Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ cho Việt Nam vay 410 triệu đô la Mỹ để xây dựng hạ tầng giao thông kết nối giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TPHCM để rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến Long Xuyên từ 3,5 giờ xuống còn 2,5 giờ.
Theo thông cáo báo chí phát đi từ ADB ngày 5/8, dự án kết nối giao thông khu vực trung tâm ĐBSCL bao gồm xây dựng 2 cây cầu dây văng với tổng chiều dài 5 km và các tuyến đường kết nối và đường dẫn với tổng chiều dài 26 km.
Tuyến đường này sẽ chạy qua các tỉnh thành An Giang, Cần Thơ và Đồng Tháp đến khu vực phía Tây của ĐBSCL.
Sơ đồ dự án kết nối giao thông khu vực ĐBSCL (Đồ họa: Thu Trang)
Khi có 2 cây cầu và tuyến đường kết nối có thể rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến Long Xuyên từ 3,5 giờ xuống còn 2,5 giờ. Thời gian di chuyển từ bến phà Cao Lãnh đến bến phà Vàm Cống sẽ được rút ngắn từ 1,5 giờ xuống còn 30 phút.
Đồng thời quãng đường giữa Cao Lãnh và Long Xuyên sẽ giảm từ 35,4 km xuống còn 29 km. Tuyến cao tốc này dự kiến sẽ được đưa vào sử dụng vào cuối năm 2017.
Theo tính toán của ADB, việc đưa vào sử dụng cầu và đường khu vực ĐBSCL vào cuối năm 2017 sẽ đem lại lợi ích cho khoảng 170.000 người tham gia giao thông mỗi ngày, và sẽ giúp tạo ra 400.000 việc làm mới trong ngành xây dựng và sản xuất, chế biến.
Ông Rustam Ishenaliev, chuyên gia về giao thông thuộc Tổng vụ Đông Nam Á của ADB cho biết, ĐBSCL là nơi sản xuất hơn 60% sản lượng nông nghiệp và nghề cá và là trung tâm công nghiệp lớn thứ 3 của Việt Nam. Việc kết nối giao thông sẽ liên kết phát triển kinh tế giữa các tỉnh miền Tây của Việt Nam.
Dự án kết nối giao thông khu vực trung tâm ĐBSCL dự kiến có số vốn đầu tư 860 triệu đô la Mỹ, trong đó 410 triệu đô la Mỹ được tài trợ từ nguồn vốn vay thông thường của ADB, và 160 triệu đô la Úc viện trợ không hoàn lại từ Cơ quan Phát triển quốc tế Australia (AusAID) để xây dựng cầu Cao Lãnh và các tuyến đường nối.
Ngoài ra, 260 triệu đô la Mỹ do Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc cung cấp sẽ được sử dụng để xây dựng cầu Vàm Cống và các tuyến đường nối. Việt Nam sẽ đóng góp 56 triệu đô la vào chi phí dự án.
Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, nếu việc thiết kế kỹ thuật và tiến trình đấu thầu được hoàn thành sớm thì dự án sẽ được khởi công trong năm 2013. Đến năm 2017 toàn bộ 2 cây cầu và đường nối dài 26 km sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng.
ĐBSCL bị chia cắt bởi hai con sông là sông Tiền và sông Hậu. Mặc dù đã có cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền và cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu nhưng việc đi lại giữa các trung tâm khu vực ĐBSCL vẫn phải đi qua phà Vàm Cống ở sông Tiền và phà Cao Lãnh ở sông Hậu./.
Anh Quân
- Ba tuyến đường cao tốc được xây dựng theo PPP
- Báo cáo về Đồ án quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Đà Nẵng triển khai hệ thống cấp khí đốt cho toàn thành phố
- Ban hành Thông tư quy định tổ chức giải thưởng về chất lượng công trình xây dựng
- Áp dụng công nghệ Nano bảo quản tháp Chăm
- Hà Nội duyệt gần 5.000 tỷ đồng cho giãn dân phố cổ
- Cần 450 tỷ đồng để thu hồi 36 nhà siêu mỏng ở Hà Nội
- Đức hỗ trợ tăng trưởng xanh tại Việt Nam
- Hoàn thiện Quy hoạch bảo tồn Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long
- Nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TPHCM và ĐBSCL