Trong hai ngày 18 và 19/12/2012 tại TPHCM và Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số thành viên của Chính phủ đã lắng nghe và trực tiếp tháo gỡ các vướng mắc của thị trường bất động sản với lãnh đạo và doanh nghiệp bất động sản (BĐS) của hai thành phố lớn.
Sự quyết liệt của Chính phủ đã tạo ra một sự kỳ vọng lớn trong giới DN và được các chuyên gia đánh giá cao.
Dừng các dự án chưa và đang GPMB
Tại hội nghị, đề cập đến các nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Trước hết là phải thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới, tiến hành phân loại các dự án phát triển nhà ở, BĐS và xử lý theo hướng dừng các dự án chưa GPMB hoặc đang GPMB nhưng không phù hợp kế hoạch phát triển của địa phương”.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng, đối với các công trình nhà ở đang thi công dở dang hoặc đã hoàn thành nhưng tồn kho không bán được do diện tích căn hộ quá lớn, tùy theo từng khu vực, cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Với các dự án phát triển nhà ở thương mại đã GPMB nhưng chưa triển khai công trình nhà ở, cho phép cơ cấu lại dự án, chuyển sang làm nhà ở xã hội phục vụ người có thu nhập thấp, công nhân lao động.
Khẳng định Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ hỗ trợ hết mức cho người dân có nhu cầu thực sự về nhà ở, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đề xuất việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS phải cần một giải pháp dài hơi. Trong đó, hết sức lưu ý đến việc tiếp tục tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phát triển đô thị và nhà ở, bảo đảm thị trường BĐS phát triển ổn định, theo quy hoạch, kế hoạch...
Thủ tướng đề nghị NHNN, bên cạnh xử lý nợ xấu, bao gồm cả 70% nợ xấu trong BĐS, cần trích lập quỹ dự phòng rủi ro, tích cực xử lý tài sản thế chấp, đề xuất chính sách cho vay linh hoạt đối với các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, cần minh bạch thông tin về các diễn biến của thị trường BĐS, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, cùng với nội dung làm việc với TPHCM, Chính phủ sẽ thảo luận nội dung này trong phiên họp thường kỳ tháng 12/2012 và sẽ ban hành một nghị quyết chuyên đề của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS.
Nhà bình dân hưởng lợi
Trao đổi qua điện thoại với phóng viên vào chiều 19/12, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (Horea)- cho biết: “Từ sáng đến giờ tôi nhận được rất nhiều cuộc gọi từ các hội viên của Horea bày tỏ một sự hy vọng lớn về cơ hội làm ấm lại thị trường BĐS. Thực ra, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS cũng là tháo gỡ khó khăn chung của nhiều ngành kinh tế khác. Thực tế, khi thị trường BĐS khó khăn, nhiều ngành liên quan khác như vật liệu xây dựng, sắt thép xây dựng cũng bị lao đao theo”.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu: “Những giải pháp được Chính phủ đồng ý là hướng đến người có thu nhập thấp, có nhu cầu nhà ở thực sự, những DN đầu tư vào phân khúc căn hộ bình dân, có giá bán phù hợp với khả năng thanh toán của người có thu nhập thấp”.
UBND TP đã thuận chủ trương mua 500 căn hộ thương mại để làm quỹ nhà ở xã hội, đồng thời TP cũng sẽ mua lại trên 15.000 căn hộ, nền đất để làm quỹ nhà tái định cư với tổng số tiền lên đến gần 10.000 tỉ đồng.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng: “Trước mắt phân khúc thị trường BĐS giá bình dân, mỗi căn hộ có giá từ 1 tỉ đồng trở xuống sẽ được hưởng lợi. Qua 2 buổi làm việc của Chính phủ và Bộ Tài chính tại TPHCM về thị trường BĐS, tôi thấy nổi lên quan điểm rất rõ ràng đó làm ấm lại từng phần của thị trường BĐS. Thị trường BĐS có tính liên thông, khi phân khúc nhà bình dân được vực dậy sẽ dần có tác động đến các phân khúc khác”.
Xuân Thu - Ngọc Huân
- TPHCM không ủng hộ ý tưởng xây đê biển 66.000 tỉ đồng
- Chính quyền đô thị cần được chủ động về tài chính, thẩm quyền
- Lấy ý kiến về đồ án quy hoạch mở rộng Đà Lạt
- Chương trình 135: Giảm nghèo vẫn khó bền vững
- Họp quy hoạch giao thông đô thị đường bộ Vùng Thủ đô
- Tuyên Quang: Hoàn thành tu bổ 3 di tích Quốc gia
- Việt Nam vay ADB 212 triệu USD thực hiện dự án cung cấp nước
- Đà Nẵng công bố quy hoạch cho toàn dân biết
- Sẽ hình thành các ban quản lý khu vực phát triển đô thị
- Giới thiệu tài liệu hướng dẫn "Cải tạo, xây dựng mới trong Phố cổ Hà Nội"