Ashui.com

Monday
Jan 06th
Home Vật liệu / Thiết bị Thị trường Thép Trung Quốc đang tràn ngập châu Á

Thép Trung Quốc đang tràn ngập châu Á

Viết email In

Nguồn cung thép giá rẻ Trung Quốc đang tràn ngập ở châu Á sau khi Mỹ áp thuế thép 25% kể từ hồi đầu năm ngoái để "rào chắn" thị trường thép của Mỹ với phần còn lại của thế giới.

Sản lượng thép thô toàn cầu trong 6 tháng đầu năm nay tăng 4,9% lên mức cao kỷ lục 925,06 triệu tấn, theo dữ liệu của Hiệp hội Thép thế giới (WSA) công bố hôm 26/7.

Các nỗ lực tăng chi tiêu phát triển hạ tầng ở Trung Quốc để củng cố nền kinh tế đã thúc đẩy sản lượng thép thô của nước này trong cùng thời gian cũng lên mức 492,16 triệu tấn, tăng 9,9%, cao hơn nhiều so với mức tăng trung bình của toàn cầu.


Các ống thép chờ chuyển lên tàu vận tải biển để xuất khẩu ở cảng Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.
(Ảnh: Getty)

Sản lượng thép Trung Quốc tăng vọt, đánh dấu sự đảo chiều cuộc vận động của Bắc Kinh nhằm giảm công suất thừa mứa trong nước.

Sản lượng thép thô toàn cầu đạt 1,8 tỉ tấn trong năm 2018. Trung Quốc, với công suất lên đến 1,3 tỉ tấn/năm vào thời kỳ đỉnh cao, đã cắt giảm công suất thép 120 triệu tấn trong giai đoạn 2016-2017. Nước này tiếp tục cắt giảm công suất thép thêm 30 triệu tấn vào năm ngoái.

Song giờ đây, các khoản đầu tư mới cho các dự án thép ở Trung Quốc bắt đầu chuyển động giữa lúc nước này đóng cửa các nhà máy lạc hậu. Hồi năm ngoái, công ty sắt thép Baoshan, đơn vị thành viên của tập đoàn thép China Baowu, nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới đã đưa vào vận hành lò cao thứ ba tại một nhà máy hiện đại ở tỉnh Quảng Đông. Lò cao mới có công suất hơn 10 triệu tấn/năm, theo Baoshan.

Tuy nhiên, cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ đang làm suy giảm nhu cầu thép của các hãng xe và các công ty sản xuất công nghiệp khác, khiến các công ty thép Trung Quốc phải đẩy mạnh tìm kiếm các khách hàng nước ngoài.

Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thép cán tấm của Trung Quốc tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại các thị trường Đông Á, giá thép tấm cán nóng sử dụng để sản xuất ô tô và các máy móc công nghiệp giảm về mức 550 đô la/tấn so với mức 640 đô la/tấn hồi tháng 10 năm ngoái.

Khó khăn của thị trường đã khiến công ty thép lớn nhất Indonesia, Krakatau Steel, quyết định sa thải 30% nhân sự. Hồi đầu tháng 7, hàng ngàn công nhân đã biểu tình trước một nhà máy thép của Krakatau Steel ở TP. Cilegon, tỉnh Banten, Indonesia để phản đối kế hoạch sa thải này. Krakatau Steel cũng đang bán các tài sản không cốt lõi để cải thiện tình hình tài chính.

Ngành thép Indonesia gặp khó khăn dù nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang chứng kiến cơn bùng nổ đầu tư xây dựng hạ tầng trong vài năm qua. Các hiệp hội kinh doanh ở Indonesia cho rằng thép nhập khẩu đang gây sức ép cho ngành thép trong nước. Họ hối thúc chính phủ tăng thuế với thép Trung Quốc để hạn chế thép nhập khẩu giá rẻ.

“Đối với chúng tôi, điều quan trọng nhất là bảo vệ ngành công nghiệp thép trong nước bằng cách áp thuế cao hơn với thép nhập khẩu”, Didi Aulia, Giám đốc bộ phận doanh nghiệp xây dựng ở Phòng Thương mại Indonesia, nói.

Hiệp hội Sắt thép Indonesia (IISA) cho rằng phần lớn thép nhập khẩu đến từ Trung Quốc khi chính phủ nước này đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thuế cho các công ty thép trong nước, giúp họ gia tăng tính cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài.


Diễn biến lượng và giá thép nhập khẩu vào Việt Nam đến tháng 5/2019.
(Đồ thị: Hiệp hội Thép Việt Nam)

Teguh Sarwono, Giám đốc thương mại của Krakatau Wajatama, đơn vị thành viên của Công ty thép Krakatau Steel, cho biết ngành thép Indonesia sản xuất 17 triệu tấn/năm nhưng chỉ khoảng 57% sản lượng này được tiêu thụ ở thị trường trong nước. Ông nói nhu cầu thép của Indonesia khoảng 20,3 triệu tấn/năm song thép nước ngoài đã “thâu tóm” đến 50% nhu cầu thép trong nước.

Ông phàn nàn về việc các nhà thầu chọn thép nhập khẩu chất lượng thấp vì ưu tiên giá rẻ. Ông cảnh báo việc sử dụng thép chất lượng thấp để xây dựng các tòa nhà và các hạ tầng khác sẽ khiến chúng dễ bị tổn thương trước các vụ động đất xảy ra thường xuyên ở nước này.

Indonesia đã đánh thuế chống bán phá giá đối với một số loại thép từ Trung Quốc và các nước khác nhưng IISA cáo buộc các nhà sản xuất nước ngoài đã sửa lại các thông số của sản phẩm thép để tránh bị đánh thuế.

Hồi đầu năm nay, Hiệp hội Thép tấm cán nóng Thái Lan và 6 tổ chức khác đang đại diện cho các công ty sản xuất quặng sắt và thép ở Thái Lan cũng gửi thư cầu cứu lên Thủ tướng Prayuth Chan-ocha. Trong thư, họ cảnh báo hàng ngàn công nhân có thể bị sa thải nếu chính phủ không hành động để ngăn chặn thép nhập giá rẻ của Trung Quốc đang ồ ạt vào Thái Lan và dự kiến sẽ đạt mức kỷ lục trong năm nay.

Họ đề nghị chính phủ áp dụng các biện pháp chẳng hạn tăng thuế để ngăn chặn Trung Quốc “xả” thép giá rẻ vào thị trường nước này sau khi các sản phẩm thép của Trung Quốc chuyển hướng sang Đông Nam Á do bị chặn đường vào thị trường Mỹ.

Xuất khẩu thép carbon Trung Quốc sang Nhật Bản cũng tăng vọt 73% trong 5 tháng đầu năm 2019. Nhật Bản tăng mua thép nước ngoài sau khi hàng loạt vấn đề xảy ra ở các nhà máy thép trong nước.

Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) ước tính công suất thép toàn cầu vào khoảng 2,23 tỉ tấn trong năm 2018 và dự báo tăng thêm 5% trong giai đoạn 2019-2021, chủ yếu do công suất thép tăng lên ở các nước châu Á bao gồm Trung Quốc và Ấn Độ.

“Các sản phẩm thép rõ ràng đang dư thừa trên toàn cầu”, Atsushi Yamaguchi, nhà phân tích ở công ty chứng khoán SMBC Nikko Securities, cho biết.

Chánh Tài

(TBKTSG /Theo Nikkei Asian Review, Reuters)


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận

3000 ký tự


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo

Loading...