Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Tin tức / Sự kiện Khóa đào tạo ngắn hạn “Quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu”

Khóa đào tạo ngắn hạn “Quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu”

Viết email In

Quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng (BĐKH& MNBD) có ảnh hưởng và tác động toàn diện đến sự phát triển bền vững trên toàn thế giới. Do ảnh hưởng của BĐKH& MNBD, thiên tai trên phạm vi toàn cầu đã, đang và sẽ xảy ra với tần suất nhiều hơn, phức tạp hơn, cường độ tăng mạnh hơn làm trầm trọng thêm mức độ ảnh hưởng của thiên tai.  

Các địa bàn thường gánh chịu các hậu quả nặng nề của quá trình biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng là các vùng đồng bằng trũng thấp, vùng duyên hải miền trung, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long và các khu vực ven biển với hơn 80% dân số có nguy cơ chịu ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai. 

Theo đánh giá của Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), Việt Nam là một trong 5 quốc gia đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất đối với biến đổi khí hậu. Nếu mực nước biển tăng 1 mét ở Việt Nam sẽ mất 5% diện tích đất đai, 11% người mất nhà cửa, giảm 7% sản lượng nông nghiệp và 10% thu nhập quốc nội GDP. 

Ngay tại Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Huế, trong những năm gần đây, cường độ và lượng mưa lớn, triều cường đã gây ngập lụt thường xuyên, làm ách tắc giao thông trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân và phá hỏng nhà cửa và kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, làm chậm các tiến trình triển khai thực hiện chương trình xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội. 

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến năm 2020, diện tích xây dựng sẽ tăng nhanh. Các đô thị đang chiếm 30% - 40% năng lượng sử dụng; 19% lượng nước sạch tiêu thụ, 29% lượng gỗ khai thác, 40% - 50% nhiên liệu thô được sử dụng. Với tốc độ tăng trưởng của các đơn vị doanh nghiệp ngành xây dựng hiện nay, tổng năng lượng tiêu dùng trong khu vực xây dựng đô thị ước tính chiếm khoảng từ 20% – 24% tổng năng lượng quốc gia. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh cũng đồng nghĩa với việc nhiều ao hồ, kênh thoát nước bị lấp, gây ra hiện tượng ngập cục bộ, tiêu thoát nước kém.

Nhận thức được tác động tiêu cực của BĐKH, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 158/QĐ-TTg này 2/12/2008, phê duyệt "Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu". Theo Chương trình này, các bộ ngành, địa phương sẽ phải thực hiện việc đánh giá mức độ của biến đổi khí hậu ở Việt Nam đối với các lĩnh vực, các ngành, các địa phương trong từng giai đoạn, tích hợp vấn đề này vào các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Những nỗ lực ứng phó, thích ứng với BĐKH của nước ta sẽ là động thái tích cực trong công cuộc giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu.

Riêng đối với lĩnh vực đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành Quyết định số 4619/QĐ–BGDĐT ngày 12 tháng 10 năm 2010 phê duyệt Đề án ‘‘Đưa các nội dung ứng phó với BĐKH vào các chương trình giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2015”. Mục tiêu của đề án này nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành nhằm ứng phó và giảm nhẹ hậu quả của biến đổi khí hậu. 

 

Nhận thức rõ vấn đề này, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã xây dựng Hợp phần “Đào tạo chuyên môn cho các nhà quy hoạch, kiến trúc và xây dựng đô thị” trong khuôn khổ dự án “Vận động ở cấp quốc gia và nhân rộng các hành động thích ứng với biến đổi khí hậu” thuộc chương trình “Mạng lưới các thành phố Châu Á có khả năng chống chịu với BĐKH”. Dự án do Quỹ ROCKEFELLER tài trợ. 

Để có cơ sở triển khai dự án, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã tiến hành điều tra khảo sát nhu cầu đào tạo trong lĩnh vực quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, các sở, ban ngành có liên quan. Từ kết quả khảo sát, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam đã xây dựng nội dung, chương trình khóa đào tạo và tiến hành tổ chức khóa đào tạo đầu tiên tại Hà Nội. 

Trong 4 ngày từ 14/5 đến 17/5/2014, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Tổ chức ISET và trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức khóa đào tạo quốc tế với chủ đề “Quy hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu” tại trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.

Đến dự lễ khai giảng ngày 14/5 có Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, PGS.TS. Đỗ Hậu - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Bà Ngô Thị Lệ Mai - Giám đốc Tổ chức ISET, Tiến sĩ Michael DiGregorio - Trưởng đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam, Ông Vương Ngọc Lưu - Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và các giảng viên đến từ Viện Khoa học khí tượng Thủy văn và Môi trường, Viện Quy hoạch Môi trường - Hạ tầng kỹ thuật Đô thị& Nông thôn, và gần 50 học viên đến từ trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, trường Đại học Xây dựng Hà Nội, trường Đại học dân lập Phương Đông, Đại học Quốc gia Hà Nội, Viện Quy hoạch Đô thị& Nông thôn Quốc gia, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Thanh Hóa, Công ty cổ phần ACUD… 

Phát biểu khai mạc tại lễ khai giảng khóa đào tạo, Ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia bị tác động mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Do vậy, để ứng phó với biến đổi khí hậu có hiệu quả, cần có những giải pháp để nhằm thích ứng và giảm thiểu tác động BĐKH. Trong đó vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Việt Nam là phải thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai. Đồng thời, các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu cần được lồng ghép trong quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội ở tất cả các quy mô. Để làm được điều này việc đào tạo nguồn nhân lực có nhận thức đầy đủ và kỹ năng phù hợp là hết sức cần thiết. Hy vọng khóa đào tạo này sẽ đem lại những kiến thức bổ ích cho mỗi học viên trên cương vị công tác của mình.

Thay mặt cho Tổ chức ISET, bà Ngô Thị Lệ Mai cũng giới thiệu tóm tắt về một số công việc mà Tổ chức ISET đã và đang thực hiện có liên quan đến yêu cầu ứng phó với BĐKH tại Việt Nam. Bà cũng mong muốn khóa đào tạo sẽ giúp cho các học viên có cách tiếp cận mới và toàn diện về việc nhận diện các thay đổi dị thường của các yếu tố khí hậu ở Việt Nam để từ đó đưa ra các giải pháp và chương trình hành động phù hợp đối với mỗi trường hợp nghiên cứu cụ thể.

Ông Vương Ngọc Lưu - Hiệu trưởng trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã có lời cảm ơn đến hai tổ chức là Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam và Tổ chức ISET trong việc tổ chức khóa học này. Điều này tạo cơ hội cho các giảng viên của các trường đại học đặc biệt là trường Đại học Kiến trúc Hà Nội có thêm thông tin và được cùng tham gia chia sẻ những hiểu biết của mình qua các buổi thảo luận, làm bài tập nhóm cho các trường hợp nghiên cứu được đặt ra trong suốt khóa học. 

Thanh Y (Nguồn ảnh: Internet) 


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác