Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Tin tức / Sự kiện Hội thảo "Đào tạo chuyên ngành Quy hoạch đô thị và Nông thôn gắn với thực tiễn"

Hội thảo "Đào tạo chuyên ngành Quy hoạch đô thị và Nông thôn gắn với thực tiễn"

Viết email In

Sáng 15/11/2012 tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam phối hợp cùng Đại học Kiến trúc Hà Nội, Đại học Xây dựng, Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, Đại học DL. Đông Đô, Đại học DL. Phương Đông, Viện Đại học Mở Hà Nội đã tổ chức buổi Hội thảo với chủ đề “Đào tạo chuyên ngành Quy hoạch đô thị và Nông thôn gắn với thực tiễn”. Hội thảo mang tới góc nhìn toàn cảnh về công tác đào tạo Kiến trúc sư Quy hoạch tại Việt Nam trước thềm hội nhập. Buổi Hội thảo có sự tham gia của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực Quy hoạch và Đô thị. 

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, thiếu tính thực tiễn chính là nguyên nhân cơ bản dẫn tới chất lượng đào tạo bị kém đi hiện nay, bản chất của ngành Quy hoạch là sự đa ngành, ta tìm thấy ở đây tư duy công trình, tư duy về quản lý, vận hành hay quan trọng hơn hẳn là thái độ và quan điểm khi nghiên cứu thực hiện các đồ án Quy hoạch trong nhà trường. 

TS. Nguyễn Xuân Hinh - Trưởng khoa Quy hoạch Đô thị và Nông thôn, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết: “Công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học về Quy hoạch Đô thị và Nông thôn còn nhiều bất cập; đổi mới chương trình hướng đến hội nhập quốc tế chậm chạp, kiến thức quy hoạch còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của một ngành nghề khoa học kỹ thuật tổng hợp cao. Ngoài ra trong nhiều năm trở lại đây, các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng (APSA) cũng đã có những thay đổi về quan điểm và nội dung đào tạo trong lĩnh vực Quy hoạch đô thị, Việt Nam cũng cần xem xét kỹ để có thể hội nhập với thế giới và khu vực, tiếp thu những bài học của các quốc gia đi trước”. 

Việc cải tiến công tác đào đạo có thể là sự xúc tác, xây dựng năng lực cho các giảng viên thông qua hàng loạt các hội thảo đào tạo tại Việt Nam hay đi đào tạo ở nước ngoài. Bởi bản chất nghề kiến trúc là tính truyền nghề, ở góc nhìn nào đấy, có thể ví sinh viên là những sản phẩm gốm mà giáo viên vừa là người thợ nghề đồng thời cũng là sản phẩm mẫu. Nâng cao năng lực giảng viên có thể tạo sự đa dạng hóa trong phương pháp đào tạo, khuyến khích được các hoạt động thực tiễn, giúp sinh viên nhận thức đúng đắn được vai trò họ với tư cách là “những người biến đổi đô thị”. 

Còn theo TS.KTS. Lê Thị Bích Thuận - Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn: “Sau 25 năm đổi mới, hệ thống đô thị được phát triển đáng kể, các đô thị được quy hoạch và thiết kế có bàn tay các Kiến trúc sư. Các nhà quy hoạch được đào tạo tại Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đã đóng góp lớn trong thay đổi bộ mặt các đô thị Việt Nam theo xu hướng văn minh hiện đại. Các Kiến trúc sư trong nước ngày càng được đào tạo có bài bản hơn, có ý thức hơn trong việc tìm tòi một hướng đi cho phát triển đô thị Việt Nam trong đó vừa thể hiện được bản sắc kiến trúc dân tộc, vừa mang tính hiện đại của thời đại…” 

Để hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển bền vững, công tác quy hoạch là bước đi rất quan trọng, đòi hỏi người làm nghề phải có kiến thức sâu rộng, đáp ứng được nhu cầu về bối cảnh phát triển và hơn cả là kỹ năng, thái độ để tham gia công tác quy hoạch. Chính vì thế, ngay từ hôm nay, cần có một hướng đi nhạy bén hơn cả chiều rộng, lẫn chiều sâu mà xuất phát điểm từ nhà trường, để đào tạo ra những Kiến trúc sư Quy hoạch của tương lai. Hy vọng rằng thông qua kết quả Hội thảo: “Đào tạo chuyên ngành Quy hoạch đô thị và Nông thôn gắn với thực tiễn”, công tác đào tạo Kiến trúc sư Quy hoạch sẽ có những bước tiến mới, đóng góp thiết thực và có hiệu quả trong sự nghiệp quy hoạch xây dựng và phát triển của đất nước. 

(HAU) 


Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác