Sở Quy hoạch - Kiến trúc vừa trình UBND TP.HCM ý tưởng bảo tồn khu Chợ Lớn (quận 5). Theo đó, nếu ý tưởng này được thành phố phát triển thành dự án thì cả một vùng đất Chợ Lớn với diện tích 68ha sẽ được khoanh vùng để gìn giữ, tôn tạo những nét văn hoá truyền thống, đồng thời cũng tính tới bài toán nâng cao thu nhập cho chính người dân sống trong vùng dự án.
(ảnh: Nguyễn Đình)
Theo ý tưởng sơ bộ mà trung tâm Nghiên cứu kiến trúc thuộc sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM vừa trình UBND TP.HCM thì, khu vực bảo tồn rộng 64ha, nằm trên phạm vi các phường 10, 11, 13, 14 của quận 5 và phường 1, 2 của quận 6. Theo dự án Ý tưởng thiết kế đô thị bảo tồn và cải tạo khu phố cổ Chợ Lớn của đơn vị tư vấn, công ty DCU (Tây Ban Nha) được sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM lựa chọn để trình UBND TP.HCM, thì khu vực nghiên cứu bảo tồn được giới hạn bởi các tuyến đường Tản Đà – Nguyễn Trãi – Phù Đổng Thiên Vương – kênh Hàng Bàng – Tháp Mười – Lê Tấn Kế – Bãi Sậy – Võ Văn Kiệt. Trong 68ha, có ba khu vực được đơn vị tư vấn chọn để nghiên cứu sâu làm điểm nhấn cho toàn bộ không gian cần bảo tồn của phố cổ Chợ Lớn.
Một là khu vực chợ Bình Tây và các dãy phố lân cận rộng khoảng 4,2ha được giới hạn từ đường Tháp Mười – Lê Tấn Kế – kênh Hàng Bàng, trong đó kênh Hàng Bàng sẽ được nạo vét, cải tạo để kết hợp với khu đất trước mặt chợ Bình Tây thành không gian công cộng, đồng thời khôi phục không gian chợ – kênh của Chợ Lớn xưa. Cách làm này nhằm tăng không gian công cộng và nâng cấp quảng trường phía trước chợ Bình Tây, phục hồi hệ thống kênh Hàng Bàng, củng cố hình ảnh Chợ Lớn.
Khu vực thứ hai là đường Phú Định, Nguyễn Án, Triệu Quang Phục rộng 4,6ha với nhiều đình, chùa, hội quán mang nét đặc trưng của người Hoa như chùa Tam Sơn, đình Minh Hương... Cộng đồng người Hoa ở đây cũng có những lễ hội mang nét đặc trưng riêng như tết Trung thu, Nguyên tiêu, lễ chùa Thiên Hậu, Quan Âm... Đường Nguyễn Án và Phú Định là hai phố đi bộ, đường Triệu Quang Phục hạn chế xe lưu thông. Mục tiêu chính là giữ gìn và củng cố các di sản văn hoá, giảm lưu lượng giao thông, tăng bãi đậu xe, không gian công cộng... để phát triển du lịch.
Khu vực còn lại là dành cho phát triển mới giới hạn bởi đường Hải Thượng Lãn Ông – Vạn Kiếp – Võ Văn Kiệt rộng 5,3ha. Những khu đất mặt tiền đường Võ Văn Kiệt dành cho nhà cao tầng, tiếp đó là khu cách ly có phố đi bộ, bãi đậu xe ngầm và cây xanh để bảo vệ khu vực bảo tồn phía đường Hải Thượng Lãn Ông.
Theo kiến nghị của đơn vị tư vấn ý tưởng thiết kế, đối với cả ba khu vực nên cho tháo dỡ tất cả hệ thống cáp trên cao và các bảng quảng cáo dịch vụ gây ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị. Mục tiêu lâu dài của dự án là sẽ khôi phục nét văn hoá chợ – kênh vốn có của Sài Gòn xưa./.
An Quang
- Hà Nội tập trung cho 37 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị
- JICA giúp Tiền Giang phát triển du lịch cộng đồng
- Thị xã Bà Rịa sẽ được nâng cấp lên thành phố
- Hà Nội kiến nghị công bố giá dịch vụ nhà chung cư
- Phát triển giao thông thủ đô: Cần trên 1 triệu tỉ đồng
- Nghiên cứu chuyên sâu các tác động bất lợi tới vùng hạ lưu sông Mekong
- Đầu tư 482 tỷ đồng để nâng cấp đường tránh Huế
- Quy hoạch thoát nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Tổ chức lấy ý kiến về quy hoạch chi tiết khu trung tâm hiện hữu TP.HCM
- Chính phủ ưu tiên đầu tư 6 khu kinh tế