Chiều 15/5, những búc xúc của người dân làng cổ Đường Lâm từ nhiều năm qua, mà đỉnh điểm là việc 78 hộ dân cùng làm đơn gửi các cơ quan chức năng trả lại danh hiệu di tích Quốc gia làng cổ đã phần nào được giải tỏa tại cuộc đối thoại giữa Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội với các hộ dân làng cổ.
Đây là cuộc tiếp xúc được người dân làng cổ mong đợi, bởi bấy lâu nay những bức xúc của họ chưa được kịp thời giải quyết như bị hạn chế trong xây dựng nhà ở, mâu thuẫn hưởng lợi từ khai thác du lịch, trong khi nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng.
Cần quan tâm các nhu cầu chính đáng của dân
Không phải đến bây giờ mà nhiều năm qua, không ít gia đình ở Đường Lâm có tới 3-4 thế hệ sống chung một mái nhà chỉ rộng 60-70 m2 nhưng không thể cơi nới cao tầng hoặc di chuyển sang nơi ở mới. Bởi việc xây dựng phải tuân thủ quy định của Luật Di sản và Luật Xây dựng mà họ lại không đủ điều kiện kinh tế để mua ngôi nhà khác.
Một số hộ xây dựng sai phép như nhà bà Hà Thị Khanh đã bị chính quyền cưỡng chế vì độ cao vượt quá 6m so với quy định. Nhưng có lẽ điều đó không bức xúc bằng việc trong làng vẫn có nhiều căn nhà cao tầng sừng sững đứng đó, trong khi những nhà xây mới, thậm chí chỉ xây gác xép cũng bị cưỡng chế hạ độ cao.
Chính vì vậy, người dân Đường Lâm đề nghị thị xã Sơn Tây sớm có quỹ đất để giãn dân, chỉ bảo tồn những ngôi nhà cổ, còn những nhà không cổ cần cho cải tạo thích hợp.
Ông Hà Kế Toán cho biết quy định xây dựng vướng mắc, phải thông qua nhiều cấp, ngành, trong khi đất giãn dân không có, người có tiền cũng không xây được. Người dân chờ đợi mãi không được đáp ứng nhu cầu tối thiểu nên nảy sinh bức xúc.
Bên cạnh đó, người dân Đường Lâm cũng thắc mắc với số tiền thu từ bán vé tham quan làng cổ trong thời gian qua, Ban quản lý di tích làng cổ Đường Lâm đầu tư lại cho làng cổ còn ít.
Cụ thể năm 2010 thu tiền bán vé là 800 triệu đồng, năm 2011 là 1,1 tỷ đồng, năm 2012 là 1,4 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm nay 1 tỷ đồng, nhưng mỗi năm hỗ trợ cho xã vài chục triệu đồng, chi phí một phần nhỏ vào tập huấn làm du lịch cho dân, đầu tư cho các di tích còn hạn chế. Người dân cũng đề nghị đơn vị này cần đầu tư lại cho làng cổ xứng đáng hơn.
Sớm giải quyết bức xúc trong dân
Tại buổi đối thoại với người dân Đường Lâm, lãnh đạo thị xã Sơn Tây thừa nhận công tác quản lý, bảo tồn di tích còn nhiều hạn chế và bất cập như chưa hoàn thiện quy hoạch làng cổ và các cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn di tích, người dân vẫn chưa được hưởng quyền lợi tốt nhất từ việc phát huy giá trị của làng cổ, mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển, nhất là việc xây dựng, sửa chữa các hạng mục công trình nhà ở bị xuống cấp… dẫn đến bức xúc của một bộ phận các hộ dân đang sinh sống tại di tích.
"Những bức xúc là có thật, chúng tôi xin chia sẻ bức xúc và sẽ báo cáo lại Ủy ban Nhân dân thị xã, báo cáo Ủy ban Nhân dân thành phố để xem xét, giải quyết," ông Nguyễn Lam Điền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây chia sẻ với người dân Đường Lâm.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Sơn Tây cho biết có khả năng trong tháng 6 tới sẽ hoàn thiện quy hoạch làng cổ để làm cơ sở thực hiện các công việc tiếp theo. Thị xã đang tiến hành các thủ tục xây dựng khu giãn dân 10ha, nhưng đến nay vẫn chưa duyệt vì vướng một số thủ tục khác; đồng thời đề nghị thành phố có cơ chế đặc biệt giúp những hộ có nhu cầu giãn dân.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội mong muốn bà con bình tĩnh, vì tương lai của chính con cháu Đường Lâm, để giữ vốn quý báu cho con cháu muôn đời sau.
Ông Tiến cho biết những gì thuộc về nguyện vọng, nhu cầu chính đáng, cơ quan chức năng sẽ từng bước giải quyết. Với trách nhiệm là cơ quan giúp việc cho thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tích cực hơn để tham mưu, cùng phối hợp với thị xã Sơn Tây trên cơ sở ý kiến của bà con hôm nay để điều chỉnh, bổ sung những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bà con ở đây./.
(TTXVN)
- Khởi công trùng tu các hạng mục của lăng Tự Đức
- Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Nguy cơ bị “vỡ” tiến độ
- Mời tư vấn nước ngoài nghiên cứu quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội
- Cầu đi bộ sang Thủ Thiêm đã có nhà đầu tư
- Quảng bá du lịch bền vững tại các di sản miền Trung
- Tiếp tục kiến nghị dừng triển khai Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A
- Hungary hỗ trợ Việt Nam xây hệ thống quản lý dân cư
- Hơn 5.600 tỉ đồng xây sân bay Phan Thiết
- Kể từ 10/6/2013, có thể tra cứu quy hoạch và giá đất qua Internet
- TPHCM: Quy hoạch chi tiết Bến xe miền Đông mới gắn kết hợp lý với ga metro tương lai