Hợp tác giữa nhà nước và tư nhân trong việc xây dựng và vận hành cơ sở hạ tầng ở Việt Nam mới chỉ diễn ra trong lĩnh vực giao thông nhưng sắp tới có thể được triển khai ở các dịch vụ công khác như giáo dục, y tế... theo thông tin từ một hội thảo tại TPHCM.
Một bệnh viện công có cơ sở hạ tầng được xây dựng hoàn toàn bằng tiền của tư nhân, nhưng tư nhân không sở hữu khu đất mà bệnh viện được xây dựng trên đó. Tư nhân thực hiện việc bảo trì cơ sở vật chất trong 25 năm kế tiếp rồi chuyển giao lại cho nhà nước. Nhà nước tập trung lo chuyện chữa trị cho bệnh nhân và trả phí cơ sở vật chất hàng năm cho tư nhân.
Bệnh viện như vậy chưa xuất hiện ở Việt Nam, nhưng đã có rất nhiều ở Anh quốc. Và đây là một hình thức đối tác công tư (Public-Private Parnerships - PPP) được Cơ quan phát triển hạ tầng Anh (Infrastructure UK) giới thiệu tại Hội thảo “Kết nối khu vực tư nhân với phát triển cơ sở hạ tầng” diễn ra ngày 2 và 3/11 tại TP.HCM.
Ông Javier Encinas, phó giám đốc ban dự án của Cơ quan phát triển hạ tầng Anh, giới thiệu về PFI/PF2
(Ảnh: Chính Phong)
Hội thảo là một trong những hoạt động của Văn phòng thương mại và đầu tư Anh (UK Trade & Investment) thuộc Tổng Lãnh sự quán Anh tại TP.HCM nhằm hỗ trợ TP.HCM thực hiện các chương trình phát triển hạ tầng. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các sở, quận huyện của TP.HCM và đại diện các sở kế hoạch đầu tư từ Hà Nội và Quảng Ninh.
Hợp tác công tư (PPP) được đề cập tại Việt Nam từ khá lâu, đặc biệt là trong việc xây dựng hạ tầng giao thông với nhiều hình thức như: xây dựng, vận hành & sở hữu (BOO), thiết kế, xây dựng, cấp vốn, vận hành & chuyển giao (DBFOT), thiết kế, xây dựng, cấp vốn & chuyển giao (DBFT), xây dựng, vận hành & chuyển giao (BOT), xây dựng & chuyển giao (BT), xây dựng, chuyển giao & thuê dịch vụ (BTL), xây dựng, thuê dịch vụ & chuyển giao (BLT), xây dựng, chuyển giao & vận hành (BTO)…
Hình thức PPP ở thí dụ bệnh viện kể trên mà Cơ quan phát triển hạ tầng Anh mang tới giới thiệu là hình thức Sáng kiến tài chính tư (Private finance initiative - PFI) được họ sáng tạo năm 2003 và đổi mới vào năm 2012 thành phiên bản PF2. Đây là hình thức rất thành công trong lĩnh vực công như y tế, giáo dục ở Anh, trong khi ở Việt Nam, hạ tầng cho y tế và giáo dục đang là một vấn đề nan giải.
Các nguyên tắc cơ bản trong hợp đồng dịch vụ PFI/PF2 là: Cơ quan nhà nước chuyển giao trách nhiệm và rủi ro tài sản, dịch vụ sang nhà thầu; Nhà thầu nhận lãnh nghĩa vụ trong 25-30 năm; Nhà thầu thiết kế, xây dựng, quản lý, bảo dưỡng tài sản và cung cấp dịch vụ; Các đơn vị cho vay bên ngoài cung cấp tài chính cho nhà thầu; Cơ quan nhà nước trả “khoản phí đơn nhất” cho dịch vụ được chấp nhận/khả dụng.
Việc thanh toán chỉ bắt đầu khi dịch vụ đã sẵn sàng và chạy tốt và đối tác PFI/PF2 chấp nhận các trách nhiệm đầu tư toàn bộ vòng đời của cơ sở vật chất; Đối tác PFI/PF2 không bao giờ sở hữu đất; Việc thực hiện kém của đối tác tài chính tư nhân sẽ bị phạt bằng việc giữ lại một khoản tiền từ các thanh toán hàng tháng; Việc thực hiện quá kém có thể dẫn đến việc kết thúc toàn bộ hợp đồng.
“Với hình thức này, khu vực nhà nước đẩy hoàn toàn rủi ro cho tư nhân về mặt hạ tầng, nhà nước chỉ tập trung vào chuyên môn, không phân tâm và mất thời gian quản trị những việc liên quan đến hạ tầng. Đối tác tư nhân PFI/PF2 lo việc xây dựng và bảo trì, nếu họ xây dựng với chất lượng thấp thì họ sẽ phải mất nhiều tiền vào công tác bảo trì của họ sau đó. Nếu hạ tầng, dịch vụ họ cung cấp thiếu sót, họ bị trừ tiền, nếu hạ tầng xuống cấp quá mức so với thỏa thuận ban đầu trong hợp đồng thì họ sẽ bị cắt hợp đồng,” ông Javier Encinas, phó giám đốc ban dự án của Cơ quan phát triển hạ tầng Anh, nói.
Như vậy, phải chăng nhà nước hưởng lợi quá nhiều?
“Không phải vậy, các dự án hợp tác công tư PFI/PF2 đẩy rủi ro sang lĩnh vực tư nhân nên phần lợi nhuận của lĩnh vực tư nhân thường được đẩy lên cao. Nếu đối tác PFI/PF2 quản trị dự án tốt, họ thu lời cao, nhưng nếu họ quản trị không tốt, họ sẽ bị lỗ. Mục tiêu cao nhất của khu vực tư nhân là tìm kiếm lợi nhuận, họ sẽ không tham gia các dự án PFI/PF2 nếu không nhìn thấy lợi nhuận,” ông James Ballingall, giám đốc phụ trách quốc tế của Cơ quan phát triển hạ tầng Anh, khẳng định. Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng hình thức PFI/PF2 đang chiếm 11% tổng đầu tư công ở Anh.
Tại Việt Nam, chưa có hình thức hợp tác công tư PFI/PF2 nào. TP.HCM đang muốn phía Cơ quan phát triển hạ tầng Anh giúp đỡ triển khai thí điểm hình thức này tại hai cơ sở thuộc lĩnh vực y tế: Khu vực 2 bệnh viện Nguyễn Tri Phương (Quận 5) với 300 giường bệnh nội trú với diện tích đất xây dựng dự kiến 3.000 m2; Dự án bệnh viện đa khoa thực hành Phạm Ngọc Thạch tại huyện Bình Chánh với 500 giường bệnh có tổng mức đầu tư 2.500 tỉ đồng.
Chinh Phong
(TBKTSG)
- Cao ốc 5.000 tỷ 'bỏ hoang' ở trung tâm Sài Gòn
- 8 khu kinh tế được Trung ương tập trung đầu tư
- Khởi công xây dựng nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng
- Dự án metro đội giá, vì sao?
- Khởi công dự án Sài Gòn Silicon City 40 triệu USD
- TPHCM: 8.470 tỉ đồng làm đường 6 làn xe đến Hiệp Phước
- Những “đại gia” đằng sau dự án 6.000 tỷ Mon City
- Nhật Bản muốn hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu hai siêu dự án giao thông
- Vì sao vốn vay cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng mạnh?
- TPHCM duyệt đề án xây bãi xe ngầm của Vingroup tại Công viên văn hóa Tao Đàn