Công ty TNHH một thành viên Cảng Sài Gòn mới đây đã tổ chức họp đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất để chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Các cổ đông đã biểu quyết thông qua kế hoạch cổ phần hóa và kế hoạch sản xuất kinh doanh.
Trong tờ trình về kế hoạch sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa, Cảng Sài Gòn chỉ đặt mục tiêu trong ba tháng cuối năm 2015, sản lượng hàng hóa thông qua các cảng đạt 2,3 triệu tấn, cả năm 2015 đạt 9,9 triệu tấn. Tổng doanh thu trong ba tháng còn lại của năm 2015 đạt 291,8 tỉ đồng, cả năm đạt 992,5 tỉ đồng. Lợi nhuận sau thuế của ba tháng còn lại đạt 16,7 tỉ đồng, cả năm chỉ 64,2 tỉ đồng.
(Ảnh: Quang Đức)
Trong năm 2015, công ty chưa trả cổ tức. Lý do, theo ban lãnh đạo cảng, do quá trình đầu tư kinh doanh cảng là quá trình đầu tư dài hạn nên giai đoạn đầu chưa trả cổ tức cho cổ đông, ban lãnh đạo sẽ cố gắng chia cổ tức trong thời gian sớm nhất. Một nhà đầu tư cá nhân tham dự cuộc họp đại hội đồng cổ đông này nói với TBKTSG rằng lợi nhuận sau thuế của cả năm 2015 chỉ có 64,2 tỉ đồng so với vốn điều lệ sau cổ phần hóa là 2.162 tỉ đồng là quá thấp. Điều này cho thấy cần phải xem lại quá trình kinh doanh của công ty.
Song có lẽ, điều mà đa số cổ đông quan tâm ở lần họp đầu tiên này không phải là kế hoạch kinh doanh mà là phương án đối với “khu đất vàng” cảng Nhà Rồng - Khánh Hội sau khi cảng này được di dời (sẽ được bán hoặc chuyển mục đích sử dụng như thế nào và có mang về cho công ty lợi nhuận hay không). Khu đất này một mặt giáp bờ sông Sài Gòn, một mặt giáp với trục đường Nguyễn Tất Thành (quận 4), cạnh khu trung tâm TPHCM (quận 1), cả giao thông đường bộ và đường thủy đều rất thuận lợi.
Theo tờ trình về kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hóa, Cảng Sài Gòn sẽ hợp tác với tập đoàn Vingroup để thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông. Trong đó, Cảng Sài Gòn nắm 26% vốn điều lệ. Khu đất của cảng Sài Gòn hiện tại sẽ được xây dựng thành khu đô thị gồm 3.000 căn hộ, cùng với văn phòng, trung tâm thương mại, biệt thự ven sông, ga hành khách tàu biển, trường học. Tổng diện tích của khu đô thị này là 32,1 héc ta (với chiều dài bờ sông 1.800 mét), dân số dự kiến 11.650 người, tổng mức đầu tư dự kiến trên 11.000 tỉ đồng. Công ty Ngọc Viễn Đông sẽ bán sản phẩm từ năm 2018 và mang lại cổ tức cho cổ đông trên 10%/năm.
Một cổ đông cho biết, khi quyết định đầu tư vào Cảng Sài Gòn, họ mong chờ việc chia cổ tức từ dự án nhà ở thương mại hơn là việc khai thác cảng biển của công ty này.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của ba năm nữa, còn những năm trước mắt, để hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, Cảng Sài Gòn vẫn tiếp tục duy trì sản lượng khai thác đối với các cảng đang hoạt động như cảng Nhà Rồng - Khánh Hội; cảng Tân Thuận, chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, riêng cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, từ giữa năm 2016 sẽ giảm dần quy mô khai thác để chuẩn bị cho việc di dời.
Đối với cảng Tân Thuận 2, sẽ chuyển đổi cơ cấu mặt hàng và chuyển đổi công năng sử dụng để gia tăng công suất khai thác. Còn cảng có vốn góp của Cảng Sài Gòn tại Cái Mép - Thị Vải sẽ tiến hành tái cơ cấu đầu tư để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm áp lực về tài chính, đồng thời Cảng Sài Gòn có thêm nguồn vốn để đầu tư.
Đối với cảng Sài Gòn - Hiệp Phước, sẽ đẩy nhanh các thủ tục để chuyển đổi công năng, ứng vốn hoàn tất các hạng mục đầu tư dang dở để sớm đưa vào khai thác trong năm 2016. Bên cạnh đó, công ty sẽ đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics để khai thác đồng bộ giữa các cảng ở TPHCM và khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bước sang phần bầu hội đồng quản trị, hai nhà đầu tư chiến lược và một nhà đầu tư cá nhân nắm 13% vốn điều lệ đã đề cử hai người, một của Ngân hàng Công Thương Việt Nam (VietinBank) và một của Ngân hàng tmcp Đông Nam Á (SeABank) vào hội đồng quản trị. Tuy nhiên, sau cuộc họp ngắn ngủi của hội đồng quản trị, những người nắm các chức vụ cao nhất là chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc đều là hai phó tổng giám đốc hiện tại của Cảng Sài Gòn.
Một điểm đáng chú ý nữa là trước đại hội đồng cổ đông của Cảng Sài Gòn một tuần, Chính phủ đã đồng ý cho thoái vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại Cảng Sài Gòn xuống còn 20% vốn điều lệ của công ty này. Tuy nhiên, tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông lần này, vấn đề thoái vốn của Nhà nước từ 65,45% hiện nay xuống còn 20% chưa được đề cập đến vì vẫn đang trong quá trình bàn thảo về thời điểm thoái vốn.
(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
- Những “đại gia” đằng sau dự án 6.000 tỷ Mon City
- Nhật Bản muốn hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu hai siêu dự án giao thông
- Vì sao vốn vay cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng mạnh?
- TPHCM duyệt đề án xây bãi xe ngầm của Vingroup tại Công viên văn hóa Tao Đàn
- TPHCM: Lấn biển Cần Giờ thêm 480 héc ta
- Chủ dự án cải tạo chung cư cũ được miễn tiền sử dụng đất
- Lấy gần 8 ha đất quân sự mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất
- Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng về sai pham dự án 8B Lê Trực
- Vingroup chính thức ra mắt Vinpearl Phú Quốc & Villas
- Thành phố biển Vũng Tàu sẽ bán đấu giá nhiều khu đất "vàng"