Nhằm giúp người dân phố cổ có thêm sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng trong việc cải tạo, xây dựng nhà trong phố cổ, Ban quản lý (BQL) Phố cổ Hà Nội đã tổ chức giới thiệu tài liệu hướng dẫn “Cải tạo, xây dựng mới trong Phố cổ Hà Nội”.
Tại buổi giới thiệu, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết, giá trị của phố cổ là ở tính liên tục, sự đồng bộ về kinh tế, văn hóa, xã hội và không gian đô thị.
Khu phố cổ là di sản kiến trúc, với nhiều công trình cổ đặc trưng như những ngôi nhà cổ, những ngôi đình, đền, chùa và cửa ô. Kiến trúc khu phố chủ yếu mang 3 phong cách: Kiến trúc xây dựng truyền thống kiểu Việt Nam, kiến trúc theo kiểu tân cổ điển thời Pháp thuộc và kiến trúc phong cách nghệ thuật trang trí hiện đại art-deco.
KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, việc cải tạo nhà với mục đích cải thiện điều kiện sống đồng thời hoạt động kinh doanh tốt hơn ngày càng được người dân chú trọng. Với mong muốn là đưa thêm tiện nghi hiện đại vào ngôi nhà của họ khi cải tạo.
Đặc thù trong các ngôi nhà trong phố cổ là đa chức năng: buôn bán kinh doanh ở phía ngoài, bên trong vừa là nơi sản xuất hoặc kho chứa hàng, khu sinh hoạt gia đình. Để việc cải tạo phục vụ được các mục đích sử dụng mà không làm mất đi nét cổ, BQL phố cổ đưa ra những hướng dẫn chung cho người dân.
Theo đó, người dân khi cải tạo hay xây mới, lập thiết kế mặt theo kiểu nhà truyền thống, kiểu nghệ thuật; vật liệu xây dựng là vôi, cát, ximăng phù hợp với khí hậu nóng ẩm; màu sơn có gam nhẹ như vàng, trắng; không dùng màu sẫm, nóng; sử dụng ngói vảy cá, ngói Tây.
Nhà cổ trát bằng vữa vôi và quét vôi giúp cho thoát được hết hơi nước trong tường và từ nền đất nên không gây ẩm mốc. Sử dụng màu vàng hoàng thổ để thể hiện triết lý suy tư nhẹ nhàng, với mong muốn sống hài hòa với thiên nhiên, cây cỏ, tạo màu sắc hài hoà cho phố cổ.
Về biển hiệu, quảng cáo, BQL khuyến cáo, các loại biển quảng cáo cần làm đơn giản, không che khuất mặt đứng của ban công, cửa sổ, mái đua, không vượt quá 80cm. Biển quảng cáo ở tầng một không được che khuất tầng 2, biển trên gác chỉ gắn lên tường chứ không để lên ban công.
Theo BQL Phố cổ Hà Nội, một nhóm các KTS có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo tồn nhà sẽ tư vấn cho người dân trong việc cải tạo, xây dựng nhà trong phố cổ nhằm đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống hiện đại nhưng vẫn bảo vệ, giữ gìn di sản.
Hà Hằng
- Chính phủ "xắn tay" cứu bất động sản
- Tuyên Quang: Hoàn thành tu bổ 3 di tích Quốc gia
- Việt Nam vay ADB 212 triệu USD thực hiện dự án cung cấp nước
- Đà Nẵng công bố quy hoạch cho toàn dân biết
- Sẽ hình thành các ban quản lý khu vực phát triển đô thị
- Kiến nghị loại bỏ 260 thủy điện nhỏ
- Gỡ rối trong cấp phép xây dựng
- Xử lý triệt để ô nhiễm lưu vực sông Nhuệ-sông Đáy
- Chia sẻ cách tuyên truyền về biến đổi khí hậu với Cuba
- Di dời cảng ở TPHCM vẫn ì ạch