Vào tháng 6/2010, Công ty Sông Đà Thăng Long đầu tư 20 triệu USD để lắp đặt hệ thống thang máy hiệu Mitsubishi (gồm 54 thang máy, 24 thang cuốn) cho tổ hợp trung tâm thương mại - chung cư cao cấp Usilk City tại Hà Nội. Ba tháng sau, công ty này chi thêm 7 triệu USD cho hệ thống vỏ bọc titan cả phía trong và ngoài hệ thống. Thông tin này được nhiều tờ báo đưa tin đồng loạt và tên dự án cũng được các nhà đầu tư, người dân biết đến nhiều hơn. Đây là lần đầu tiên một dự án bất động sản coi trọng việc đầu tư hệ thống thang máy.
Ngoại đủng đỉnh
Khoảng 15 năm trước, thị trường thang máy Việt Nam đã bắt đầu hình thành và đến nay có hơn 100 công ty tham gia sản xuất, lắp ráp (trong nước lẫn liên doanh). Có một số nhãn hiệu nội nổi bật như Tự Động, Thiên Nam, Thái Bình, Á Châu, Toàn Tâm, Hanoel. Chiếm phần nhiều là các nhãn hiệu nước ngoài như Mitsubishi, Hitachi, Nippon (Nhật); Sanei (Trung Quốc); Hyundai, Thyssen Dongyang (Hàn Quốc); Schindler (Thụy Sĩ); Otis (Mỹ).
Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, hơn 70% loại thang máy nhập khẩu tại Việt Nam hiện nay không phải là nhãn hiệu nổi tiếng, giá trị không cao nhưng mẫu mã đẹp, vận hành êm và ổn định. Tuy nhiên, giá luôn cao gấp đôi so với sản phẩm Việt Nam, trung bình từ 40.000-45.000 USD/thang (sức chứa 10 người, 10 điểm dừng tức khoảng 10-12 tầng), có những bộ tới 100.000 USD. Trong khi sản phẩm nội chỉ từ 300-400 triệu đồng/thang. Sản phẩm được chuộng nhất là của Nhật và Hàn Quốc vì phù hợp với điều kiện khí hậu nóng, độ ẩm cao tại Việt Nam.
Ngoài thiết kế phù hợp, để thâm nhập thị trường Việt Nam, các nhãn hiệu thang máy nước ngoài đều đi theo cách tìm kiếm đối tác trong nước để kết hợp thế mạnh công nghệ - tài chính của mình với sự am hiểu thị trường bản địa của doanh nghiệp trong nước. Nếu như Otis, Schindler thực hiện liên doanh thì Mitsubishi lại chỉ định đại lý phân phối độc quyền. Theo họ, đó là cách để bảo đảm chất lượng sản phẩm và dịch vụ của mình không bị biến dạng, lấy được lòng tin của các nhà đầu tư.
Ở các khu nhà ít tầng, sản phẩm thang máy của Mitsubishi đặc biệt chiếm ưu thế nhờ hoạt động mạnh của đối tác tại Việt Nam, chiếm 40% thị trường và liên tục dẫn đầu. Otis và Schindler chưa khai thác được phân khúc này. Đây là thông tin do ông Phạm Anh Đức, Trưởng Đại diện Văn phòng Hà Nội của Công ty Thang máy Melco Việt Nam (liên doanh với Mitsubishi), cho biết. Cũng theo ông, thị trường thang máy Việt Nam quá nhỏ và ai có phân khúc của người ấy, sự cạnh tranh chưa đến mức gay cấn.
