Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tin tức Việt Nam Sẽ hình thành các ban quản lý khu vực phát triển đô thị

Sẽ hình thành các ban quản lý khu vực phát triển đô thị

Viết email In

Đây là một trong những nội dung được đề cập trong dự thảo Nghị định về Quản lý Đầu tư phát triển đô thị, thay thế Nghị định số 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tập trung hoàn thiện dự thảo gồm 6 chương, 57 điều và lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, DN, các chuyên gia trong và ngoài nước trước khi trình Chính phủ ban hành (dự kiến, vào đầu năm 2013).  

Ban quản lý khu vực phát triển đô thị do UBND tỉnh quyết định thành lập

Theo dự thảo nghị định, Ban quản lý (BQL) khu vực phát triển đô thị do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập, là đơn vị sự nghiệp, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức và hoạt động của UBND cấp tỉnh, chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Sở Xây dựng và các sở quản lý chuyên ngành tại địa phương. BQL khu vực phát triển đô thị có chức năng giúp UBND cấp tỉnh thực hiện một số nhiệm vụ quản lý đầu tư phát triển đô thị trong khu vực phát triển đô thị, bao gồm: Quản lý, giám sát quá trình đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; đảm bảo sự kết nối đồng bộ và quản lý hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung, kết nối hạ tầng kỹ thuật giữa các dự án trong giai đoạn đầu tư xây dựng; trực tiếp quản lý các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước được UBND cấp tỉnh giao… 

Các khu vực phát triển đô thị phải có BQL khu vực phát triển đô thị gồm khu vực phát triển đô thị tại các đô thị có đồ án quy hoạch chung thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; các khu vực phát triển đô thị mới, khu vực bảo tồn đô thị, khu vực tái thiết đô thị, khu vực có chức năng chuyên biệt. 

Đối với các khu vực phát triển đô thị còn lại, chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ nhu cầu phát triển đô thị tại địa phương để quyết định việc thành lập hoặc không thành lập BQL. Tuỳ thuộc vào nhu cầu phát triển đô thị, quy mô, tầm quan trọng của khu vực phát triển đô thị và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, một tỉnh có thể thành lập một hoặc nhiều BQL khu vực phát triển đô thị. Một BQL khu vực phát triển đô thị cũng có thể được giao quản lý một hoặc nhiều khu vực phát triển đô thị. 

Đối với khu vực phát triển đô thị thuộc hai tỉnh trở lên, Bộ Xây dựng phối hợp với UBND các tỉnh có liên quan thành lập Ban Điều phối khu vực phát triển đô thị để chỉ đạo, hỗ trợ các BQL khu vực phát triển đô thị của địa phương thực hiện đồng bộ quá trình đầu tư phát triển đô thị.

Chi phí hoạt động của BQLDA phát triển đô thị được đảm bảo một phần từ ngân sách, một phần từ chi phí quản lý các dự án được giao và một phần từ nguồn thu dịch vụ theo quy định của pháp luật.

UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư dự án KĐT quy mô từ 20ha đến dưới 100ha 

Vốn đầu tư cho khu vực phát triển đô thị bao gồm vốn ngân sách nhà nước, ODA và vốn của các thành phần kinh tế khác. UBND cấp tỉnh được sử dụng các quỹ đầu tư hiện có (bao gồm quỹ đầu tư phát triển địa phương, quỹ phát triển đất, quỹ phát triển hạ tầng, quỹ phát triển nhà ở…) để tạo nguồn kinh phí đầu tư cho các khu vực phát triển đô thị. 

Cũng theo dự thảo Nghị định, đối với DN, một trong những điều kiện quan trọng để trở thành chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng KĐT là có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20ha, không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha trở lên đối với các dự án đầu tư xây dựng KĐT; có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư của dự án đối với các dự án còn lại.

Việc lựa chọn chủ đầu tư được thực hiện thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án hoặc áp dụng hình thức chỉ định trực tiếp theo các quy định của pháp luật về đất đai, nhà ở và pháp luật có liên quan. UBND cấp tỉnh ra quyết định lựa chọn chủ đầu tư căn cứ trên kết quả đấu thầu, đấu giá hoặc quyết định giao chủ đầu tư trong trường hợp chỉ định trực tiếp. Riêng đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách, người có thẩm quyền quyết định đầu tư là người có thẩm quyền quyết định lựa chọn chủ đầu tư.

Dự thảo Nghị định cũng quy định thẩm quyền chấp thuận đầu tư đối với dự án đầu tư xây dựng KĐTM, các dự án tái thiết đô thị, dự án bảo tồn tôn tạo đô thị, dự án cải tạo chỉnh trang đô thị, dự án đầu tư xây dựng KĐT hỗn hợp. Trong đó, đối với các dự án đầu tư xây dựng KĐTM, Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận đầu tư sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 100ha trở lên; dự án thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh trở lên hoặc khu vực có ý nghĩa quan trọng đối với quốc gia. UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư đối với các dự án có quy mô sử dụng đất từ 20ha đến dưới 100ha sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành có liên quan. UBND cấp tỉnh quyết định chấp thuận đầu tư các dự án còn lại. 

Quý Anh - ảnh: Duy Tường 

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo