Tuy ngành gỗ vẫn liên tục tăng trưởng mạnh trong nhiều năm qua nhưng mục tiêu hiện nay còn được các doanh nghiệp trong ngành đặt ra cao hơn, đó là phát triển ngành gỗ theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, tăng kim ngạch xuất khẩu bằng cách gia tăng giá trị sản phẩm chứ không chỉ chạy theo số lượng...
(Ảnh: Quốc Hùng)
Doanh nghiệp trong nước tăng sức cạnh tranh
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (Hawa), ngành chế biến gỗ Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng cao trong suốt nhiều năm qua. Từ kim ngạch 220 triệu đô la Mỹ năm 2000, sau 17 năm, đã lên mức 8 tỉ đô la Mỹ, nằm trong tốp 7 ngành đứng đầu cả nước về giá trị xuất khẩu. Riêng trong sáu tháng đầu năm 2018, theo số liệu của Bộ Công Thương, doanh thu xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đã đạt 4,13 tỉ đô la, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó chủ tịch Hawa, cho biết các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành này đang dần chiếm ưu thế so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong những năm đầu phát triển, khối doanh nghiệp có vốn nước ngoài luôn chiếm tỷ lệ hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước. Nhưng trong ba năm gần đây, khối doanh nghiệp trong nước đã vượt lên chiếm 53% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Công ty TNHH Scansia Pacific, khi kinh tế trong nước bắt đầu hội nhập, ngành gỗ Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ với kỹ thuật, máy móc, tay nghề, quy trình quản lý đều thay đổi, hiện đại và bắt kịp nhịp phát triển của thế giới. “Ngành gỗ Việt Nam hiện không thua kém ngành gỗ bất cứ một nước nào khác”, ông Thắng nói. Nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều tăng nhập khẩu mặt hàng này của Việt Nam.
“Thị trường quốc tế đang ngày càng đón nhận những công trình nội thất cao cấp của doanh nghiệp Việt Nam bởi sản phẩm không chỉ đẹp và chất lượng mà còn tinh tế và giá cả hợp lý”. |
Không còn chỉ gia công, các doanh nghiệp gỗ hiện nay đã trực tiếp cung ứng cho những hãng kinh doanh đồ gỗ hàng đầu thế giới. Theo ông Thắng, các sản phẩm gỗ của Việt Nam đã xuất hiện từ trong căn hộ gia đình cho đến các công trình lớn như khách sạn Park Hyatt st Kitts and Nevis (đảo Caribbean), khách sạn 6 sao Rosewood Phnom Penh (Campuchia)... Một số tập đoàn điều hành khách sạn và nghỉ dưỡng hạng sang khác cũng muốn chọn doanh nghiệp Việt Nam thiết kế và thi công các công trình cho họ. “Thị trường quốc tế đang ngày càng đón nhận những công trình nội thất cao cấp của doanh nghiệp Việt Nam bởi sản phẩm không chỉ đẹp và chất lượng mà còn tinh tế và giá cả hợp lý”, ông Thắng nhận xét.
Theo Hawa, ngành gỗ hiện đã tạo được chuỗi sản xuất dài và khép kín, từ trồng rừng, khai thác, chế biến, thương mại, xây dựng, trang trí nội ngoại thất... Trong đó, chế biến gỗ là trung tâm, kéo theo sự lan tỏa phát triển của nhiều ngành khác như vận chuyển, vải vóc, thuộc da, kim loại, bao bì, ốc vít, cơ khí, tiếp thị, du lịch...
Tạo nguồn nguyên liệu hợp pháp
Trên thực tế, đến bây giờ, không ít người vẫn còn quan niệm đồ gỗ trong nhà như tài sản, sử dụng cả đời, nên thường dùng gỗ quý như giáng hương, cẩm lai, lim, trắc... Vì vậy, không ít ý kiến cho rằng ngành chế biến gỗ là ngành góp phần vào việc phá rừng; giá trị xuất khẩu ngành này tăng sẽ càng kích thích tình trạng phá rừng, tác động xấu đến môi trường thiên nhiên.
Nhưng theo ông Nguyễn Quốc Khanh, ngành chế biến gỗ xuất khẩu hoàn toàn đứng ngoài câu chuyện này. Hàng chục năm nay, trước khi Chính phủ có quyết định đóng cửa rừng (cuối năm 2014), nguyên liệu sản xuất được khai thác từ nguồn rừng trồng và nhập khẩu. Cụ thể, ngành gỗ hưởng lợi từ chương trình 327-CT năm 1992 phủ xanh đồi trọc, trong đó có việc trồng cây keo (tràm bông vàng) là loại gỗ mà doanh nghiệp ngành chế biến gỗ xuất khẩu sử dụng rất nhiều. Cùng với đó là sử dụng cây cao su sau khi đã được khai thác mủ. Đây đều là nguồn nguyên liệu hợp pháp.
