Ashui.com

Tuesday
Dec 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Giữ hồn của Sài Gòn

Giữ hồn của Sài Gòn

Viết email In

Những ngày này, chứng kiến nhiều cuộc tranh luận, so sánh về vị trí, sự phồn thịnh của Sài Gòn xưa và TP.HCM nay, tôi đọc và suy ngẫm. 

Tôi nghĩ đơn giản: sau những cuộc chiến tranh kéo dài liên miên, cùng với những ngày đầu thống nhất đất nước quá bỡ ngỡ, 20 năm bao cấp trì trệ, sự sụp đổ của khối XHCN... chúng ta thật sự chỉ mới có 20 năm từ khi đổi mới đến nay để xây dựng và phát triển đất nước. 

Vì vậy, những thành tựu đã đạt được như ngày hôm nay là to lớn. 


Toàn cảnh thành phố về đêm
(Ảnh: Thuận Thắng) 

Tất nhiên, người dân có quyền kỳ vọng vào sự phát triển của đất nước phải nhanh hơn, vững chắc và chất lượng hơn. TP.HCM, trái tim của cả nước, vẫn đang phải đối diện với quá nhiều thách thức: ô nhiễm, kẹt xe, ngập nước, phân hóa giàu nghèo, thu nhập đầu người thấp, văn minh đô thị kém... 

Tôi nghĩ rằng, con đường để trở thành một đô thị văn minh, hiện đại là còn khá dài và nhiều thách thức. Nhưng tôi có niềm tin và kỳ vọng vào những người lãnh đạo trẻ của thành phố hôm nay. Tuy nhiên, trên mảnh đất này, không chỉ cần ngày càng nhiều những toà cao ốc, đại lộ, cao tốc... vì suy cho cùng đó mới là cái vỏ, mà điều cần quan tâm hơn chính cái hồn của thành phố, tức là tính cách, phong cách sống của người dân nơi đây. 

Sài Gòn đã có hơn 300 năm tuổi và tự hào là nghĩa tình, nhân văn, hào hiệp, phóng khoáng... thì đó cũng là điều mà mỗi người dân thành phố phải cố gắng gìn giữ, không để mai một! Và đó cũng là giá trị riêng có của thành phố này nếu so sánh với Hà Nội, Đà Nẵng... Thống nhất đất nước được 40 năm nhưng Saigon đã 300 tuổi rồi.

Chính cái hồn của Sài Gòn xưa và TP.HCM nay mới giúp một mảnh đất đầm lầy, hoang hóa ngày xưa dung nạp và thu hút được người dân khắp nơi, đặc biệt là người tài đến định cư và chung tay xây dựng.

Trong chặng đường phát triển sắp tới, chính phần hồn sẽ là điều kiện cơ bản, quan trọng nhất để thành phố phồn vinh và văn minh! Giữ cho được cái hồn của Sài Gòn, là trách nhiệm của những người dân đang sinh sống ở đây nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm của lãnh đạo thành phố.

Thành phố cần ban hành và thực hiện những chính sách phát triển đô thị một cách hiện đại và văn minh, lấy dân làm gốc trong các quyết định, quan tâm sâu sắc đến cuộc sống của người dân, tính nghiêm minh của pháp luật, chương trình giáo dục được cải cách để truyền được văn hoá Sài Gòn cho học sinh... 40 năm thống nhất, chúng ta tự hào về những thành tựu to lớn. 

Nhưng tôi nghĩ, một thành tựu rất đáng trân trọng là giữ và kế thừa được cái hồn của thành phố 300 năm: sống hào hiệp và nghĩa tình! 

Nguyễn Tuấn Quỳnh 
(Tuổi Trẻ)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...