Một tuyến đường dài 7,5 km từ đường Nguyễn Văn Linh đến hết nút giao bờ Nam cầu Bà Chiêm để nối vào khu công nghiệp Hiệp Phước quy mô 6 làn xe với tổng mức đầu tư 8.470 tỉ đồng vừa được hai doanh nghiệp đề xuất lên chính quyền TPHCM.
Cụ thể, liên danh Công ty Hòa Phong và Công ty Mộc An đề xuất với chính quyền TPHCM được xây dựng dự án đường trục Bắc - Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến nút giao thông đầu cầu Bà Chiêm - giai đoạn 3), bao gồm cả nút giao Nguyễn Văn Linh và Nguyễn Hữu Thọ theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao).
Sơ đồ đường trục Bắc - Nam nối liền khu công nghiệp - đô thị cảng Hiệp Phước với khu trung tâm TPHCM và đại lộ Nguyễn Văn Linh (Nguồn: TL TBKTSG Online)
Tuyến đường dài 7,5 km nối từ đường Nguyễn Văn Linh đến hết nút giao bờ Nam cầu Bà Chiêm có quy mô 6 làn xe, chiều rộng 29,5 mét. Trên tuyến đường sẽ xây dựng các cây cầu rạch Đỉa, cầu số 1, cầu số 2, cầu Phước Kiểng, cầu Bà Chiêm.
Tổng mức đầu tư theo tính toán của liên danh này là 8.470 tỉ đồng, bao gồm cả chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng.
Nhà đầu tư sẽ ứng toàn bộ kinh phí và ủy thác cho TPHCM thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng cho dự án đường trục Bắc Nam và Khu đô thị Hiệp Phước. Hai công ty này cam kết sẽ chuyển tiền ký quỹ trong khoảng 5.000-10.000 tỉ đồng nếu được chọn làm nhà đầu tư dự án.
Về phương án hoàn vốn, liên danh Công ty Hòa Phong-Mộc An đề xuất thành phố thanh toán bằng quỹ đất 1.300 héc ta tại Khu đô thị Hiệp Phước. Liên danh này cũng đề xuất thành phố cho phép tham gia đầu tư Khu đô thị Hiệp Phước với tổng mức đầu tư 17.876 tỉ đồng.
Nếu được chính quyền TPHCM chấp thuận và xây dựng sớm, tuyến đường này sẽ mang lại hiệu quả lớn cho khu công nghiệp và đô thị Hiệp Phước, nhất là khi luồng Soài Rạp đã nạo vét xong và đã đón được tàu lớn.
Cùng với cảng Tân Cảng - Hiệp Phước đã đi vào hoạt động và cảng Sài Gòn - Hiệp Phước hoàn thành vào năm 2016, tuyến đường này sẽ giải quyết được nút thắt giao thông dẫn vào khu cảng và khu công nghiệp Hiệp Phước.
Với tuyến đường 6 làn xe, việc vận chuyển hàng hóa đến cảng sẽ không còn bị cản trở vì giao thông và sẽ giúp chuyển bớt một lượng hàng ra Hiệp Phước để giảm tải cho Cát Lái. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu cho biết họ không muốn nhận hàng tại các cảng ở Hiệp Phước vì đường dẫn vào khu công nghiệp này quá nhỏ và thường xuyên xảy ra kẹt xe khiến doanh nghiệp phải tốn thêm nhiều chi phí.
Ngoài ra, giao thông thuận lợi sẽ giúp TPHCM phát triển về khu Nam, trong đó có khu đô thị Hiệp Phước.
Lê Anh
(TBKTSG)
- 8 khu kinh tế được Trung ương tập trung đầu tư
- Khởi công xây dựng nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng
- Dự án metro đội giá, vì sao?
- Khởi công dự án Sài Gòn Silicon City 40 triệu USD
- Giải pháp PPP mới cho cơ sở hạ tầng ở Việt Nam
- Những “đại gia” đằng sau dự án 6.000 tỷ Mon City
- Nhật Bản muốn hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu hai siêu dự án giao thông
- Vì sao vốn vay cho đường sắt Cát Linh - Hà Đông tăng mạnh?
- TPHCM duyệt đề án xây bãi xe ngầm của Vingroup tại Công viên văn hóa Tao Đàn
- TPHCM: Lấn biển Cần Giờ thêm 480 héc ta