Ngày 28/3, đại diện sở Quy hoạch – kiến trúc TP.HCM cho biết, UBND TP.HCM vừa chỉ đạo sở này chủ trì, mời các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước có kinh nghiệm, có uy tín tham dự thi tuyển phương án thiết kế “Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và thiết kế kiến trúc các công trình trong khu trung tâm hành chính TP.HCM hiện hữu”.
Một nhà hát giao hưởng vũ kịch sẽ được xây dựng tại khu Công viên 23/9.
Theo đó, ô phố trung tâm hành chính thành phố có diện tích trên 18.000m2, được giới hạn bởi các tuyến đường Lê Thánh Tôn – Pasteur – Lý Tự Trọng – Đồng Khởi. Hiện ô phố này đang là trụ sở của UBND TP.HCM và sáu sở ngành trực thuộc. Theo chủ trương của lãnh đạo, TP.HCM sẽ giữ lại công trình kiến trúc UBND TP.HCM, lớp công trình thứ hai được xây phía sau toà nhà này sẽ được giật thành hai cấp cao tầng khác nhau. Cấp có tầng cao nhất (mặt tiền đường Lý Tự Trọng) sẽ làm nơi làm việc của các sở, ngành. Cấp có tầng thấp hơn là nơi làm việc của thường trực UBND thành phố, Văn phòng UBND thành phố. Giữa hai lớp công trình sẽ có khoảng không gian cây xanh. UBND TP.HCM yêu cầu khu trung tâm hành chính thành phố phải vừa bảo tồn kiến trúc cổ, vừa hài hoà với không gian cảnh quan kiến trúc xung quanh và có phương án tổ chức giao thông thuận tiện.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã chỉ định công ty Busmann + Haberer, Muller, Inros Lackner (Cộng hoà Liên bang Đức) là đơn vị tư vấn thiết kế nhà hát giao hưởng – nhạc, vũ kịch tại công viên 23/9. Với diện tích 1,2ha (rộng 90m, dài 134m), giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, khu vực xây nhà hát gồm bốn mặt tiền trong đó có hướng chính nhìn ra phía chợ Bến Thành. Dự kiến công trình sẽ được đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Theo phác thảo chi tiết do sở Quy hoạch – kiến trúc trình UBND TP.HCM, nhà hát giao hưởng – nhạc, vũ kịch sẽ gồm hai khán phòng, hệ thống hành lang, phòng triển lãm mỹ thuật…
Để hiện thực hoá ý tưởng này, UBND TP.HCM đã giao sở Văn hoá – thể thao và du lịch sớm phối hợp với công ty tư vấn được trình UBND thành ba phương án thiết kế để thành phố chọn phương án tối ưu nhất. Do đây là công trình trọng điểm nên sở Kế hoạch và đầu tư sẽ bổ sung ghi vốn chuẩn bị đầu tư đầu năm 2013…
Trước ý kiến, tại sao lại chọn xây nhà hát tại công viên 23/9 bởi khu vực này đã mật độ dân cư dày đặc, sở Quy hoạch – kiến trúc cho rằng, nhà hát giao hưởng phải được xây dựng khu trung tâm hiện hữu để thuận lợi đi lại, phục vụ nhu cầu giải trí tinh thần cho số đông người dân. Mặt khác, việc xây dựng nhà hát cũng là cách để tôn tạo cho chính công viên 23/9. Trước đây đã có nhiều phương án xây nhà hát được đưa ra, chẳng hạn như tại Thảo cầm viên, khu đô thị mới Thủ Thiêm, hội trường Diên Hồng (sở Giao dịch chứng khoán 45 – 47 Bến Chương Dương)… nhưng công viên 23/9 vẫn là vị trí phù hợp và được nhiều người ủng hộ nhất.
Cũng theo sở này, ngoài công trình nhà hát giao hưởng, thì công trình xây dựng bãi đậu xe ngầm bốn tầng cũng đang được sở nghiên cứu, trong đó hai tầng để ôtô và hai tầng thương mại dịch vụ. Ngoài ra, để hoàn thiện về mặt cảnh quan, sắp tới sở Quy hoạch – kiến trúc cũng sẽ nghiên cứu thực hiện đồ án quy hoạch chi tiết tại khu vực công viên này, bởi đồ án của công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản) mới đề xuất lập phương án thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 cho công viên xây dựng quy chế quản lý, chứ chưa phải đồ án quy hoạch để thực hiện.
Tùng Quang (SGTT, tổng hợp)
- Nghiệm thu Quy hoạch du lịch Ba Bể đến năm 2030
- Bảo trì đường nông thôn bền vững tại Việt Nam
- Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của 7 tỉnh, thành phố
- Khởi động dự án quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp
- Gấp rút kết nối đồng bộ giao thông đường bộ TPHCM
- Đà Nẵng: Khánh thành cầu Rồng bắc qua sông Hàn
- Giữ lại kiến trúc tòa nhà UBND TP.HCM
- Hà Nội: sẽ cưỡng chế giải tỏa dự án vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu
- Gỡ vướng trong cấp "sổ đỏ" cho người sử dụng đất
- Di tích thành cổ Hóa Châu-Huế đang dần hoang phế