Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Dự án Kinh tế / Pháp luật Doanh nghiệp Nhật muốn hợp tác đầu tư hạ tầng

Doanh nghiệp Nhật muốn hợp tác đầu tư hạ tầng

Viết email In

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng tại TPHCM. Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp Nhật lo ngại là cơ chế đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư) chưa thực sự hấp dẫn. 

Ý kiến này được các nhà đầu tư Nhật Bản nêu ra tại hội thảo xúc tiến hợp tác đầu tư thị trường Việt Nam dưới góc nhìn doanh nghiệp Nhật Bản, tổ chức ngày 14/3 tại TPHCM.  

Tại hội thảo, ông Trần Thế Kỷ, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM, cho biết trong giai đoạn 2011 -2015 nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của thành phố ước tính khoảng 11 tỉ đô la Mỹ mà nguồn vốn đầu tư của ngành giao thông chỉ đáp ứng được 20% so với nhu cầu. Do vậy, việc kêu gọi các nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực hạ tầng giao thông là nhu cầu cấp bách từ nay đến năm 2020. 


Đại lộ Đông - Tây và hầm Thủ Thiêm của TPHCM là công trình có sự tham gia của các nhà thầu Nhật Bản
(Ảnh: Kinh Luân) 

Các tuyến đường bộ được thành phố ưu tiên đầu tư gồm mở rộng 6 tuyến quốc lộ, xây dựng 2 trục đường Đông – Tây và Bắc – Nam, 7 đường cao tốc, 4 đường trên cao, khép kín đường vành đai 2, xây đường vành đai 3. Đồng thời, xây mới 4 bến xe liên tỉnh. 

Đối với đường sắt, xây dựng 7 tuyến metro, 3 tuyến monorail và một tuyến tramway. Còn đường thủy kêu gọi đầu tư hạ tầng kết nối vào khu công nghiệp Hiệp Phước, cảng sông Nhơn Đức. Đặc biệt là dự án nạo vét luồng Soài Rạp đến độ sâu 12 mét cho tàu 50.000 DWT đầy tải và tàu 70.000 DWT giảm tải vào cảng Hiệp Phước. 

Ngoài ra, thành phố cũng mời gọi đầu tư xây dựng 9 nhà máy xử lý nước thải tập trung với tổng công suất 2 triệu khối/ngày đêm.

Bàn về cơ hội hợp tác đầu tư, các doanh nghiệp Nhật cho rằng xây dựng cơ sở hạ tầng là thế mạnh mà các doanh nghiệp Nhật đang có và ngỏ ý sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam. 

Hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam liên kết với doanh nghiệp Nhật để xây dựng hạ tầng tại các khu công nghiệp và một số dự án hạ tầng. Trong đó, có 2 doanh nghiệp lớn là Tập đoàn Đồng Tâm đã liên kết với các doanh nghiệp Nhật để quy hoạch khu công nghiệp và đầu tư hệ thống xử lý nước ở Long An. Hay Công ty xây dựng Hòa Bình cũng liên kết với một số doanh nghiệp Nhật để xây dựng nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài…

Trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, bà Nguyễn Mai Bảo Trâm, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TPHCM (CII) cho biết, CII rất mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Nhật để đầu tư các dự án hạ tầng mà CII đang thực hiện ở thành phố, bởi từ trước đến nay chưa có doanh nghiệp nào của Nhật liên kết với doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng hạ tầng thông qua hình thức BOT. 

Hiện nay, một số dự án hạ tầng giao thông đang xây dựng tại Việt Nam có sự tham gia của các tập đoàn lớn của Nhật như cầu Nhật Tân (Hà Nội), cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng), đường nối giữa cầu Nhật Tân với sân bay Nội Bài… 

Chỉ riêng trong năm 2012, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt trên 25 tỉ đô la Mỹ, Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Về đầu tư, tính đến cuối năm 2012, Nhật đứng thứ nhất trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với hơn 1.800 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký là 29 tỉ đô la Mỹ. 

Bà Trâm cho biết, CII đã cam kết trong 5 năm tới sẽ đầu tư ít nhất là 23.000 tỉ đồng vào 6 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, sản xuất nước sạch và xử lý nước thải. Do vậy, CII đang muốn hợp tác với các nhà đầu tư Nhật Bản thông qua hình thức góp vốn với tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam là 51% còn doanh nghiệp Nhật là 49%. 

Tuy nhiên, điều mà các doanh nghiệp Nhật lo ngại là các dự án hạ tầng chưa tách bạch được cái nào cần liên kết với tư nhân cái nào là đầu tư công. 

Ông Kazuya Hashimoto, Trưởng phòng kế hoạch đầu tư của Tập đoàn Kanematsu cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam được phân chia theo 2 hướng. Thứ nhất là liên kết đầu tư vào các dự án như điện, nước, đường sá ở khu công nghiệp. Thứ hai là thông qua các cơ quan, như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), để thực hiện các dự án. 

Đề cập đến các hình thức đầu tư hiện nay ở Việt Nam, ông Morifusa Ueda, chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, than phiền 2 năm trước các doanh nghiệp Nhật đã tìm hiểu hình thức đầu tư PPP tại Việt Nam, tuy nhiên cứ nửa năm lại có sự thay đổi khiến các doanh nghiệp Nhật rất lúng túng.

Ông Ueda cũng nói thêm rằng, kể từ khi Việt Nam đưa ra hình thức đầu tư PPP, đã 5 lần các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia góp ý với Bộ kế hoạch và Đầu tư, song đến nay hình thức đầu tư này cũng chưa có nhiều thay đổi. 

Lê Anh 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Tìm kiếm

Tạp chí

Hiện có 3955 khách Trực tuyến

Quảng cáo