Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Tương tác Góc nhìn Hiểu để thích ứng hạn mặn (kỳ 2): "Rót" tiền tỉ ngọt hóa hay thích ứng tiết kiệm?

Hiểu để thích ứng hạn mặn (kỳ 2): "Rót" tiền tỉ ngọt hóa hay thích ứng tiết kiệm?

Viết email In

Bất chấp đặc tính “phèn mặn” sẵn có của vùng Bán đảo Cà Mau, con người vẫn muốn biến vùng này thành vùng đất ngọt khi đổ ra không ít tiền của để xây dựng các công trình hạ tầng, nhưng kết quả mang lại không như mong đợi. Tuy nhiên, kinh nghiệm cho thấy, người dân vùng này vốn đã thích ứng linh hoạt, kể cả trong sản xuất lẫn sinh hoạt, dù không phải tốn quá nhiều nguồn lực…


Vùng ngọt hoá thiếu nước ngọt lẫn nước mặn. (Ảnh: Trung Chánh)

Tốn tiền ngọt hoá, nhưng không thành công

Trao đổi với KTSG Online, TS Dương Văn Ni, Chủ tịch Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu và bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Conservancy Foundation-MCF), một chuyên gia về đa dạng sinh học ở ĐBSCL, cho biết chương trình ngọt hoá Bán đảo Cà Mau được thiết kế trước 1975. Ngay cả thời Pháp, việc đào con kênh Quản lộ Phụng Hiệp cũng kỳ vọng dẫn nước ngọt về Bán đảo Cà Mau. “Nhưng từ thời đó đến bây giờ có một thực tế đã được chứng minh là nước ngọt sông Hậu không về tới đó được”, ông cho biết.

Tại hội thảo sống chung với hạn mặn vùng ĐBSCL được tổ chức ở thành phố Cần Thơ mới đây, ông Đỗ Minh Điền, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau, cho biết vùng Bắc Cà Mau thiếu nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất và phòng cháy- chữa cháy rừng.

Theo ông, thiếu nước đã dẫn đến khó khăn trong lưu thông, vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ và mất phản áp lực nước lên bờ kênh dẫn đến sạt lở, sụt lún đất đường giao thông nghiêm trọng.

Cụ thể, đến thời điểm cuối tháng 3 vừa qua, trên địa bàn 9 xã, thị trấn vùng ngọt có 131 tuyến đường bị sạt lở, sụt lún với 569 vị trí có tổng chiều dài gần 15 km, tổng thiệt hại hơn 20,1 tỉ đồng.

Ngoài ra, việc khó khăn trong lưu thông vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ như nêu ở trên đã khiến giá lúa sụt giảm. “Đợt rồi, thời điểm thu hoạch lúa đúng lúc các dòng kênh cạn nước, lưu thông thuỷ không được, khiến giá lúa giảm 1.000-2.000 đồng/kg”, ông Điền dẫn chứng.

Dù kết quả ngọt hoá không như kỳ vọng, nhưng dự kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục đầu tư không ít tiền của để tiếp tục ngọt hoá cho vùng Bán đảo Cà Mau.

Ông Kiều Văn Công, Phó giám đốc Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 10 (Ban 10) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết giai đoạn 2026-2030 dự án Tắc Thủ dự kiến sẽ được đầu tư.

Theo ông, dự án đã được phê duyệt đề xuất chủ trương đầu tư và khi thực hiện sẽ có hợp phần chuyển nước từ lưu vực sông Cái Lớn và sông Hậu qua kênh Chắc Băng về Cà Mau.

Mục đích của việc đầu tư các dự án ngọt hoá vùng Bán đảo Cà Mau là tạo nguồn nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Tuy nhiên, liệu câu chuyện tiền đổ ra, nhưng hiệu quả không như mong đợi có tiếp tục xảy ra hay không, nhất là đặc tính của vùng đất này là đất “phèn, mặn”?

Cần nhân rộng thích ứng tiết kiệm, hiệu quả

Nói đến nước thì có 4 loại nước cần được hiểu rõ, đó là (1) nước ăn uống, (2) nước tắm giặt, (3) nước sản xuất và (4) là nước sinh thái.

Đối với nước sản xuất, nếu quá mặn không làm được gì thì người dân sử dụng làm muối. Còn nếu mặn cao một chút người dân nuôi tôm sú, nếu chỉ lợ lợ thì nuôi tôm càng, trong khi nếu không mặn thì trồng lúa nuôi cá nước ngọt, theo TS Dương Văn Ni.

“Điều này có nghĩa, sinh kế của người nông dân rất đa dạng theo chất lượng nguồn nước”, ông Ni nói. Ông cho rằng ngăn mặn có nghĩa là bắt người dân chỉ đi theo một sinh kế duy nhất là nước ngọt, cho nên năm nào không đủ nước ngọt thì dân gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí chuyện xung đột mặn- ngọt đã từng xảy ra.

Ngày xưa, người dân trồng lúa, tức đi theo sinh kế ngọt, nhưng nếu mặn đến sớm bị thiệt hại thì họ có thể sử dụng nước mặn thả tôm, tức có phương án thay thế để tiếp tục sinh kế. “Còn bây giờ, lúa chết, trong khi không có nước bổ sung do chọn con đường ngọt hoá thì chết cả hai, tức không còn phương án gì để tiếp tục, hay nói đúng hơn là sinh kế của người dân bị hẹp lại”, ông Ni nhận xét.

Còn nước tắm giặt, ông Ni cho biết, người dân xuống sông tắm nước mặn và chỉ cần tắm lại một ít nước ngọt là xong, tức nước sinh hoạt người dân cũng đã dung hoà được giữa mặn- ngọt. Tuy nhiên, bây giờ không cho nước mặn vô thì muốn tắm nước mặn cũng không có, trong khi nước ngọt cũng chưa đủ thì lửng lơ và thiếu hiệu quả.

Với nước tắm giặt, ngày xưa, những hộ dân khá giả, có đất rộng luôn đào một cái ao rộng lớn để trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt cho cả xóm. “Những năm thiếu nước như thế này, họ đem trâu vào cộ nước về cho cả xóm sử dụng”, ông Ni cho biết và nói rằng đây là tinh thần san sẻ, là giá trị cốt lõi văn hoá của người miền Nam.

Đối với nước sinh thái thì cần để: (1) bốc hơi vì nắng thì cần có để bốc hơi, giúp nhiệt độ không khí giảm, làm con người cảm thấy mát hơn; (2) nước sinh thái giúp giữ các tầng đất ổn định hay nói cách khác là không bị co nhót dẫn đến sạt lở, nhất là giúp “ém” phèn mặn; (3) cần một lượng để thấm xuống, giúp bổ cập cho lớp nước ngầm.

Còn với nước ăn uống, ngày xưa vùng Bán đảo Cà Mau, nhà nào cũng có lu và số lượng nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng thành viên trong gia đình. “Thậm chí, không phải ngẫu nhiên mà người dân thiết kế lu có dung tích 200 lít. Tại sao không phải 150 hay 250 lít?”, ông Ni đặt câu hỏi và giải thích, những năm mặn gay gắt thường kéo dài từ tháng 4 đến tháng 6, tức 90 ngày, trong khi khuyến cáo nhu cầu nước hàng ngày mỗi người là 2 lít, tức cần 180 lít cho 3 tháng hạn mặn.

Theo ông Ni, việc người dân thiết kế lu 200 lít là để trừ hao nước còn bị bốc hơi. “Điều này có nghĩa, trong cuộc sống ngày xưa, người dân đã có giải pháp thích ứng rất tốt”, ông nhấn mạnh.

Rõ ràng, trong câu chuyện hạn mặn, người dân đã thích ứng và có cách sống chung rất tốt, nhưng không quá tốn kém tiền của như xây dựng công trình ngàn tỉ mà không mang lại hiệu quả như kỳ vọng. “Giải pháp nằm ngay trong dân, trong vốn sống của người dân”, ông Ni nói. Ông cho rằng nước mặn người dân biết làm cái gì, mặn ít hay mặn quá người dân cũng có cách thích ứng và nước ngọt người ta cũng biết làm gì.

“Điều này, nó nằm ngay trong vốn sống, kể cả ông giăng lưới, bắt cá họ cũng biết mùa nào người ta né; người ta biết mùa nào đánh bắt con gì, sử dụng ngư cụ ra sao”, ông Ni nói.

Trung Chánh

(KTSG Online)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo