Ashui.com

Friday
Mar 29th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Cảng biển TPHCM, di dời trong khó khăn

Cảng biển TPHCM, di dời trong khó khăn

Viết email In

Những khó khăn chung của nền kinh tế, của TPHCM cộng với những khó khăn riêng trong chính bản thân mỗi cảng đang làm cho việc thực hiện quy hoạch di dời hệ thống cảng biển nằm sâu trong nội thành TPHCM ra ngoài gặp nhiều thách thức hơn bao giờ hết.  

Khó khăn chồng chất 

Báo cáo của Cảng Sài Gòn, đơn vị có khối lượng di dời lớn nhất TPHCM cho thấy, dự án xây dựng Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước giai đoạn 1, phục vụ cho việc di dời cảng Sài Gòn ra khu vực Hiệp Phước huyện Nhà Bè TPHCM, do Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước làm chủ đầu tư, dù đã hoàn thành 28% khối lượng dự án nhưng đã buộc phải ngưng thi công toàn bộ các hạng mục công trình vì không thu xếp được vốn đầu tư. Các hạng mục đã hoàn thành và các thiết bị đã lắp đặt gồm cầu tàu số 3 dài 200m, 2 bến phao có khả năng tiếp nhận tàu 30.000 DWT, 3 cẩu vạn năng, 6 gàu ngoạm, 3 phễu cùng các hạng mục đang thi công dở dang bao gồm gàu tàu số 2 dài 400m (đã thi công được 60% khối lượng), xử lý nền (đã thi công được 70% khối lượng), kho hàng rời đã thi công được 34% khối lượng đều đang nằm đợi vốn hoạt động và thi công tiếp. 

  • Ảnh bên: Bốc dỡ hàng tại khu vực Cảng Sài Gòn (Ảnh: Cao Thăng) 

Cảng Sài Gòn đã tìm mọi cách để đưa các hạng mục đã thi công xong, đặc biệt là 200m cầu cảng số 3 vào khai thác nhưng còn một cản ngại khác. Đoạn đường dài chỉ hơn 200m kết nối đến cảng chưa được thi công nên việc vận chuyển hàng hóa đi và đến cảng thông qua đường bộ không thực hiện được. Hiện Cảng Sài Gòn buộc phải khai thác phần cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã thi công xong bằng... đường thủy. Cảng Sài Gòn đang phối hợp với Nhà máy phân đạm Cà Mau và Vinafood 2 chuyên chở hàng hóa bằng sà lan tới cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. Năm 2013, cảng Sài Gòn - Hiệp Phước đã có tên trong danh sách các cảng ở TPHCM có khối lượng hàng hóa ra, vào tăng hơn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, thành tích đó chưa phải là lớn so với năng lực của cảng Sài Gòn - Hiệp Phước. 

Cảng Sài Gòn đang xúc tiến thành lập công ty cổ phần thực hiện đầu tư dự án chuyển đổi công năng khu Nhà Rồng - Khánh Hội như là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn cho cảng Sài Gòn. Trong đó tỷ lệ vốn góp của Cảng Sài Gòn chiếm 26% vốn điều lệ với nguồn vốn góp được hình thành từ giá trị thương quyền, vốn tự bổ sung, vốn vay, giá trị tài sản cố định (từ việc chuyển đổi công năng khu Nhà Rồng - Khánh Hội). Thế nhưng, tất cả mới ở giai đoạn xúc tiến tìm nhà đầu tư. Cảng Sài Gòn vẫn phải đối mặt với khó khăn về nguồn vốn đầu tư và phát triển cảng mới. Vừa qua, Cảng Sài Gòn phải đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục cho Cảng Sài Gòn ứng vốn hoặc chỉ định ngân hàng cho Cảng Sài Gòn vay tiền. 

Cảng Tân Thuận Đông, một trong những cảng biển khác cùng với Cảng Sài Gòn phải ra khỏi nội thành TPHCM cũng đang gặp không ít khó khăn trong di dời. Theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, do chưa thống nhất được tiền thuê đất (tại nơi di dời đến) nên cảng Tân Thuận Đông chưa thể chuyển đi. 

Thách thức trong phát triển 

Theo quy hoạch di dời cảng biển trên sông Sài Gòn và Nhà máy Ba Son ra khỏi nội thành TPHCM, các cảng biển sẽ di dời ra 2 khu vực ở TPHCM, đó là Cát Lái (quận 2) và Hiệp Phước (huyện Nhà Bè). Trong số những cảng biển đã di dời thành công và đang phát triển tốt ở nơi xây dựng mới là Tân Cảng Cát Lái. Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, trung bình mỗi ngày có đến 12.000 container lưu thông trên Liên tỉnh lộ 25 đi vào Tân Cảng Cát Lái. Nhìn ở một góc độ khác, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam cho hay, Tân Cảng Cát Lái là cảng có khối lượng container được bốc xếp lớn nhất Việt Nam. Sản lượng container ở Tân Cảng Cát Lái chiếm đến khoảng 50% lượng container ra vào trên toàn bộ hệ thống cảng biển Việt Nam. 

Thế nhưng, theo Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của các cảng ở khu vực Cát Lái nói chung đã làm cho các cảng ở Cát Lái đối mặt với một khó khăn mới mà chính họ vừa phải di dời khỏi nội thành để giải khó khăn này cho thành phố. Đó là sự quá tải về hệ thống hạ tầng giao thông nói riêng và hạ tầng kỹ thuật nói chung. Mấy năm qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực để giải quyết vấn nạn ùn tắc giao thông cho khu vực này, song trong nhiều thời điểm, tình trạng ùn ứ giao thông vẫn xảy ra, ảnh hưởng tiêu cực đến việc đi lại của người dân thành phố và với cả công việc kinh doanh của các cảng. 

Ở khu vực Hiệp Phước, cùng với Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, còn có một cảng mới hoàn toàn: cảng container quốc tế Sài Gòn (SPCT). Ngoài hệ thống giao thông kết nối đến chưa hoàn chỉnh, luồng tàu biển Soài Rạp phục vụ cho hệ thống cảng ở đây vẫn chưa được nạo vét sâu, nên hoạt động của các cảng vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Nguyễn Khoa 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 2349 khách Trực tuyến

Quảng cáo