Liên quan đến việc Chính phủ Nhật Bản muốn hỗ trợ nghiên cứu và tham gia thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành và xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải căn cứ tiến độ lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hỗ trợ của phía Nhật Bản, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Phối cảnh Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, vào đầu tháng 9 vừa qua, phía Nhật Bản đã đặt vấn đề với Bộ Giao thông Vận tải về khả năng tài trợ thực hiện nghiên cứu khả thi cho riêng hạng mục nhà ga hành khách của Cảng hàng không quốc tế Long Thành với kinh phí 4,3 triệu USD.
“Dự án này là dự án có quy mô đặc biệt lớn, sẽ phải chia thành nhiều dự án thành phần để thực hiện, kinh phí để lập báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể cho cả dự án ước tính lên tới 35 triệu USD. Việc sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản để lập báo cáo nghiên cứu khả thi hạng mục nhà ga hành khách trong nghiên cứu tổng thể dự án sẽ giảm bớt gánh nặng về vốn cho đơn vị chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV),” Bộ trưởng Đinh La Thăng nhìn nhận.
Cùng với việc chuẩn bị đấu thầu tuyển chọn tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Bộ tiếp tục làm việc với phía Nhật Bản về khoản viện trợ không hoàn lại trị giá khoảng 4,3 triệu USD thực hiện nghiên cứu khả thi hạng mục nhà ga hành khách dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Kết quả nghiên cứu này sẽ được hợp nhất trong báo cáo nghiên cứu khả thi tổng thể dự án để trình Thủ tướng Chính phủ.
Đối với đề xuất của Nhật Bản về việc hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản và tham gia của các doanh nghiệp Nhật vào dự án, trong quá trình nghiên cứu lập báo cáo nghiên cứu khả thi, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chỉ đạo chủ đầu tư-ACV và tư vấn nghiên cứu các phương án huy động nguồn vốn phù hợp, khả thi để đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, trong đó đặc biệt sẽ cân nhắc sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Sau khi hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sẽ xác định được các dự án thành phần với hình thức đầu tư tương ứng (đầu tư trực tiếp từ ngân sách Nhà nước, doanh nghiệp tự đầu tư, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).
“Đối với các dự án thành phần thực hiện theo hình thức PPP tùy theo quy mô sẽ được tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư trong đó không hạn chế sự tham gia của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản,” Bộ trưởng Đinh La Thăng cho hay.
Liên quan đến đề xuất phía Nhật Bản về hợp tác nghiên cứu xây dựng một đoạn đường sắt tốc độ cao cấp thiết trong tuyến đường sắt Bắc-Nam, trên cơ sở các nghiên cứu trước đây về dự án (đặc biệt là nghiên cứu của JICA), Bộ Giao thông Vận tải đang giao Ban Quản lý dự án đường sắt rà soát, làm rõ những nội dung cần cập nhật hoặc nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi dự án và đề xuất đoạn tuyến ưu tiên đầu tư.
Về lộ trình thực hiện, Bộ Giao thông Vận tải phấn đấu trước năm 2020 (dự kiến năm 2018) trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư dự án.
Sau khi có kết quả nghiên cứu, rà soát về dự án, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
(Vietnam+)
- Dự án metro đội giá, vì sao?
- Khởi công dự án Sài Gòn Silicon City 40 triệu USD
- Giải pháp PPP mới cho cơ sở hạ tầng ở Việt Nam
- TPHCM: 8.470 tỉ đồng làm đường 6 làn xe đến Hiệp Phước
- Những “đại gia” đằng sau dự án 6.000 tỷ Mon City
- Vì sao vốn vay cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng mạnh?
- TPHCM duyệt đề án xây bãi xe ngầm của Vingroup tại Công viên văn hóa Tao Đàn
- TPHCM: Lấn biển Cần Giờ thêm 480 héc ta
- Sau cổ phần hóa, Cảng Sài Gòn sẽ rót vốn vào “khu đất vàng”
- Chủ dự án cải tạo chung cư cũ được miễn tiền sử dụng đất