Ngày 18/12, bà Hoàng Như Loan, Giám đốc Ban quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào cho biết sau hơn 10 tháng khẩn trương thi công, dự án tu bổ, chống xuống cấp di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đình Tân Trào, Đình Hồng Thái, Đình Thanh La, với tổng vốn đầu tư hơn 4,77 tỷ đồng đã hoàn thành.
Dự án do Ban quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào làm chủ đầu tư; đơn vị thi công là Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư và xây dựng A.V.I.E.W (Hà Nội).
Đình Tân Trào, thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang
Cũng theo bà Loan, để đảm bảo an toàn và phát huy giá trị di tích, Đình Tân Trào được thay mới bốn cột quân bị hư hỏng, toàn bộ rui, mè bằng tre đúng thiết kế cũ; thay mới toàn bộ lá cọ mới, phủ một lớp mỏng lá cọ cũ lên trên mái lợp lá mới; sửa chữa một trụ đỡ thượng cung, các hoành bằng gỗ theo đúng chủng loại, thiết kế cũ; xử lý chống mối cho toàn bộ công trình…
Đình Hồng Thái được thay mới hai cột cái và hai cột quân bị hư hỏng, không còn khả năng phục hồi; thay thế 40% hoành bằng gỗ, toàn bộ rui, mè bằng tre, lợp lại toàn bộ mái bằng lá cọ… Đình Thanh La được thay thế ván sàn bị hư hỏng bằng gỗ đúng chủng loại thiết kế cũ; xây dựng lại đoạn tường rào bị sạt lở bằng đá hộc, sửa lại đoạn tường rào bị hỏng và xây dựng mới bệ cột cờ trong khuôn viên đình…
Đình Tân Trào thuộc thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, được xây dựng năm 1853, với lối kiến trúc theo kiểu nhà sàn miền núi. Tại đây, ngày 16 và 17/8/1945, Quốc dân đại hội đã họp thông qua lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng trong cả nước, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa), quy định Quốc kỳ, Quốc ca của nước Việt Nam.
Đình Hồng Thái thuộc thôn Cả, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, xây dựng năm 1919. Trong cách mạng tháng Tám năm 1945, Đình Hồng Thái là nơi dừng chân đầu tiên của Bác Hồ tại Tân Trào khi Người từ Pắc Pó, tỉnh Cao Bằng về Tân Trào ngày 21/5/1945.
Ngoài ra, Đình được chọn là điểm đón tiếp các vị đại biểu về dự Quốc dân đại hội; là trạm thường trực “An toàn khu Trung ương” đóng ở Tân Trào. Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đình là trạm giao liên, là nơi huấn luyện quân sự của an toàn khu.
Đình Thanh La thuộc thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, được xây dựng cuối thể kỷ XIX và đã trải qua nhiều lần tu sửa. Đình Thanh La là nơi thành lập Ủy ban lâm thời Châu Tự Do vào ngày 16/3/1945 (Ủy ban cách mạng cấp châu đầu tiên trong cả nước).
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đình Thanh La là nơi tổ chức hội nghị của các cơ quan Trung ương, nơi hội họp, học tập của nhân dân địa phương… Cả ba ngôi Đình trên đều có giá trị lịch, văn hóa, tín ngưỡng đặc biệt quan trọng./.
Vũ Quang Đán
- Chính quyền đô thị cần được chủ động về tài chính, thẩm quyền
- Lấy ý kiến về đồ án quy hoạch mở rộng Đà Lạt
- Chương trình 135: Giảm nghèo vẫn khó bền vững
- Họp quy hoạch giao thông đô thị đường bộ Vùng Thủ đô
- Chính phủ "xắn tay" cứu bất động sản
- Việt Nam vay ADB 212 triệu USD thực hiện dự án cung cấp nước
- Đà Nẵng công bố quy hoạch cho toàn dân biết
- Sẽ hình thành các ban quản lý khu vực phát triển đô thị
- Giới thiệu tài liệu hướng dẫn "Cải tạo, xây dựng mới trong Phố cổ Hà Nội"
- Kiến nghị loại bỏ 260 thủy điện nhỏ