Thạnh An là xã thuộc huyện Cần Giờ (TP.HCM). Do chưa có đường bộ kết nối nên nơi này được ví như một "ốc đảo" ven thành phố.
Xã Thạnh An nằm cách TP.HCM 70 km về phía đông, cách thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ khoảng 5 km. Toàn xã có diện tích khoảng 13.000 ha, gần 1.200 hộ dân với khoảng 4.500 nhân khẩu. Xã được phân loại là đơn vị hành chính cấp xã loại II, có hệ thống chính trị và các cơ sở hạ tầng cơ bản đáp ứng đời sống dân cư.
Người dân xã Thạnh An muốn vào trung tâm thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, phải đi trên những chiếc tàu cá để vượt chặng đường biển dài khoảng 5 km. Tàu hoạt đông từ 6h30 sáng đến 17h, giá vé khoảng 15.000 đồng/người/lượt. Để đi TP.HCM, người dân xã đảo cũng phải vượt biển vào trung tâm thị trấn Cần Thạnh, sau đó di chuyển về TP.HCM bằng đường bộ.
Kinh tế chính của người dân xã đảo là khai thác và nuôi trồng thủy hải sản. Tuy nhiên phần lớn ngư dân dùng tàu cá nhỏ để đánh bắt gần bờ, năng suất thấp.
Ông Hạnh, ngư dân có hơn 10 năm đánh bắt cá, tôm xung quanh đảo, đang chuẩn bị lưới cho chuyến đi biển sớm. Theo ông, lượng hải sải những năm gần đây giảm mạnh khiến thu nhập từ nghề này khá bấp bênh. Mỗi ngày ông chỉ kiếm được khoảng 200.000 đồng.
Ông Tư cũng có hơn 15 năm gắn bó nghề đánh bắt cá, tôm ven bờ. Dùng phương tiện nhỏ, lại ít người làm nên gia đình ông thu nhập chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi ngày và hầu như không có tiền tích lũy. "Những khi biển động không đi biển được, gia đình tôi gặp cảnh khó khăn, thiếu trước hụt sau", ông nói.
Khai thác biển gặp khó, người dân Thạnh An đầu tư vốn nuôi trồng thủy hải sản, mong muốn cải thiện thu nhập. Những năm gần đây, nghề nuôi hàu lồng được nhiều hộ dân trong xã tham gia. Hiện, toàn xã có khoảng 20 hộ nuôi hàu. Tuy nhiên, nghề này chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao, năng suất không ổn định với nhiều vụ thất bát. Trong ảnh, người dân chuẩn bị phao làm lồng nuôi hàu thương phẩm.
Công việc làm ăn không thuận lợi, thiếu tự liệu sản xuất dẫn đến cuộc sống người dân xã đảo gặp nhiều khó khăn. Hiện, thu nhập bình quân đầu người mỗi năm của xã đạt khoảng 60 triệu đồng. Hơn 15% số hộ trong xã thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm khá cao.
Hoạt động kinh doanh, mua bán thủy hải sản trên đảo diễn ra khá manh mún, nhỏ lẻ. Ngư dân chủ yếu bán hàng cho thương lái chứ không phải tại các vựa thu mua lớn. Theo lãnh đạo UBND xã Thạnh An, điều này khiến ngư dân hay bị ép giá, đầu ra sản phẩm cũng bấp bênh.
Trước đây có một vài điểm thu mua tập trung thủy hải sản tại đảo, tuy nhiên vì không cạnh tranh được với thị trường, với các vựa lớn ở nơi khác nên người dân phải đóng cửa, hoặc hoạt động cầm chừng. Trong ảnh, hải sản tươi sống do ngư dân Thạnh An đánh bắt được.
Toàn xã có khoảng 10 hộ dân ấp Thiềng Liềng vẫn duy trì nghề làm muối. Tuy nhiên, thu nhập khá thấp vì giá muối liên tục giảm (hiện khoảng 500 đồng/kg). Sản phẩm muối Cần Giờ chưa có sức hút thương hiệu, khó cạnh tranh. Trước đây vài năm, địa phương này từng thành lập hợp tác xã làm muối, hoạt động khá hiệu quả thời gian đầu. Về sau, hợp tác xã không duy trì được vì ít lợi nhuận.
Toàn xã chỉ có vài cửa hàng bán tạp hóa và các loại nhu yếu phẩm thiết yếu. Nhìn rộng ra, hoạt động thương mại, bán lẻ tại Thạnh An đơn điệu và khá nghèo nàn.
"Tôi bán hàng chỉ kiếm lãi đủ chi tiêu hàng ngày chứ không mong có tiền tích lũy. Người dân ở đây khá ít, họ cũng không có thói quen mua sắm thường xuyên nên gian hàng nhà tôi thường xuyên ế ẩm", bà Út, tiểu thương có gần 20 năm sống tại xã đảo, nói.
Qua nhiều năm xây dựng nông thôn mới, bộ mặt xã đảo Thạnh An hôm nay đã có những đổi thay nhất định. Năm 2019, xã có điện quốc gia, hạ tầng giao thông tuyến đường xuyên đảo dài khoảng 2 km được chỉnh trang. Nhà ở dân cư được chính quyền địa phương vận động xây dựng kiên cố hơn trước. Các công trình hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế… dần hoàn thiện.
Đầu năm 2021, UBND huyện Cần Giờ đề nghị Sở GTVT TP.HCM và các đơn vị liên quan hướng dẫn hồ sơ, thủ tục mở tuyến cao tốc vận tải thủy từ thị trấn Cần Thạnh đi xã Thạnh An theo quy định. Đây là tín hiệu vui cho người dân xã đảo thay vì họ phải đi tàu cá mất nhiều thời gian, lại chưa đảm bảo đủ các điều kiện an toàn.
UBND TP.HCM hiện đã hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận xã Thạnh An là xã đảo, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các cơ quan, đơn vị có liên quan cũng đang nghiên cứu, rà soát các chính sách ưu đãi dành cho xã đảo để áp dụng kịp thời, có hiệu quả khi Thạnh An được công nhận là xã đảo. Điều này tạo động lực để địa phương phát triển, đảm bảo quyền lợi của người dân trong vùng.
Phạm Ngôn
(Zing.vn)
- Lý nào với Lý Sơn?
- TP.HCM cần đầu tư hạ tầng, đẩy mạnh chuyển đổi số để phát triển
- Hà Nội: Di tích phố cổ sống chung với nhà dân, quán nước
- Tản mạn mới và cũ
- Cần Giờ, viên ngọc xanh giữa lòng thành phố
- Mô hình đô thị Thừa Thiên-Huế: Phát triển tiếp nối, hài hòa, cân bằng
- 4 khu đô thị ở TP.HCM được ấp ủ hàng chục năm
- Nhà kỳ dị xuất hiện ven đường vành đai 2 ở Hà Nội
- Số phận nào cho tu viện cổ của Đà Lạt?
- Đối tác công tư PPP dưới góc nhìn của quan sát viên