang hơn.

Cùng với dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, dự án xây dựng đại lộ Đông Tây đã làm thay đổi toàn bộ bộ mặt đô thị của khu vực này. Với đường hầm vượt sông Sài Gòn nối quận 1 với quận 2, dự án xây dựng đại lộ Đông Tây còn góp phần quan trọng cho việc phát triển đô thị mới Thủ Thiêm. Ai đã từng đi lại trong khu vực này nhiều năm trước và “khốn khổ” vì bụi, vì đường xuống cấp và vì mùi hôi của kênh Tàu Hủ - Bến Nghé bốc lên, nay “bon bon” bánh xe trên đường mới, thư thả với bầu không khí trong lành mới hiểu hết được ý nghĩa của các dự án xây dựng đại lộ Đông Tây và Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé mà TPHCM đã quyết tâm thực hiện.

Dự án cải tạo đường dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè mang một sức sống mới đến các khu dân cư dọc kênh. Dự án xây dựng cầu Phú Long nối TPHCM với tỉnh Bình Dương giúp hoàn thiện và đồng bộ mạng lưới giao thông cửa ngõ phía Bắc và Đông Bắc của TP. Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội và dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc mới trên xa lộ Hà Nội đã giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải và tình trạng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ phía Đông Bắc TP.

Dự án xây dựng mở rộng Liên tỉnh lộ 25B có vai trò quyết định đến hoạt động giao thông thông suốt từ cảng Cát Lái, cảng container lớn nhất Việt Nam, đến các tỉnh miền Đông Nam bộ, miền Trung và Tây nguyên.

Đầu tư mạnh công trình huyết mạch

Với vai trò một TP trung tâm kinh tế của cả nước, nhiệm vụ xây dựng hạ tầng giao thông, tạo đà cho TP phát triển là rất lớn. Theo Quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải TPHCM đến 2020 tầm nhìn đến 2030, TPHCM còn phải xây dựng thêm hàng ngàn kilômét đường và hàng trăm cây cầu nữa.

  • Ảnh bên: TPHCM đang phát triển từng ngày

Tuy nhiên, trong giai đoạn từ nay đến 2015, để tập trung cho công tác chống ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông vẫn còn diễn biến phức tạp, TP sẽ tập trung nguồn lực cho các công trình giao thông có tính huyết mạch như các tỉnh lộ, quốc lộ hướng tâm, các tuyến đường cao tốc và đặc biệt phấn đấu đến năm 2015 hoàn thiện đường Vành đai 2. Hiện nay trên Vành đai 2 còn nhiều đoạn chưa được xây dựng như đường nối từ cầu Phú Mỹ ra xa lộ Hà Nội, cầu Rạch Chiếc mới (nằm trên đường nối từ cầu Phú Mỹ ra xa lộ Hà Nội)….

Việc xây dựng Vành đai 3 và 4 do Bộ Giao thông Vận tải thực hiện. TPHCM đã chuyển hồ sơ quy hoạch chi tiết tuyến đường này cho quận 9, huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh - những địa phương có tuyến đường đi qua để có kế hoạch chuẩn bị đất đai phục vụ công tác thi công công trình.

Việc xây dựng 4 tuyến đường trên cao cũng được triển khai thực hiện trong giai đoạn này. Hiện cả 4 tuyến đường đã có nhà đầu tư nghiên cứu, lập dự án như tuyến số 3 đã giao cho Công ty cổ phần Bê tông 6 nghiên cứu, tuyến số 4 có Tổng Công ty Xây dựng số 1 triển khai… Các trục chính đô thị như An Dương Vương - Phan Anh - Bình Long - hương lộ 3, đường Vườn Lài và cầu Vàm Thuật… sẽ được cải tạo, chỉnh trang nhưng theo hướng hạn chế đền bù, giải phóng mặt bằng.

Đặc biệt, nhằm giảm ùn tắc giao thông trên các giao lộ lớn như ngã tư Phú Nhuận, Hàng Xanh, Công trường Dân Chủ… TPHCM sẽ tập trung xây dựng các cầu vượt khác mức ở đây. Các tuyến metro, BRT sẽ được đẩy nhanh tiến độ.

Theo ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc chuyên trách vận tải của Sở GTVT TPHCM, ngoài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đang được triển khai, TPHCM đang gấp rút hoàn thành nghiên cứu để có thể triển khai xây dựng tuyến BRT đầu tiên của TP dọc theo đại lộ Võ Văn Kiệt. Chương trình phát triển xe buýt sử dụng khí CNG cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của TP trong thời gian tới. Hiện TPHCM đã có hơn 30 xe buýt chạy bằng khí CNG và phấn đấu đến 2015 có thêm 300 chiếc nữa.

Nguyễn Khoa


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo