Sáng 2/4, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và đầu tư và Ngân hàng Thế giới đã chính thức công bố khởi động "Dự án Quản lý ô nhiễm các khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Đồng Nai, sông Nhuệ-Đáy."
Dự án có tổng vốn vay 50 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới (vốn đối ứng của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam là 8,85 triệu USD).
Dự án được thực hiện trong 5 năm (từ năm 2013-2018) với mục tiêu nhằm góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và đẩy mạnh phát triển công nghiệp theo hướng phát triển bền vững tại Việt Nam.
- Ảnh bên: Một đoạn sông Nhuệ nước đen đặc chảy qua địa bàn huyện Thường Tín (Ảnh Hoàng Lâm /TTXVN)
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung nhấn mạnh việc triển khai đề án sẽ góp phần nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc xây dựng và hoàn thiện năng lực thể chế, kỹ thuật về giám sát và thực thi; hỗ trợ vay vốn ưu đãi xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung theo cơ chế cho vay dựa trên kết quả nhằm nâng cao chất lượng thiết kế và hiệu quả vận hành hệ thống.
Thứ trưởng mong muốn thông qua dự án này, các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có thêm kinh nghiệm, mô hình lựa chọn nhằm giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Mục tiêu của dự án còn nhằm tăng cường năng lực thể chế, kỹ thuật và huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng trong giám sát và cưỡng chế thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là môi trường các khu công nghiệp, ở lưu vực các sông Đồng Nai và Nhuệ-Đáy mà cụ thể là thực hiện thí điểm tại 4 tỉnh dự án là Hà Nam, Nam Định, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai.
Đại diện Ngân hàng Thế giới cho biết những kết quả đạt được của dự án sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà tài trợ tiếp tục nhân rộng mô hình hoạt động sang các địa bàn khác trên cả nước.
Dự án được kết cấu thành 3 hợp phần là tăng cường năng lực thể chế và thực thi (hợp phần 1); Thí điểm cho vay đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung tại các khu công nghiệp (hợp phần 2) và Tăng cường năng lực cán bộ quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật và quản lý dự án (hợp phần 3).
Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản dự án chung và hợp phần 3. Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản hợp phần 1 và Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam thực hiện hợp phần 2.
Dự kiến sau khi dự án kết thúc, những điểm chính của dự án sẽ đạt được là ít nhất 7 văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới quản lý ô nhiễm nước thải công nghiệp được xây dựng mới, điều chỉnh, bổ sung, ban hành xây dựng và đưa vào hoạt động 17 trạm quan trắc chất lượng nước tự động trên 2 lưu vực sông Đồng Nai và sông Nhuệ-Đáy; một hệ thống thông tin tích hợp về quản lý chất lượng nước tự động được thiết lập và vận hành 100% (34 khu công nghiệp) đang hoạt động trên địa bàn 4 tỉnh dự án được kiểm tra, giám sát tuân thủ đúng quy định pháp luật về xả thải nước công nghiệp và được đánh giá và phân hàng theo kết quả bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, có ít nhất 10 khu công nghiệp tại 4 tỉnh dự án được thí điểm vay vốn ưu đãi xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung và đáp ứng các tiêu chuẩn xả thải theo quy định hiện hành.../.
Thúy Hiền
- Năm 2016 phải xong đường trên cao Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở
- ADB hỗ trợ Thừa Thiên-Huế phát triển đô thị xanh
- Nghiệm thu Quy hoạch du lịch Ba Bể đến năm 2030
- Bảo trì đường nông thôn bền vững tại Việt Nam
- Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 của 7 tỉnh, thành phố
- Gấp rút kết nối đồng bộ giao thông đường bộ TPHCM
- Trung tâm TP.HCM với những chuyển động sau quy hoạch
- Đà Nẵng: Khánh thành cầu Rồng bắc qua sông Hàn
- Giữ lại kiến trúc tòa nhà UBND TP.HCM
- Hà Nội: sẽ cưỡng chế giải tỏa dự án vành đai I đoạn Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu