Ashui.com

Thursday
Mar 28th
Home Tương tác Góc nhìn Thiên nhiên và mặt xấu xí của phát triển

Thiên nhiên và mặt xấu xí của phát triển

Viết email In

Ai đến thăm thành phố biển Nha Trang bây giờ mà không cảm thấy xót xa, tiếc nuối khi nhìn đỉnh núi Chín Khúc ở phía tây thành phố, một trong những ngọn núi lớn nhất khu vực bị cạo trọc nham nhở, và đập vào mắt là sự tương phản đến nhức nhối giữa diện tích bị băm nát với mảng xanh tự nhiên đẹp mê hồn còn lại trên núi?

Theo báo cáo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa, hiện có 5 dự án  thi công tại khu vực đỉnh núi Chín Khúc, gồm: dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (513,3ha), khu đô thị đồi Đất Lành (131ha), biệt thự sông núi Vĩnh Trung (19,65ha), dự án mở rộng phía tây khu dân cư Đất Lành (43,8ha), và dự án biệt thự sinh thái Giáng Hương (19,63ha).


Hiện trạng nham nhở của đỉnh núi Chín Khúc tại thành phố Nha Trang.
(Ảnh: Duy Hiếu/Zing.vn)

Trong số các dự án được cấp phép tại khu vực núi Chín Khúc, dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự (do Công ty TNHH sản xuất và xây dựng Khánh Hòa đầu tư) có nhiều sai phạm. Chủ đầu tư chưa thực hiện xong việc lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường, chưa lập hồ sơ thiết kế... Còn theo Bộ Xây dựng, cả năm dự án này với tổng diện tích hơn 700ha đều chưa hoàn thiện thủ tục đã san nền, thi công xây dựng.

Cũng vậy, ai từng đến thăm Cột cờ Lũng Cú ở Đồng Văn, Hà Giang, từng ngắm nhìn cột cờ uy nghi trên đỉnh cao giữa bốn bề đồi núi và đồng quê xanh biếc mà không cảm thấy dâng trào niềm khoan khoái về một dải non sông gấm vóc? Để rồi, càng thấy tiếc nuối khi biết một công ty đang bạt núi, xẻ đường làm dự án “khu du lịch - văn hóa - tâm linh” rộng tới 75ha ngay sát Cột cờ Lũng Cú, trong đó hạng mục chính là khu tâm linh chùa Lũng Cú diện tích 70,5ha, hạng mục đại tượng Phật diện tích khoảng 4,5ha; tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 800 tỉ đồng; nhiều nhà cửa dân cư trong phạm vi dự án đã giải tỏa, trong đó có trên 100 ngôi mộ của dân địa phương; đã xây xong khá nhiều công trình.

Trong khi gọi là làm du lịch sinh thái với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì người ta lại đang phá núi, phá rừng, hủy diệt mảng xanh, hủy hoại chính hệ sinh thái khu vực.

Đến lúc này Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch mới vào cuộc một cách muộn màng, cho rằng dự án xây dựng không đúng quy hoạch, trong khi chính quyền địa phương thì nói mình không vi phạm quy hoạch. Chưa biết mọi việc rồi sẽ đi đến đâu nhưng nhìn những sườn núi gần Cột cờ Lũng Cú bị băm nát, lại nghe dâng lên trong lòng một nỗi phẫn hận: vì sao phải như thế?

Và, ai đã từng đến đèo Mã Pì Lèng ở Mèo Vạc, cũng thuộc Hà Giang, nhìn xuống sâu thẳm dưới kia là dòng Nho Quế xanh ngắt, chung quanh là những dốc đèo, sườn núi xanh thẳm và để lòng mình choáng ngợp trước sự vĩ đại của thiên nhiên mà không thấy tiếc nuối và tức giận khi một nhà hàng bê tông bảy tầng mới đây mọc lên chênh vênh không phép như một lưỡi dao cắm phập vào giữa sườn đèo, đâm vào mắt, phá vỡ cảnh quan tổng thể của danh thắng này?

Còn tại Đà Lạt, mới đây nhất, ngày 18/12/2019, Hạt Kiểm lâm TP. Đà Lạt cho biết đã xảy ra vụ phá rừng nghiêm trọng tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Dự án xây dựng Khu điều dưỡng, nghỉ dưỡng, an dưỡng tiêu chuẩn quốc tế do Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Hồng Đức làm chủ đầu tư, mặc dù chỉ được cấp phép trên diện tích 1.300m2 để xây dựng năm căn biệt thự nhưng chủ đầu tư dự án đã phá hơn 4.200m2 đất rừng để xây dựng các hạng mục công trình khác.


Cần biết cách khai thác một cách phù hợp và tôn trọng môi trường tự nhiên nhằm gìn giữ cho hôm nay và cả cho mai sau.
(Ảnh minh hoạ)

Chỉ riêng trong năm 2019 vừa qua, dư luận đã phải mấy lần thảng thốt trước việc những danh thắng quốc gia, thắng cảnh nổi tiếng trong cả nước bị xâm hại nghiêm trọng. Người ta đang “ngoạm” vào thiên nhiên, “ăn” vào môi trường để mong “phát triển”, để kinh doanh, làm giàu, nhiều lúc cả dưới cái vỏ “tâm linh”.

Như tại dự án khu du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh Lũng Cú, trong khi lãnh đạo UBND tỉnh Hà Giang khẳng định dự án phù hợp với các quy hoạch liên quan (do Thủ tướng phê duyệt gồm: quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013; quy hoạch Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang đến năm 2030, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017; quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia cao nguyên đá Đồng Văn đến năm 2025, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017), thì tại Quyết định 438/QĐ-TTG ngày 7.4.2017 do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký nêu rõ: vùng bảo vệ cảnh quan, danh lam thắng cảnh, trong đó riêng khu bảo vệ cảnh quan di tích Cột cờ Lũng Cú diện tích 101,5ha gồm phạm vi di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia Cột cờ Lũng Cú và khu vực phụ cận. Bảo vệ hệ sinh thái trên núi đá vôi kết hợp bảo tồn di tích Cột cờ Lũng Cú, cột mốc biên giới phía Bắc, phát triển du lịch tham quan dã ngoại.

Như vậy, quy hoạch của Chính phủ không nhắc tới du lịch tâm linh, trong khi dự án Khu du lịch sinh thái - văn hóa - tâm linh Lũng Cú dành nhiều diện tích cho mục đích này, như xây chùa chiền, nhà lưu trú dù ở đây không có một di tích Phật giáo nào. Có lẽ những Bái Đính, Ba Vàng, Tam Chúc với tín đồ và du khách nườm nượp đổ về khiến ở một nơi như Lũng Cú người ta cũng cố đẻ ra cho được một dự án tâm linh tương tự.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho rằng “cho dù xây dựng công trình gì, như thế nào thì phải đảm bảo cảnh quan ở nơi đó không bị phá vỡ. Khu du lịch gì cũng vậy, phải đảm bảo được môi trường tự nhiên gắn với Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn; thứ hai là môi trường xã hội, là đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc. Không nên áp đặt văn hóa miền xuôi đưa lên miền núi, mà phải nghiên cứu kỹ càng”.

Ở núi Chín Khúc tại Nha Trang, người ta cũng có toan tính mượn màu tâm linh tương tự khi một công ty đã đầu tư xây dựng Cửu Long Sơn Tự.

Mặt khác, trong khi gọi là làm du lịch sinh thái với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương thì người ta lại đang phá núi, phá rừng, hủy diệt mảng xanh, hủy hoại chính hệ sinh thái khu vực. Thiên nhiên đang đứng trước thách thức của những toan tính xấu xí trong “phát triển”. Cần thúc đẩy nhận thức chung trong người dân cũng như trong giới quan chức quản lý nhà nước rằng, những di tích, danh lam thắng cảnh, hệ sinh thái tự nhiên ở các địa phương như núi Chín Khúc, đèo Mã Pì Lèng, Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn... tuy do chính quyền địa phương quản lý, nhưng đồng thời là tài sản chung của hơn 90 triệu dân, không thể tùy tiện can thiệp, khai thác bất chấp lợi ích chung. Cần biết cách khai thác một cách phù hợp và tôn trọng môi trường tự nhiên nhằm gìn giữ cho hôm nay và cả cho mai sau.

Một khi thiên nhiên, môi trường sinh thái bị hủy hoại, chất lượng sống kéo theo đó cũng bị suy giảm thì cái gọi là “phát triển”phải trả một cái giá rất cao và cũng chẳng còn mấy giá trị.

Đoàn Khắc Xuyên

(Người Đô Thị)

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo