Trước thực trạng gạch ốp lát tồn kho quá lớn (trị giá tới 2.000 tỷ đồng), hàng nhập lậu tràn lan, khiến không ít doanh nghiệp đứng trước nguy cơ đóng cửa, Hiệp hội Gốm sứ Xây dựng Việt Nam (VIBCA) vừa có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị giải pháp “giải cứu” ngành sản xuất vật liệu xây dựng này.
Theo giải trình của VIBCA, ngành sản xuất gạch ốp lát Việt Nam đang bị đe dọa lớn bởi gian lận thương mại từ hàng Trung Quốc khi người nhập khẩu xuất trình hóa đơn mua hàng từ nước này với giá thấp hơn nhiều với giá thực phải mua. Do vậy, mức thuế nhập khẩu thấp, nên gạch ốp lát Trung Quốc đã cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm cùng loại sản xuất trong nước.
Việc gian lận thương mại này đã diễn ra nhiều năm nay và ngày càng trầm trọng, góp phần làm cho ngành gạch ốp lát lâm vào tình trạng rất khó khăn hiện nay.
VIBCA đề nghị Bộ Tài chính đưa mặt hàng gạch ốp lát vào danh mục rủi ro, trên cơ sở đó áp thuế tính trên m2 theo từng loại kích thước, chứ không áp giá thuế theo hóa đơn mua hàng từ Trung Quốc do doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình để thông quan.
Mức thuế VIBCA đề nghị áp dao động từ 5 đến 12 USD/m2, đối với gạch ceramic tráng men mã số HS 6980, từ 5 – 13 USD/m2 đối với gạch ceramic mài bóng hoặc giả cổ mã số HS 6907.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát cũng đề nghị Tổng cục Hải quan kiểm soát chặt chẽ số lượng hàng hóa nhập khẩu và kiểm soát yêu cầu hợp quy khi thông quan theo quy định tại Thông tư 12/2010/TT-BXD về quản lý chất lượng sản phẩm.
Đối với gạch ốp lát nhập khẩu thì một lô hàng tối đa 1.500 m2 phải có một mẫu kiểm tra chất lượng và mẫu này được lấy tại chỗ, do đại diện cơ quan hải quan, chủ hàng và Viện Vật liệu xây dựng hoặc Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 thực hiện. Khi kết quả thử mẫu đạt hợp quy thì hàng mới được thông quan.
Ông Nguyễn Đức Truyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gốm sứ Thanh Hà cho rằng, các doanh nghiệp nhập khẩu có nhiều hình thức gian lận về lượng khai báo, nên việc kiểm soát chặt chẽ về lượng gạch nhập khẩu cũng như kiểm soát về yêu cầu hợp quy khi thông quan sẽ góp phần giảm thiểu lượng hàng gian lận thương mại.
Theo ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch VIBCA, dự kiến năm 2011, sản xuất gạch granite và ceramic chỉ đạt khoảng 310 triệu m2, bằng 73% công suất. Tiêu thụ gạch ốp lát trong năm nay sẽ chỉ đạt 290 triệu m2, giảm 40 triệu m2 so với năm 2010 và chỉ bằng 70% năng lực sản xuất theo công suất lắp đặt.
Trong khi đó, sản phẩm nhập khẩu không ngừng gia tăng. Năm 2010, gạch ốp lát nhập khẩu là 95,5 triệu m2 (không kể lượng nhập khẩu tiểu ngạch, không kiểm soát được). 10 tháng đầu năm, theo VIBCA, lượng gạch ốp lát nhập khẩu chắc chắn lớn hơn năm 2010. Điều này cũng đồng nghĩa với việc gia tăng gánh nặng hàng tồn kho, làm giảm hiệu quả sản xuất - kinh của gần 60 doanh nghiệp sản xuất gạch ốp lát trong nước.
Hải Yến
- Lần đầu tiên Việt Nam sản xuất ống thép hàn dày
- Vinastone ra mắt thương hiệu Stonecare tại Vietbuild Hanoi 2012
- Gạch không nung và câu chuyện mở đường
- Màng chống thấm gốc xi măng 1 thành phần
- Gỗ composite: lựa chọn cho sàn ngoài trời
- Đầu tư cho ngành sản xuất vật liệu mới
- Phát triển Vật liệu xây không nung: Công nghệ vẫn phụ thuộc nước ngoài
- Kova sản xuất thành công sản phẩm sơn công nghệ Nano
- Đa dạng vật liệu bao che
- Báo động ô nhiễm môi trường nặng do gạch nung