Ashui.com

Sunday
Nov 03rd
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Thị trường thép thế giới: Tương lai không sáng sủa

Thị trường thép thế giới: Tương lai không sáng sủa

Viết email In

Lần đầu tiên trong lịch sử, biến động của một mặt hàng (thép) lại trở thành đề tài nổi bật tại một hội nghị thượng đỉnh, vốn chỉ thảo luận những vấn đề hết sức vĩ mô: hội nghị G-20 tại Hàng Châu, Trung Quốc vừa diễn ra cuối tuần trước. 

Hồ sơ Fact Sheet về hội nghị G-20 Hàng Châu của Chính phủ Mỹ cho rằng, tình trạng dư thừa công suất và sản lượng (overcapacity) của ngành sản xuất thép đã trở thành “một vấn đề toàn cầu”, đòi hỏi “một giải pháp toàn cầu”, chứ không còn là chuyện của một quốc gia và đó là lý do thép được đưa lên thành chủ đề thảo luận trong các cuộc gặp gỡ song phương và đa phương của các nhà lãnh đạo G-20 tại Trung Quốc hồi đầu tháng.  


Một nhà máy thép tại Đường Sơn, Hà Bắc, Trung Quốc đã đóng cửa và chuyển đi nơi khác vì thua lỗ.
(Ảnh: GettyImages) 

Trung Quốc: cường quốc thép

Thị trường thép thế giới từ đầu thế kỷ 21 đến nay chứng kiến những biến động mạnh do sự trỗi dậy của người khổng lồ Trung Quốc. Để đáp ứng nhu cầu lớn lao của một thị trường đông dân nhất thế giới đang phát triển chóng mặt về công nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng và đô thị hóa, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành những chính sách ưu đãi về giá điện, nước và nới lỏng các quy định về môi trường để doanh nghiệp sắt thép nước này tập trung đẩy mạnh sản lượng, dẫn tới tình trạng cung vượt cầu kéo dài nhiều năm nay. 

Ông Li Xinchuang, người đứng đầu ngành sắt thép Trung Quốc, nói với báo The Australian (Úc), sản lượng thép của Trung Quốc đạt tới đỉnh điểm vào năm 2014, sau đó giảm dần. Các số liệu chi tiết của Hiệp hội Thép thế giới cho thấy, sản lượng thép năm 2013 của Trung Quốc là 779 triệu tấn, năm 2014 là 823 triệu tấn và năm 2015 là 804 triệu tấn. Tuy có giảm chút ít so với năm trước nhưng sản lượng thép của Trung Quốc năm 2015 vẫn nhiều gấp 5 lần sản lượng của toàn châu Âu, hơn 7 lần Nhật Bản và chiếm hơn một nửa tổng sản lượng thép toàn thế giới. 

Chuyên gia Vũ Quang Việt, trong một bài đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn mới đây [đọc] cũng đưa ra những con số so sánh đáng chú ý: trong thời gian 2000-2014, sản lượng thép thế giới tăng 96%, trong khi riêng Trung Quốc tăng tới 640% và thị phần của Trung Quốc trên thị trường thép toàn cầu đã tăng từ 16% lên hơn 50%. Thành phố Đường Sơn (Tangshan) thuộc tỉnh Hà Bắc (Hebei) của Trung Quốc đã trở thành điểm nhấn trong “vành đai thép” (steel belt) của Trung Quốc - lượng thép làm ra ở thành phố này còn nhiều hơn sản lượng của cả châu Âu gộp lại. 

Tất nhiên phần lớn sản lượng thép của Trung Quốc dành cho nhu cầu nội địa, nhất là trong giai đoạn Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ, khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng để duy trì tốc độ tăng trưởng GDP và hạn chế tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008. Tuy nhiên, theo ông Li Xinchuang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu và Kế hoạch hóa công nghiệp luyện kim thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế chậm lại trong vài năm gần đây đã làm cho nhu cầu tiêu thụ thép của nước này giảm dần.

Trước đây, phần lớn thép của Trung Quốc - khoảng 55% tổng sản lượng - được cung cấp cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng và khu đô thị - những công trình nở rộ như nấm sau mưa nhờ nguồn vốn đầu tư dồi dào của nhà nước và xã hội; phần còn lại dành cho các ngành tiêu thụ nhiều sắt thép như đóng tàu, lắp ráp xe hơi. Nhưng hiện nay, theo ông Li, các ngành này đang gặp khó do nhu cầu suy giảm ở cả Trung Quốc lẫn trên toàn thế giới.

Cùng với sản xuất, nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc đạt mức đỉnh 700 triệu tấn vào năm 2014, năm 2015 giảm 5,5% và nửa đầu năm nay giảm thêm 3,6%. Trong khi đó, nhu cầu thép của thị trường thế giới cũng được dự báo sẽ giảm 0,5% mỗi năm trong hai năm 2015-2016.

Sản lượng tăng nhưng tiêu thụ giảm đã buộc Trung Quốc phải bằng mọi cách đẩy mạnh xuất khẩu sắt thép ra nước ngoài. Năm 2014, Trung Quốc xuất khẩu 82 triệu tấn thép, tăng lên 112 triệu tấn vào năm ngoái 2015, còn trong tám tháng đầu năm nay đã xuất khẩu được 76,35 triệu tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ. Tính bình quân, Trung Quốc xuất khẩu ra thị trường thế giới 15% tổng sản lượng sắt thép hàng năm và nếu tình hình đầu tư ở Trung Quốc không được cải thiện thì nước này có thể dư thừa tới 300 triệu tấn thép mỗi năm, theo dự báo của Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA). 

Ứng phó như thế nào?

Làn sóng xuất khẩu thép của Trung Quốc đã kéo giá thép giảm mạnh trên toàn cầu. Theo ghi nhận của trang web chuyên theo dõi giá hàng hóa indexmundi.com, giá thép cuộn bình quân đã giảm từ 776 đô la Mỹ/tấn năm 2011 xuống còn 300 đô la Mỹ/tấn hiện nay. Và đà giảm giá này đã gây ra những hệ lụy đáng kể về kinh tế - xã hội ở nhiều nước.

Không cạnh tranh nổi với thép giá rẻ của Trung Quốc, tháng 3 năm nay, tập đoàn thép đa quốc gia của Ấn Độ Tata Steel phải dừng hoạt động tất cả các nhà máy thép tại Anh Quốc, kể cả tổ hợp thép khổng lồ Port Talbot, khiến 5.000 công nhân bị mất việc. Các nhà sản xuất thép châu Âu, mà đại diện là các tập đoàn lớn như ThyssenKrupp (Đức), ArcelorMittal (Luxembourg) liên tục kêu gọi Ủy ban châu Âu có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn làn sóng thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc, bảo vệ ngành sản xuất thép nội khối.

Tại hội nghị thượng đỉnh G-20 Hàng Châu, Trung Quốc; Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker kêu gọi G-20 “khẩn cấp tìm ra giải pháp cho các vấn đề mà ngành công nghiệp thép đang đối mặt” và yêu cầu Trung Quốc giải quyết tình trạng sản xuất thừa trong ngành thép. Theo ông Juncker, thép Trung Quốc nhập khẩu vào châu Âu trong quí 1-2016 đã tăng 28% nhưng giá giảm tới 31% so với cùng kỳ năm ngoái và ngành thép châu Âu đã mất hơn 10.000 việc làm trong vài năm qua.

Cho đến nay, các nước lớn có hai biện pháp ngăn chặn làn sóng nhập khẩu thép giá rẻ từ Trung Quốc, bảo vệ công nghiệp thép trong nước: hoặc áp thuế chống bán phá giá hoặc hợp tác với Bắc Kinh để giải quyết căn nguyên của tình trạng cung vượt cầu. Mỹ và Úc chọn giải pháp thứ nhất, trong khi châu Âu chọn giải pháp thứ hai. Mỹ đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp lên tới 266% cho một số sản phẩm thép Trung Quốc nhập khẩu; Úc - nhà cung cấp chính quặng sắt (để luyện thép) cho Trung Quốc cũng quyết định áp thuế chống bán phá giá 53% lên thép Trung Quốc từ tháng 4/2016 bất chấp việc Bắc Kinh đe dọa trả đũa bằng cách cắt giảm việc nhập khẩu quặng sắt từ Úc.

Châu Âu - một mặt vận động các tập đoàn thép lớn sáp nhập vào nhau và canh tân công nghệ để làm ra những loại thép cao cấp mà Trung Quốc không sản xuất được, một mặt cùng với Trung Quốc lập ra một cơ quan hỗn hợp để theo dõi số liệu thương mại song phương về thép và giám sát việc Trung Quốc thực hiện các biện pháp cắt giảm sản lượng thép. Hãng Reuters nhận định, châu Âu muốn kéo Bắc Kinh vào một cuộc đối thoại xây dựng thay vì công khai phê phán Trung Quốc về mặt hàng thép. 

