Ashui.com

Wednesday
Jan 08th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Đầu tư vào ngành thép, hấp dẫn vì đâu?

Đầu tư vào ngành thép, hấp dẫn vì đâu?

Viết email In

Chi phí đầu vào để sản xuất thép tại Việt Nam hiện nay còn khá “rẻ” do giá điện chưa tuân theo quy luật thị trường. Ngoài ra, các ưu đãi khác về nguồn nước, giải phóng mặt bằng, nhân công hay sự giám sát các tiêu chuẩn về xả thải ra môi trường của các cơ quan chức năng còn nhiều lỗ hổng cũng là điểm hấp dẫn nhà đầu tư khi bỏ vốn vào đây.  

Vẫn liên tục nhập siêu thép

Các doanh nghiệp sản xuất thép tại Việt Nam hiện nay đến từ ba khu vực: các doanh nghiệp nhà nước (đại diện là Tổng công ty Thép Việt Nam - Vnsteel); các doanh nghiệp tư nhân như thép Hòa Phát, tôn Hoa Sen và khối doanh nghiệp nước ngoài như Formosa, thép Việt Nhật... Các chính sách phát triển ngành thép của Chính phủ trong những năm qua được đánh giá là tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho nhóm các doanh nghiệp nhà nước hay dành các ưu đãi lớn cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nhưng thực tế cho thấy các doanh nghiệp tư nhân mới chính là khối đang ngày càng đóng vai trò chính trong ngành thép Việt Nam. 

Trong các năm gần đây, ngành sản xuất thép của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá tốt, đạt trung bình 15%/năm giai đoạn 2011-2015. Tổng sản lượng thép sản xuất bởi các doanh nghiệp trong nước năm 2015 là gần 15 triệu tấn.

Thế mạnh của ngành thép Việt Nam vẫn là các sản phẩm thép xây dựng (chiếm 48% tổng sản lượng toàn ngành, trong đó riêng thép thanh chiếm 40%); kế đến là sản phẩm tôn mạ (chiếm 22%); thép cán nguội (chiếm 20%) và ống thép (chiếm 10%). Các sản phẩm thép xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là ống thép không hàn, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu.

Mặc dù không ít doanh nghiệp Việt Nam đã có những nỗ lực lớn trong việc tìm hướng xuất khẩu thì ngành thép Việt Nam đến nay vẫn tiếp tục bị nhập siêu. Năm 2015, ngành thép Việt Nam nhập siêu hơn 7 tỉ đô la Mỹ và riêng trong sáu tháng đầu năm nay thì lượng thép nhập khẩu cũng đã tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt kim ngạch 3,42 tỉ đô la Mỹ.

Điều đáng lưu ý dẫn đến hiện tượng nhập siêu thép của Việt Nam không phải do năng lực sản xuất thép trong nước không đủ đáp ứng mà là do sức cạnh tranh của ngành thép nội địa còn yếu. Ngay tại thị trường trong nước, trong khi lượng thép sản xuất ra đang dư thừa thì các loại thép phục vụ xây dựng như thép thanh, thép cuộn, thép hình lại chịu áp lực cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Trong khi đó, các sản phẩm thép khác như thép cuộn cán nóng, thép hợp kim, thép chế tạo cơ khí, thép tấm lá... thì vẫn phải nhập khẩu do trong nước không đủ đáp ứng.

Ở chiều xuất khẩu, Việt Nam xuất đi chủ yếu là tôn mạ màu và ống thép trong khi sản phẩm thép mà Việt Nam đang dư thừa chủ yếu là thép xây dựng lại hầu như không thể xuất khẩu được (do chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu của đối tác). 

Doanh nghiệp tôn thép lãi lớn

Hai doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tôn thép tiêu biểu trên sàn chứng khoán hiện nay là thép Hòa Phát và tôn Hoa Sen đều có kết quả kinh doanh rất khả quan trong nửa đầu năm 2016.

Mặc dù không thể phủ nhận những nỗ lực cùng việc đầu tư bài bản vào công nghệ của hai doanh nghiệp trên nhưng cũng không thể không nhắc đến những điều kiện khách quan đã giúp ích không nhỏ cho tình hình kinh doanh của HPG và HSG trong hai quí vừa qua. Đầu tiên phải kể đến là xu hướng hồi phục của thị trường bất động sản khiến nhu cầu tiêu thụ thép tăng cao (sản lượng tiêu thụ toàn thị trường trong nửa đầu năm nay đạt hơn 8 triệu tấn, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước). Kế đến là các doanh nghiệp này đã tranh thủ nhập được quặng sắt giá rẻ từ đầu năm ước tính đủ dùng trong một vài quí. Và cuối cùng là quyết định áp thuế tự vệ đối với sản phẩm phôi thép và thép thanh của Bộ Công Thương hồi tháng 3 vừa qua đã hạn chế đáng kể sức cạnh tranh của thép nhập khẩu Trung Quốc tại thị trường Việt Nam.

Theo dự báo từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong sáu tháng cuối năm 2016, ngành thép sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng như nửa đầu năm với tổng giá trị sản lượng tăng 15% so với 2015, cao hơn khá nhiều so với mức trung bình ở các nước khu vực (đang ở mức 6-7%).

Với diễn biến trên, các doanh nghiệp sản xuất thép dự kiến sẽ vẫn duy trì được kết quả kinh doanh khả quan trong hai quí tới, đặc biệt là với các doanh nghiệp có quy mô lớn, xây dựng thành các khu liên hợp gang, thép với dây chuyền sản xuất khép kín, khai thác từ thượng nguồn nguyên liệu. 

Vì sao đầu tư vào thép hấp dẫn?

Kết quả kinh doanh vượt trội của Hòa Phát trong sáu tháng đầu năm nay và đặc biệt là việc tôn Hoa Sen mới đây công bố dự án thép tại Cà Ná - Ninh Thuận lại một lần nữa làm nóng dư luận về sức hấp dẫn đầu tư vào ngành thép. Tuy vậy, phải thừa nhận rằng để có sự đầu tư bài bản với công nghệ khép kín từ A tới Z đòi hỏi một thời gian dài và nguồn vốn đầu tư không phải là nhỏ.

Như đã phân tích ở trên, ngành thép Việt Nam hiện đang trong tình trạng chỗ thừa chỗ thiếu và chỉ cần cải thiện năng lực sản xuất, tự chủ được nguồn phôi, tránh sự phụ thuộc vào giá thế giới, hạ giá thành sản phẩm thì các doanh nghiệp đã có thể cạnh tranh với thép nhập khẩu Trung Quốc ngay trên thị trường nội địa, nhất là trong bối cảnh thuế tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài sẽ vẫn được duy trì trong một vài năm tới.

Một yếu tố khác cần nhắc tới chính là các chi phí đầu vào để sản xuất thép tại Việt Nam hiện nay vẫn đang được đánh giá là khá “rẻ”, chưa vận hành đúng theo giá thị trường, điển hình là giá điện.

Ước tính mỗi năm ngành thép tiêu thụ khoảng 6% tổng năng lượng tiêu thụ của ngành công nghiệp Việt Nam (suất tiêu hao điện bình quân gần gấp đôi so với Nhật Bản). Nguyên nhân là do công nghệ luyện phôi thép ở Việt Nam chủ yếu là lò điện, công suất thấp, lạc hậu nên suất tiêu hao năng lượng còn cao. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa có thị trường buôn bán điện cạnh tranh đúng nghĩa và giá điện phần nào đó vẫn đang được Nhà nước bao cấp. Chính điều này khiến việc bỏ vốn vào các ngành sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng nói chung và ngành thép nói riêng ở Việt Nam trở nên hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.

Đấy là còn chưa kể đến các ưu đãi khác về nguồn nước, giải phóng mặt bằng, nhân công hay sự giám sát các tiêu chuẩn về xả thải ra môi trường của các cơ quan chức năng còn nhiều lỗ hổng cũng là điểm cộng không nhỏ khi đầu tư vào lĩnh vực này. 

Linh Trang / ảnh: Minh Khuê 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...