Mặc dù được Chính phủ hỗ trợ các cơ chế về tài chính, nhưng đến nay tiến độ di dời cảng Sài Gòn ra khỏi khu vực nội thành vẫn rất ì ạch.
Trao đổi với phóng viên chiều 6/12, ông Huỳnh Văn Cường, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn cho biết, để di dời được cảng Sài Gòn thì phải xây dựng xong cảng Hiệp Phước - nơi mà cảng Sài Gòn sẽ di chuyển đến. Tuy nhiên, đến nay cảng Hiệp Phước mới chỉ xây dựng được khoảng 38%.
Việc di dời cảng Sài Gòn ra khỏi khu vực nội thành TPHCM chưa biết khi nào sẽ thực hiện xong (Ảnh: Anh Quân)
“Sắp tới chúng tôi sẽ hoàn thành thêm một cầu tàu dài 200 mét để đưa vào khai thác. Mặc dù đã có cảng, nhưng đường nối từ khu công nghiệp Hiệp Phước đến cảng hiện nay chưa được mở rộng, nên xe không vào được để chở hàng. Việc vận chuyển hàng hóa phải trung chuyển qua các phương tiện thủy nội địa.
Chúng tôi đang soạn thảo cơ chế để kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính cho các doanh nghiệp tự ứng vốn để xây dựng đường vào cảng, có như vậy thì dự án di dời cảng Sài Gòn mới nhanh được”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, do ảnh hưởng của Nghị quyết 11 trong việc cắt giảm đầu tư công nên dự án cũng không có vốn để thực hiện việc di dời. Trong tổng số vốn được duyệt 2.700 tỉ đồng thì hiện nay giá trị thực hiện mới chỉ được khoảng 780 tỉ đồng. Ông Cường cho hay với tình hình khó khăn về vốn như hiện nay thì chưa biết khi nào dự án sẽ di dời xong.
Theo Quyết định 46/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, TPHCM có 5 cảng phải di dời ra khỏi nội thành trước năm 2010, nhưng đến nay mới chỉ có Tân cảng Sài Gòn đã di dời đến Cát Lái, còn những cảng khác vẫn đang trong quá trình di dời.
Trong đó, quá trình di dời nhà máy đóng tàu Ba Son gặp nhiều vướng mắc nên Chính phủ đã đồng ý cho lùi thời hạn di dời đến năm 2015. Còn cảng Tân Thuận Đông và cảng Rau Quả cũng xin lùi thời hạn di dời đến năm 2020.
Theo quy hoạch của UBND TPCHM, sau khi các cảng trong khu vực nội thành rời đi, khu đất nhà máy đóng tàu Ba Son sẽ được chuyển đổi thành khu trung tâm phức hợp Sài Gòn – Ba Son, với chức năng là trung tâm tài chính, văn phòng, khách sạn cao cấp, trong đó có khu truyền thống lịch sử như xưởng đóng tàu Ba Son, nhà lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng... Còn đối với cảng Sài Gòn gần bến Nhà Rồng, sau khi di dời sẽ được chuyển thành cảng hành khách du lịch.
Việc di dời các cảng ra khỏi khu vực nội thành TPHCM nhằm giảm tình trạng kẹt xe ở khu trung tâm do lượng xe tải đi qua đây khá lớn.
Lê Anh
- Giới thiệu tài liệu hướng dẫn "Cải tạo, xây dựng mới trong Phố cổ Hà Nội"
- Kiến nghị loại bỏ 260 thủy điện nhỏ
- Gỡ rối trong cấp phép xây dựng
- Xử lý triệt để ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy
- Chia sẻ cách tuyên truyền về biến đổi khí hậu với Cuba
- Sớm hoàn thành báo cáo khả thi dự án điện hạt nhân
- Gần 780 tỷ đồng xây Công viên phần mềm Đà Lạt
- TPHCM: Đề nghị xóa quy hoạch các dự án chậm triển khai
- Thẩm định Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp
- Khánh thành chung cư thu nhập thấp lớn nhất Hà Nội