Về phần mình, Trung Quốc đến lúc này đã có những cố gắng làm giảm sản lượng thép. Dưới sức ép của các đối tác thương mại, Bắc Kinh đặt kế hoạch giảm sản lượng 45 triệu tấn trong năm nay và từ nay đến năm 2020 sẽ giảm 150 triệu tấn, song song với việc giảm xuất khẩu thép. Ngân hàng Commonwealth Bank trong bản tin tài chính ngày 12-9-2016 dẫn nguồn tin các nhà phân tích cho biết trong tháng 8-2016 vừa qua, xuất khẩu ròng (xuất khẩu trừ đi nhập khẩu) thép của Trung Quốc giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm 13,8% so với tháng 7 và đạt mức 7,2 triệu tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 2-2016. Trong khi đó, số liệu của Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc ghi nhận xuất khẩu thép tháng 8 đạt 9,01 triệu tấn, bằng 87% so với mức 10,3 triệu tấn hồi tháng 7-2016. Nguyên nhân suy giảm có thể do tác động của các biện pháp bảo hộ thị trường của các nước nhập khẩu Mỹ, Ấn Độ và châu Âu.

Tuy nhiên, theo một khảo sát của Reuters mới đây được trang agmetalminer.com dẫn lại, việc cắt giảm sản lượng thép của Trung Quốc hầu như không có ý nghĩa. Sản lượng dư thừa của Trung Quốc vào khoảng 300 triệu tấn thép/năm và với mức cắt giảm 45 triệu tấn thì phải nhiều năm nữa biện pháp này mới có tác dụng đáng kể. Reuters cũng cho rằng, khó mà đòi hỏi Trung Quốc cắt giảm sản lượng nhiều hơn vì nếu đóng cửa các nhà máy thép đang thua lỗ thì sẽ khiến hàng triệu công nhân bị mất việc, có khả năng dẫn tới bất ổn xã hội. Hãng tin Tân Hoa Xã mới đây cũng cho biết, dự báo sẽ có khoảng 3 triệu công nhân bị mất việc khi các ngành thép, than đá, xi măng, nhôm và kính cắt giảm 30% sản lượng trong vòng hai, ba năm tới và Chính phủ Trung Quốc đã dành ra mỗi năm 100 tỉ nhân dân tệ để hỗ trợ cho các công nhân này. 

Trung Quốc xuất khẩu nhà máy thép

Một giải pháp mà Trung Quốc đang theo đuổi là tìm cách xuất khẩu “nhà máy thép” thay cho xuất khẩu thép thành phẩm. Trong những năm gần đây, nhiều nhà máy thép ở tỉnh Hà Bắc - cách Bắc Kinh khoảng 200 ki lô mét - phải đóng cửa một phần do các yếu tố thị trường (cung vượt quá cầu, giá giảm, không cạnh tranh được), một phần do Chính phủ Trung Quốc muốn “làm sạch” bầu không khí của thủ đô Bắc Kinh. Các nhà máy này, thay vì bỏ hoang, đã được Chính phủ Trung Quốc khuyến khích và hỗ trợ để tháo dỡ và “đầu tư” ra nước ngoài. 

Thêm vào đó, việc chuyển các nhà máy thép ra nước ngoài - chủ yếu là các nước Đông Nam Á có quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc và có hệ thống luật pháp về môi trường lỏng lẻo - được coi là “một mũi tên trúng nhiều đích”: Trung Quốc vừa loại bỏ được các nhà máy cũ kỹ, công nghệ lạc hậu, giảm được sản lượng thép dư thừa theo đòi hỏi của các nước lớn, vừa giảm được ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí vừa né tránh được các rào cản thuế quan, các biện pháp bảo hộ thị trường của các nước nhập khẩu vì thép sản xuất ở Đông Nam Á sẽ có “xuất xứ” khác với thép Trung Quốc nên không bị áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp khi vào các thị trường Mỹ, châu Âu. Các quốc gia Đông Nam Á có hiệp định thương mại tự do với Mỹ và châu Âu - đặc biệt là các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - như Malaysia và Việt Nam, do vậy, trở thành điểm đến lý tưởng của các nhà sản xuất thép Trung Quốc. 

Hội nghị G-20 Hàng Châu diễn ra dưới bầu trời trong xanh - một điều hiếm thấy tại Trung Quốc. Một cuộc khảo sát của Công ty Tư vấn Mysteel xác nhận một nửa trong số 32 nhà máy thép gần thành phố này đã đóng cửa từ tháng 7 - hai tháng trước hội nghị - để làm sạch bầu không khí của Hàng Châu. Hội nghị G-20 tán thành biện pháp của Trung Quốc đóng cửa nhà máy thép và yêu cầu có báo cáo kết quả vào hội nghị năm sau, sẽ diễn ra ở Đức. Xu thế xuất khẩu nhà máy thép của Trung Quốc có khả năng sẽ mạnh lên để nước này có một báo cáo đẹp tại hội nghị G-20 năm tới. 

Huỳnh Hoa 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo