Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Thép Thái Lan lo sốt vó vì thép giá rẻ của Trung Quốc

Thép Thái Lan lo sốt vó vì thép giá rẻ của Trung Quốc

Viết email In

Ngành công nghiệp thép Thái Lan cảnh báo hàng ngàn công nhân có thể bị sa thải nếu chính phủ Thái Lan không nhanh chóng đưa ra bất kỳ biện pháp nào để ngăn chặn thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc đang tràn ngập thị trường trong nước và được dự báo tăng lên mức kỷ lục trong năm nay.

Ngành thép gửi thư kêu cứu lên thủ tướng

Tờ Nikkei Asian Review cho biết tháng trước, Hiệp hội thép tấm cán nóng Thái Lan và sáu tổ chức khác đại diện cho các nhà sản xuất quặng sắt và 472 nhà sản xuất thép bao gồm các công ty đang niêm yết trên thị trường chứng khoán như Sahaviriya Steel Industries và G Steel, đã cùng đứng tên chung trong một bức thư kêu cứu gửi cho Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.

Trong thư, họ yêu cầu chính phủ triển khai các biện pháp như áp thuế nhập khẩu cao hơn để ngăn chặn Trung Quốc bán phá giá thép sang Thái Lan trong bối cảnh thép Trung Quốc bị đánh thuế cao ở Mỹ và buộc phải chuyển hướng sang thị trường Đông Nam Á do cuộc chiến thương mại giữa Bắc Kinh và Washington kéo dài.


Tata Steel (Ấn Độ) quyết định bán 70% lượng cổ phần đang nắm giữ ở Tata Steel Thailand và ở NatSteel Holdings (Singapore) cho Tập đoàn sắt thép Hà Bắc (Trung Quốc) vì triển vọng lợi nhuận kém.
(Ảnh: Businessworld.in)

Nava Chantanasurakon, Phó chủ tịch công ty thép Sahaviriya Steel, người đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Tấm thép cán nóng Thái Lan, cho biết công ty thép Sahaviriya Steel sẽ phải sa thải công nhân nếu ngành thép trong nước buộc phải cắt giảm sản lượng do không cạnh tranh nổi với thép giả rẻ Trung Quốc.

Trong thư gửi cho Thủ tướng Prayuth Chan-ocha, ông viết: “Các công ty thép khác, đặc biệt là các công ty nhỏ, cũng đang suy tính kế hoạch sa thải công nhân để cắt giảm chi phí nếu chúng ta không có bất cứ biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn thép nhập khẩu từ Trung Quốc”.

Các chuyên gia khác thậm chí còn tỏ ra bi quan hơn. Một nhà phân tích ở Viện Sắt thép Thái Lan (FTI) nói với Nikkei Asian Review: “Hàng ngàn công nhân trong ngành thép có thể bị ảnh hưởng nếu tình hình trở nên xấu hơn”.

Ngành công nghiệp Thái Lan đang sử dụng khoảng 30.000 công nhân. Các nhà sản xuất thép Thái Lan cho biết trong những năm qua, họ đã đầu tư lên đến 200 tỉ baht (6,4 tỉ đô la) để mở rộng sản xuất. Song thép giá rẻ Trung Quốc buộc họ phải cắt giảm sản lượng. Theo FTI, ngành thép Thái Lan hiện chỉ hoạt động 30% tổng công suất.

Nguồn cung thép dồi dào từ Trung Quốc cũng gây áp lực cho khả năng kiếm lợi nhuận của ngành thép Thái Lan.

Sirorote Matemanosak, Phó chủ tịch công ty thép Tata Steel Thailand, nói: “Nguồn cung thép dư thừa đang ép chặt mức biên lợi nhuận của chúng tôi”.

Hôm 28/1, Tata Steel (Ấn Độ), công ty mẹ của Tata Steel Thailand, đã ký thỏa thuận bán 70% lượng cổ phần đang nắm giữ ở Tata Steel Thailand và ở NatSteel Holdings (Singapore) cho Tập đoàn sắt thép Hà Bắc (Trung Quốc) với giá 327 triệu đô la. Nếu tính cả các khoản nợ, giá trị của thương vụ này lên đến 480 triệu đô la.

Tập đoàn sắt thép Hà Bắc là một trong những công ty thép nhà nước lớn nhất thế giới với doanh thu hàng năm lên đến 40 tỉ đô la.

Ông Sirorote Matemanosak cho biết quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh lợi nhuận đầu tư ở Thái Lan được dự báo sẽ xấu đi. Ông nói: “Chúng tôi quyết định thanh lý cổ phần ở Tata Steel Thailand để tập trung vào thị trường Ấn Độ, nơi nhu cầu thép đang tăng lên cùng với đà tăng trưởng của nền kinh tế”.

Trung Quốc khuyến khích xuất khẩu thép

Bức thư gửi cho Thủ tướng Prayuth Chan-ocha không phải là nỗ lực đầu tiên của các công ty thép địa phương nhằm ngăn dòng chảy các sản phẩm thép giá rẻ Trung Quốc vào thị trường Thái Lan.

Từ lâu, ngành công nghiệp thép Thái Lan rơi vào tình cảnh cảnh khó khăn do thép nhập khẩu từ Trung Quốc do các chính sách trợ cấp của Bắc Kinh khuyến khích các nhà xuất khẩu thép trong nước gia tăng sản lượng.

Tháng 10 năm ngoái, FTI kêu gọi chính phủ Thái Lan nhanh chóng đưa ra các biện pháp bảo vệ các nhà sản xuất thép trong nước sau khi chứng kiến tình trạng bán phá giá thép của Trung Quốc trở thành vấn đề nghiêm trọng.

Trước đó một tháng, Trung Quốc thực hiện chính sách hoàn thuế mới cho 397 mặt hàng xuất khẩu bao gồm 85 sản phẩm thép như thép tấm cán nguội, ống thép, thép mạ màu... Theo đó, các sản phẩm thép này sẽ được tăng mức hoàn thuế từ 0% lên 9% hoặc từ 9% lên 13% tùy theo mức hoàn thuế đang được áp dụng với chúng.

Wikrom Vajragupta, Chủ tịch FTI, nói: “Chính sách hoàn thuế này dẫn đến các điều kiện xuất khẩu không công bằng và khuyến khích các nhà sản xuất thép Trung Quốc gia tăng khối lượng xuất khẩu sang các nước khác để được hoàn thuế. Nhiều sản phẩm thép được hoàn thuế của Trung Quốc bị bán phá giá ở Thái Lan và các nhà sản xuất trong nước lo ngại vấn đề này đang hủy diệt chuỗi cung ứng thép của Thái Lan”.

Dù chính phủ Thái Lan đã tiến hành nhiều biện pháp chống bán phá giá, các nhà sản xuất thép Trung Quốc vẫn có thể luồn lách bằng cách phủ các chất khác lên các sản phẩm thép của họ, cho phép họ bán thép sang Thái Lan với giá rẻ hơn.

Theo tờ Nikkei Asian Review, các nhà sản xuất thép Trung Quốc cũng bán phá giá thép sang Việt Nam và Indonesia nhưng hai nước này có thể hấp thụ các nguồn cung do ngành công nghiệp thép của họ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.

Các công thép nhỏ của Thái Lan giờ đây đối mặt với tương lai ảm đạm. “Một số công ty thép nhỏ của Thái Lan đang đàm phán sáp nhập để tồn tại, trong khi đó, một số công ty thép khác không thích nghi được có thể sẽ phải đóng cửa”, một nhà phân tích ở FTI, nhận định.

Chánh Tài

(TBKTSG)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...