Sự phân bố các nguồn lực đầu tư cho các làng xã vùng ven là không tương xứng với vai trò và sự đóng góp của nó trong quá trình phát triển chung của cả đô thị.
Thực tế này đang hiển hiện ngay với Hà Nội. Tốc độ mất đất đã chứng minh một cách rõ ràng cho quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa của cả Thủ đô không chỉ nhanh mà nhiều khi là “nóng”, vội vàng. Trong đó, mỗi năm Hà Nội phải tiếp nhận thêm hàng nghìn người thất nghiệp.
(Ảnh minh họa /Nguồn: Zing.vn)
Người nông dân khi chuyển thành người đô thị phải chấp nhận một thời kỳ quá độ để chuyển tiếp từ một đối tượng có thu nhập thấp trở thành đối tượng có thu nhập trung bình trong xã hội đô thị - nếu không sẽ trở thành người nghèo đô thị. So với mặt bằng xã hội hiện nay, người nông dân thu nhập thấp bằng 1/3 người dân đô thị và cơ hội để phát triển không thể so sánh là tương đồng với người dân đô thị.
Sự chia nhỏ đất ở trong làng xã khi đô thị hóa đang bị đẩy nhanh với tốc độ chia cắt cao. Bán đi một phần đất ở để nâng cao thu nhập khi giá đất tăng là con đường tất yếu của người dân để cải thiện về thu nhập, đời sống. Chúng ta không thể hy vọng một người nông dân sẽ giữ nguyên 500 m2 đất ở của ông cha để lại trong khi thu nhập hàng tháng trên mảnh ruộng của mình không đủ cho con ăn học và chữa bệnh. Đất đai là tài sản có giá trị nhất và chia nhỏ đất, bán bớt một phần (chỉ giữ lại 80 - 120 m2) là hiện tượng xã hội không thể ngăn chặn, là cách ứng xử giảm bớt sự chênh lệch đời sống đô thị - nông thôn một cách chính đáng nhất. Vì vậy, mật độ dân cư tăng là tất yếu, sự pha trộn dân cư làm giảm đi tính liên kết cộng đồng theo đó cũng gia tăng, là một phần nguyên nhân phát sinh những tiêu cực trong xã hội.
Đó là chưa kể đến việc dân số các làng xã vùng ven tăng nhanh, kéo theo những biến đổi về hình thái kiến trúc. Không gian làng xã như bị nêm chặt hơn. Nếu chúng ta mong muốn một hình thái kiến trúc thống nhất trong làng xã là không tưởng bởi tính đa dạng của nhu cầu do các đối tượng ở quá khác nhau: Người làng xã cũ, người có thu nhập cao do tiền gửi nước ngoài về, cán bộ, công nhân, sinh viên thuê, trọ học... Trong những lô đất chia nhỏ, chức năng đa dạng sự hỗn tạp về hình thái là tất yếu. Phương thức tự xây vẫn buộc tồn tại và việc kiểm soát giấy phép xây dựng, trật tự nghiêm túc dường như bất khả thi. Mật độ dân cư tăng với các phương tiện mới như xe máy, ôtô. Hạ tầng làng xã theo đó bị quá tải. Chưa kể đến việc phát triển nghề thủ công đi liền sau là các nguy cơ giảm chất lượng môi trường sống do ô nhiễm.
Không chỉ có vậy, do quy hoạch chắp vá, tầm nhìn ngắn hạn với mong muốn khai thác nhanh, hàng ngàn dự án bao quanh các thành phố cũng đã được chuyển đổi mục đích cho hàng trăm công ty kinh doanh đất trên giấy với hạ tầng chắp vá, tạm bợ. Thế là đô thị lên cơn sốt đất. Tình trạng đầu cơ đất với cách làm ma mãnh “cho dự án, cấp dự án và chạy dự án” càng góp phần cho bức tranh “nhà nhà làm quy hoạch” lộ rõ. Trong cơn quay cuồng đó, các nhà đầu cơ khắp nơi đổ về, kể cả nước ngoài, đã đẩy giá đất lên cao kinh hoàng (giá đất ở Hà Nội khu trung tâm - vùng lõi Thủ đô - thuộc loại cao nhất thế giới).
Khi mà mỗi một biến đổi của không gian kèm theo sự biến đổi xã hội, nghề nghiệp, dân cư (quy mô lẫn chất lượng) rất lớn thì công tác quy hoạch theo cách làm hiện nay hầu như không đáp ứng được, nếu không nói là hoàn toàn thất bại. Thực tế cho thấy, hơn 20 năm qua, chưa có một làng xã đô thị hóa nào được quy hoạch và thực hiện quy hoạch tốt. Những bức xúc của các vấn đề đô thị hóa ngày càng căng thẳng hơn.
HĐND TP Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về điều chỉnh, bổ sung danh mục các dự án thu hồi đất năm 2020; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020. Theo đó, Hà Nội bổ sung danh mục 230 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2020, với diện tích là 403,09 ha.
Công cuộc chuyển đổi đất đai cứ tiếp diễn. Người dân làng xã vùng ven được quá ít quyền lợi. Bánh xe ủi vẫn lăn. Và những ruộng đồng trù mật một thời cứ dần “nhường chỗ” cho các tòa nhà ngạo nghễ mọc lên.
Ngọc Lý
(Báo Xây dựng)
- Tạo dựng “đô thị xanh” ven biển Việt Nam: Cơ hội và thách thức
- Homestay - thay đổi sao để tồn tại?
- Từ vụ Dinh Tỉnh trưởng, khu Hòa Bình, nghĩ về việc quản trị, quy hoạch của hai thành phố
- Toàn cảnh 6 trọng điểm của thành phố Thủ Đức tương lai
- "Bẻ lái" tư duy phát triển đô thị
- Phố "sang" nhất thủ đô
- Những tên làng giữa phố Nha Trang
- Thành phố xe đạp
- Cả nghìn căn hộ đô thị mẫu ở Hà Nội không phòng sinh hoạt cộng đồng
- Trung tâm tài chính Việt Nam: Phải được nuôi dưỡng trong cái nôi của thị trường