2011 là năm của thiên tai. Vòi rồng đã xóa sổ một số cộng đồng đồng ở miền Nam và Trung Tây nước Mỹ đầu mùa xuân năm nay. Sau đó quốc gia này còn phải đương đầu với sức tàn phá dữ dội của siêu bão Irene dọc theo bờ biển phía Đông của đất nước làm thiệt hại không dưới 10 tỷ đô-la Mỹ. Đầu tháng 3, cơn địa chấn ngoài khơi Nhật Bản đã kéo theo sóng thần dữ dội và nguy cơ rò rỉ hạt nhân khiến cho gần 16.000 người chết và hàng ngàn người mất tích (Eric Wills /Architectmagazine.com 9/2011). Ngay khi những dòng này được viết thì quốc gia láng giềng Thái Lan đang vật lộn với trận lụt tồi tệ nhất châu thổ sông Chao Phraya trong lịch sử với 6 triệu hecta đất bị nhấn chìm, hơn 300 người chết và làm tê liệt các hoạt động tại thủ đô Bangkok ở hạ lưu.
Một phụ nữ Aceh đang chăm chú theo dõi những thiết kế do nhóm kiến trúc sư UPLINK thực hiện để tái thiết ngôi làng của cô tại tỉnh Aced, Indonesia. (Nguồn: Asian Community Architects Forum)
Tuy nhiên, bất chấp những con số đau lòng trên, năm 2011 không phải là một năm cá biệt bởi sự gia tăng tần suất và quy mô của thiên tai trong năm được ghi nhận như một xu hướng chung đáng báo động của thời đại chúng ta. Số liệu của International Disaster Database xây dựng bởi Trung tâm Nghiên cứu Sự lan truyền của Thiên tai CRED (www.cred.be) ghi nhận 903 thảm họa trên thế giới vào thập niên 70, 1824 thảm họa và thập niên 80, 2971 vào những năm 90 và 4485 vào những năm 2000. Theo báo cáo mới nhất của CRED, riêng trong năm ngoái, 385 thảm họa xảy ra giết chết gần 300.000 người và ảnh hưởng đến đời sống của 217 triệu người khắp thế giới.
Những con số khủng khiếp trên cũng chỉ phản ánh một năm "bình thường" của một thập niên bất ổn. Nhìn xa hơn nữa vào lịch sử nhân loại, giáo sư Địa Sinh học Jared Diamond, tác giả cuốn “Sụp Đổ: các xã hội đã lựa chọn thành công và thất bại như thế nào” [ Tên bản dịch tiếng Việt do NXB Tri Thức phát hành ] nghiên cứu những nền văn minh đã sụp đổ trong quá khứ vì lý do môi trường như phá rừng (Anasazi – Bắc Mỹ và đảo Phục Sinh – Nam Thái Bình Dương), xói mòn đất đai (Maya – Trung Mỹ), thất bại trong quản lý nguồn nước (Khmer – Cambuchia). Trong phần lớn trường hợp, các nền văn minh thất bại trong thảm họa môi trường do thiếu khả năng tổ chức xã hội, hoặc do thiếu hiểu biết khoa học để ứng xử và đối phó.
“Xây dựng một văn hóa phòng tránh thiên tai không dễ dàng. Trong khi chi phí phòng tránh thiên tai được chi trả trong hiện tại, lợi ích của nó nằm ở tương lai xa xôi. Hơn nữa, lợi ích đó không hữu hình, chúng là những thảm họa KHÔNG xảy ra” Kofi Annan, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc |
Câu hỏi đặt ra là các nhà thiết kế và quy hoạch có thể làm gì để nâng cao năng lực đối phó với thiên tai của cộng đồng? Bạn sẽ lầm nếu nghĩ rằng đây là câu hỏi về công nghệ xây dựng. Thách thức từ thiên nhiên mang đến thông điệp rộng lớn hơn rất nhiều.
Quy hoạch tổng hợp
Quy hoạch bản thân đã là một lĩnh vực đa ngành, yếu tố môi trường và thiên tai đòi hỏi ở một mức cao hơn nữa sự hợp tác giữa các lĩnh vực chuyên môn. Trong một thảo luận bàn tròn mới đây giữa các Sở của thành phố HCM và Ngân hàng Thế giới về biến đổi khí hậu, một kết luận được rút ra bởi chính các cơ quan chính quyền: vấn đề cấp bách nhất hiện nay là việc thực hiện quy hoạch tích hợp thay vì cách làm độc lập giữa cơ quan như hiện nay. Lãnh đạo các sở cũng đồng ý rằng các bản quy hoạch của họ đang mâu thuẫn với nhau.