Mặt khác, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, sản phẩm gỗ xuất khẩu phần lớn được tiêu thụ tại các nước phát triển, nơi có quy định nghiêm ngặt việc truy xuất nguồn gốc hợp pháp đồ gỗ nhập khẩu. Về phía người tiêu dùng các nước này, họ ý thức cao về việc sử dụng đồ gỗ có nguồn gốc rõ ràng để bảo vệ môi trường. Vì vậy, không có chuyện doanh nghiệp dùng gỗ rừng tự nhiên, khai thác trái phép để sản xuất.
Tính đến cuối năm 2017, cả nước có hơn 730 doanh nghiệp đã có chứng nhận chuỗi hành trình (CoC/FSC), đứng đầu khu vực Đông Nam Á, trong đó có 49 doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quản trị rừng bền vững (FSC/FM) với tổng diện tích 226.500 héc ta. Theo Hawa, nhu cầu nguyên liệu của ngành chế biến gỗ đã kích thích việc trồng rừng để đáp ứng nguồn gỗ hợp pháp cho sản xuất. Từ chương trình trồng rừng, tỷ lệ che phủ rừng từ 39,7% năm 2011 đã tăng lên 41,45% năm 2017. Con số này tương ứng với tỷ lệ sử dụng gỗ trồng trong nước, tính theo khối lượng, từ 36% năm 2005 tăng lên 52% năm 2017 và kỳ vọng đạt 55% vào năm 2020. Tỷ lệ nhập khẩu gỗ nguyên liệu vì thế đã giảm đi tương ứng, lần lượt từ 64% xuống 48% và 45%.
Nhờ có nguồn nguyên liệu trong nước, doanh nghiệp trong ngành có lợi thế hơn hẳn vì có được nguồn nguyên liệu rẻ hơn so với nhập khẩu. Lợi thế nguyên liệu bản địa đang được các doanh nghiệp ngành gỗ khai thác và phát huy bằng mô hình liên kết với người trồng rừng. Mô hình này đang được nhân rộng ở nhiều địa phương để đảm bảo từ nay đến 20 năm nữa vẫn đủ nguyên liệu hợp pháp cung cấp cho ngành.
Xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị sản phẩm
Gỗ trong nước chủ yếu khai thác từ cây tràm bông vàng, cây cao su. Do đó, theo giới phân tích, ngành gỗ cần xây dựng thương hiệu đồ gỗ làm từ cây tràm và cao su là loại gỗ rừng trồng để tạo sức cạnh tranh, đồng thời tạo được nguồn tiêu thụ nguyên liệu ổn định cho người trồng.
Cũng theo giới phân tích, cần xây dựng thương hiệu quốc gia cho đồ gỗ Việt Nam để dễ tiếp cận thị trường quốc tế. Khi có thương hiệu, giá trị của đồ gỗ Việt Nam sẽ gia tăng hơn nữa. Theo ông Khanh, Việt Nam hoàn toàn có khả năng xây dựng được thương hiệu cho ngành gỗ vì có nguồn nguyên liệu rừng trồng, có gần 500.000 lao động trong nhà máy. Ngành gỗ đang có mức tăng trưởng hai con số mỗi năm... Ngoài ra, ông Khanh cho rằng một trong những nội lực quý báu là tay nghề của người thợ Việt Nam được đánh giá cao.
Tuy ngành gỗ liên tục tăng trưởng trong nhiều năm qua, nhưng theo các doanh nghiệp, tỷ lệ hàng sản xuất theo dạng OEM (sản xuất theo đúng đơn hàng của khách) còn chiếm đến 80%, điều đó có nghĩa, hiệu suất kinh tế còn thấp. Ngành chế biến gỗ trong nước cần gia tăng mô hình sản xuất ODM (khách hàng chỉ phác thảo ý tưởng, phần còn lại do nhà sản xuất chịu trách nhiệm); doanh nghiệp cần đẩy mạnh kinh doanh sản phẩm có thiết kế, xây dựng hệ thống phân phối, thương hiệu riêng... để gia tăng giá trị.
Vấn đề quan trọng là những nỗ lực của doanh nghiệp để gia tăng giá trị sản phẩm chứ không chỉ là phấn đấu đưa kim ngạch xuất khẩu cao hơn con số 8 tỉ đô la của năm ngoái. “Mục tiêu doanh số 20 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu vào năm 2025 là khá dễ dàng, bởi tiềm năng và cơ hội cho chúng ta còn rất lớn”, ông Thắng nói.
Quốc Hùng
(TBKTSG)
- Thép Thái Lan lo sốt vó vì thép giá rẻ của Trung Quốc
- Xuất khẩu đồ gỗ có thể đạt 9 tỉ đô la
- Nhà máy sen vòi INAX tại Quảng Nam kỷ niệm 10 năm thành lập
- Vietceramics khai trương flagship showroom thiết kế và trưng bày tại Hà Nội
- Xây dựng thương hiệu cho gạch ốp lát Việt
- Nên giãn tiến độ đầu tư nhà máy xi măng mới
- Khai trương Showroom công ty Lixil Việt Nam tại Hà Nội
- Thị trường M&E: Ông lớn thống trị
- Ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD, tiêu thụ nội địa 4 tỷ USD
- Ngành thép có nhiều cửa sáng trong năm 2018