Tuy vậy, thang máy nhãn hiệu ngoại vẫn nhỉnh hơn. Do lĩnh vực xây dựng tại các thị trường truyền thống đang giảm nên họ đẩy mạnh sang lĩnh vực bảo trì và nâng cấp thiết bị mới. Để giữ chân ở mảng sản xuất, họ đã thâm nhập vào thị trường các nước đang phát triển, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, nơi Việt Nam đang được đánh giá là tiềm năng nhất, với 2 phân khúc nhà cao tầng (từ 15 tầng trở lên) và thấp tầng (từ 15 tầng trở xuống). Hơn nữa, lượng tiêu thụ dự tính sẽ tăng lên trong vài năm tới, 10.000-15.000 thang/năm, nhờ nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và nhất là nhà cao tầng được xem là điểm nhấn trong quy hoạch đô thị ở Hà Nội. TP.HCM, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Nội kỳ vọng
Thái Bình và Thiên Nam là 2 nhãn hiệu thang máy nội địa không xa lạ đối với giới đầu tư dự án bất động sản cả nước, kể cả nhà đầu tư nước ngoài. Với thâm niên 15 năm, 2 công ty này đang kỳ vọng có thể nâng cao sản lượng, tiến tới xuất khẩu để quảng bá thương hiệu, cạnh tranh với hàng nhập.
Năm 2009, Công ty Thang máy Thái Bình là nhà sản xuất Việt Nam đầu tiên tham gia phân khúc thang máy tốc độ cao nhưng giá chỉ bằng 70% sản phẩm nhập. Mới đây, Công ty đưa vào áp dụng công nghệ của Tecno (Ý) trong sản xuất với sản phẩm nhãn hiệu Pacific. Thái Bình còn xuất khẩu thang máy sang các tòa nhà thấp tầng tại Trung Đông, Campuchia, Lào với mức tăng trưởng trung bình 20-30% mỗi năm.
Trái ngược với hướng đi trên, với 6 năm tham gia thị trường, Công ty Điện máy Hà Nội (Hanoel), được nhiều nhà đầu tư Hà Nội (thị trường chiếm tới 65% sản phẩm thang máy nhập khẩu mỗi năm) lựa chọn, lại chọn mảng dịch vụ bảo trì, bảo hành (công ty này có nhà máy sản xuất tại TP.HCM, vốn đầu tư 5 tỉ đồng). Ông Phạm Đại Nghĩa, Chủ tịch Hanoel, cho biết riêng năm 2010, mảng này đã đem lại một lượng doanh thu lớn cho Hanoel, chiếm 60% tổng doanh thu.
Ông này còn cho rằng, tỉ lệ thang máy được lắp ráp tại Việt Nam hiện nay khoảng 65%, nếu tỉ lệ sản xuất nội địa lên tới 50% thì chắc chắn chất lượng sản phẩm sẽ có vấn đề. Lý do thứ nhất là ngành công nghiệp phụ trợ vẫn trong thời kỳ “nửa nạc nửa mỡ. Thứ hai là dây chuyền sản xuất còn nhỏ và đã “quá đát” (phải đầu tư trung bình từ 30-50 tỉ đồng mới được một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh). Thứ ba, phương pháp liên doanh để chờ sự chuyển giao công nghệ của công ty nước ngoài là rất khó, chỉ có thể kỳ vọng làm cho thị trường lớn dần lên, số lượng nhiều hơn thì mới mong có đầu tư mạnh. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam chỉ sản xuất được những phần đơn giản của thang máy như vỏ ca bin, cửa tầng, máy kéo, giắc cắm.
Do đó, ông Nghĩa nhận định, lúc này doanh nghiệp nội chỉ nên tham gia lắp ráp, sản xuất phụ kiện cho nhà thấp tầng để có khả năng đảm bảo được yếu tố an toàn kỹ thuật cho công trình. Như vậy, sản phẩm thang máy Việt Nam mới có thể cạnh tranh ở mảng dịch vụ lắp đặt, sửa chữa, bảo trì, bảo hành, khắc phục sự cố.
Anh Hoa
- Nhập khẩu máy xây dựng giảm theo đầu tư công
- Công nghệ mới cho thiết bị vệ sinh
- Vesta: Làm đẹp không gian bếp theo phong cách Ý
- Thiết bị vệ sinh trên thị trường: Tiền nào của ấy
- Khi nào chất lượng cửa uPVC được đánh giá đúng?
- Nhà bếp: khi phụ kiện thành nhân vật chính
- Solar-Breeze: Robot làm sạch hồ bơi sử dụng năng lượng mặt trời
- Escape Rescue - Hệ thống cứu hộ mới trên các tòa nhà cao tầng
- Hyundai sẽ ra mắt thang máy nhanh nhất thế giới
- Vòi rửa cảm ứng công nghệ Touch2O