Đối với các thành phố đầy rủi ro trước thiên tai và biến đổi khí hậu của chúng ta, tội đồ và cũng là cứu tinh của những thành phố này không phải các nhà môi trường hay các kỹ sư thoát nước mà là các nhà quy hoạch. Theo cách làm quy hoạch truyền thống, thoát nước cũng như giao thông là vấn đề mà các kỹ sư phải giải quyết sau khi ý đồ phát triển đô thị đã được định hình. Sau khi hàng ngàn hecta vùng đất ngập nước ngoại ô thành phố được san lấp để biến thành đô thị thì hàng tỉ đô-la vốn ngân sách và tiền đi vay phải đổ vào để chống ngập cho thành phố. Vấn nạn ngập lụt của thành phố nay đã được chứng minh bằng số liệu rằng nguyên nhân là do sự phát triển đô thị vô tội vạ, phương pháp thoát nước sai lầm và việc thiếu mảng xanh trong đô thị đã gây hiệu ứng đảo nhiệt và tạo ra biến đổi khí hậu cục bộ. [ Đọc bài: Ngập lụt tại TP HCM: tiếp cận “mềm” ]
Biến đổi khí hậu sẽ khiến đỉnh triều ngày càng cao, gây xói lở đất, tăng diện tích ngập lụt. Ảnh: Vỡ bờ bao tại Thủ Đức gây ngập lụt hàng trăm hộ dân. (nguồn: SGTT)
Thiết kế linh hoạt và thích ứng
Thiết kế cho thời kỳ đầy biến động về môi trường đòi hỏi những giải pháp linh hoạt và có tính thích ứng cao trong nhiều điều kiện khác nhau. Theo chuyên gia Hồ Long Phi, tần suất tái diễn của các hiện tượng thiên nhiên đột biến không còn là một hằng số mà luôn biến đổi nhanh chóng. Ví dụ mà ông đưa ra để minh họa cho bối cảnh này là tiêu chuẩn thiết kế của một số dự án thoát nước quan trọng của thành phố dựa trên số liệu lịch sử nên đã trở nên lạc hậu ngay khi chưa đưa vào sử dụng. Trong khi những công trình do con người đều dựa trên những hằng số và phương trình định sẵn, chính hệ sinh thái mà chúng ta đang phá hủy từng ngày mang trong mình bộ “gen” để sinh tồn qua những biến động. Trong khi những cánh rừng đầu nguồn có thể giữ nước và những cánh rừng ngập mặn có thể cản bão và sóng biển, những công viên sinh thái giữa lòng thành phố có thể làm giảm hiệu ứng đảo nhiệt, hiệu ứng nhà kính, chứa nước mưa và tái tích trữ cho mạng nước ngầm.
Học từ truyền thống
Thiết kế cho tương lai đầy biến động có thể dựa vào những bài học của quá khứ. Cũng như thiên nhiên, tổ tiên chúng ta đã từng trải qua những biến động và “gen” sinh tồn được truyền vào những công trình cổ. Nước Nhật đã nếm trải 46 trận động đất từ ngày ngôi chùa Horyu-Ji được xây dựng vào năm 607 sau Công Nguyên. Cấu trúc cao hơn 32 met này được xây dựng dựa trên 3 nguyên tắc: vành mái rộng và nặng hơn giữ ổn định cho công trình, các tầng được dính với nhau bằng những công-son lỏng, và cuối cùng cây cột chính tâm shinbashira có vai trò như bộ giảm xóc để tránh cho các tầng trượt khỏi nhau quá xa tới mức sụp đổ (Andrew Tarantola /gizmodo.com 2011). Những bài học từ Horyu-ji giúp cho các tòa cao ốc ở Tokyo có thể chịu địa chấn 9.0 độ Richter. Cũng chính những căn nhà xây dựng theo lối truyền thống của người Aceh với kết cấu gỗ nhẹ và không móng đã cứu một số hộ gia đình ở Aceh Besar trong trận động đất và sóng thần lịch sử năm 2004. Nhưng với phần lớn người dân ở tỉnh Aceh, kiến trúc cổ truyền đã bị từ bỏ để xây những công trình bê tông cốt thép họ học được từ thành phố lớn. Khi trận động đất xảy, những kiến trúc hiện đại này gây thương vong nặng nề trong số 150.000 người đã chết (Asian Community Architects Forum n.d.).
Dựa vào cộng đồng
Cuối cùng, không phải sức mạnh của công nghệ mà là tinh thần cộng đồng và năng lực tổ chức xã hội quyết định sự sống còn của cộng đồng trước thảm họa thiên nhiên. Sau thảm họa song thần tại vùng Tohoku (Nhật Bản) năm nay, các nhà báo nhận ra rằng không phải tiêu chuẩn thiết kế khắt khe mà chính là hệ thống báo động và các chương trình đào tạo kỹ năng sống sót đã giảm thiệu mất mát về người, cũng không phải các nhân viên cứu hộ cứu sống nhiều người nhất sau động đất mà là hàng xóm của họ (Shankar Vedantum /npr.org 2011). Đơn giản là vì những người hàng xóm là những người có thể có mặt nhanh nhất, và quan trọng hơn, họ biết láng giềng của mình ở đâu để có thể kịp thời kéo những người này khỏi đống đổ nát.
Những cư dân gốc Việt ở làng Versailles trở về nhà sau cơn bão Katrina (Nguồn: avillagecalledversailles.com)
Tại hội nghị toàn cầu về biến đổi khí hậu và đô thị hóa diễn ra tại thành phố Phoenix (Hoa Kỳ) cuối năm 2010, hàng trăm nhà khoa học khắp thế giới, từ cả những quốc gia còn nghèo khó như Bangladesh hay Uganda, tham dự, nhưng không có một tiếng nói nào đến từ trong nước mặc dù hai từ Việt Nam vẫn luôn được nhắc tới như là nơi đầy rủi ro và yếu kém trong việc ứng xử trước thiên nhiên. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng mức độ rủi ro của mỗi quốc gia không chỉ phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà cả nhận thức, năng lực và nỗ lực của chính quốc gia đó trong việc giảm thiểu và thích ứng với thiên tai. |
Nếu như nước Nhật đã cho thấy khả năng và nỗ lực của họ cũng tương xứng với quy mô của thảm họa, siêu bão Katrina cho thấy sự bất lực của chính phủ, xã hội và người dân Mỹ trong việc đối phó với thiên tai quy mô lớn. Nhưng Katrina cũng cho thấy tinh thần tương thân tương ai đã tạo nên sức mạnh và khả năng sinh tồn của một cộng đồng Việt Nam có cái tên bóng bẩy: Versailles. Trong khi nhiều cư dân New Orleans lựa chọn ra đi sau thảm họa, những cư dân của Versailles trở về. Ban ngày, họ cùng nhau sửa chữa nhà cửa, ban đêm, họ lái xe 50 km đến ngủ nhờ trên sàn nhà thờ của Cha Viện. Thay vì viện trợ của chính phủ, bạn bè và gia đình gom góp tiền để chi trả cho phần lớn xây dựng. Năm tháng sau thảm họa, khi phần lớn New Orleans vẫn còn đang cố gắng phụ hồi nỗi đau mất mát sau trận lụt, cuộc sống đã trở lại bình thường ở Versailles (avillagecalledversailles.com n.d.).
Nhờ sự tiến bộ của khoa học mà giờ đây năng lực dự đoán thiên tai của chúng ta sâu sắc hơn bao giờ hết. Nhưng cũng với sức mạnh của công nghệ, thế hệ chúng ta tàn phá môi sinh một cách dữ dội và sâu sắc hơn bao giờ hết. Với thực tế là tần suất và quy mô của những thảm họa thiên nhiên giáng vào những vùng đô thị đông dân gia tăng, kiến trúc sư và quy hoạch sư đã có cơ hội học hỏi những bài học thành công cũng như thất bại từ New Orleans, Bangkok, Bandar Aceh hay Sendai. Bài học đó là Tri thức và sức mạnh ứng phó với thảm họa nằm chính ở thiên nhiên và trong những cộng đồng truyền thống – những nơi mà các nhà chuyên môn đôi khi vẫn nhìn như những đối tượng cần chinh phục và những “con bệnh” cần chữa trị bằng những kỹ nghệ thiết kế tân thời. Giờ là lúc nhận thức đó phải thay đổi. Giờ là lúc trở về với thiên nhiên và với cộng đồng để học và để cùng những con người bình dị nhất chuẩn bị cho một tương lai bất ổn.
Quy hoạch sư Nguyễn Đỗ Dũng
- Dân không chịu ở nhà tái định cư
- Công trình xanh – đầu tư cho tương lai
- Dự án làng đại học Đà Nẵng: 14 năm sống tạm bợ
- Đường hoa Nguyễn Huệ - một góc nhìn
- Đà Nẵng "đóng cửa" với dân nhập cư
- Bài học từ nhà quản lý nước ngoài
- Hồ Gươm xấu xí sau "điểm hẹn phố và hoa"
- Hơn 100ha vịnh Nha Trang biến thành khu đô thị, khu du lịch
- Quản lý chung cư: Đã đến lúc nghĩ đến chuẩn quản lý
- Tan giấc mơ nhà thu nhập thấp