Phát huy truyền thống lịch sử, giá trị di sản, văn hóa đặc sắc Cố đô, phát triển nhanh, bền vững, trong đó vấn đề quản lý và phát triển đô thị Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản được quan tâm chú trọng hàng đầu.
(Ảnh: Ashui.com)
Đặt vấn đề
Cố đô Huế luôn luôn giữ một vị thế quan trọng đối với sự phát triển của đất nước; là một trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học và y tế của cả nước tại miền Trung, là cầu nối về văn hóa giữa hai miền Nam – Bắc và giữa Việt Nam với thế giới; di sản văn hóa Cố đô Huế được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa thế giới.
Trong nhiều năm qua, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận quan trọng để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Qua quá trình tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết, Quyết định để xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản, TP Huế đã trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam kể từ ngày 01/01/2025.
Thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương là niềm tự hào không chỉ riêng đối với nhân dân thành phố, mà còn là niềm tự hào của nhân dân cả nước, là động lực để TP Huế tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, giá trị di sản, văn hóa đặc sắc Cố đô; phát triển nhanh, bền vững; trong đó vấn đề quản lý và phát triển đô thị Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản được quan tâm chú trọng hàng đầu.
Quan điểm phát triển
Phát triển TP Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.
Phát triển TP Huế trên cơ sở khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là sự kết hợp hài hoà giữa di sản văn hoá, lịch sử đặc sắc, phong phú với cảnh quan tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, vị trí cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông – Tây và con người Huế.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái; giữa đô thị hóa với xây dựng nông thôn mới. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển; giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hoá; giữa bảo tồn, giữ gìn truyền thống và phát huy các giá trị di sản, trong đó bảo tồn là cốt lõi; giữa phát triển đô thị di sản và phát triển thành phố trực thuộc trung ương, trong đó phát triển thành phố trực thuộc trung ương phải bảo đảm điều kiện thuận lợi cho bảo tồn và phát triển đô thị di sản; giữa hỗ trợ của trung ương và nỗ lực của địa phương.
Sử dụng có hiệu quả nguồn lực của mọi thành phần kinh tế, nhất là khu vực kinh tế tư nhân cho phát triển hạ tầng giao thông, đô thị và những ngành, lĩnh vực kinh tế có tiềm năng, lợi thế.
Tầm nhìn và mục tiêu
Mục tiêu
Đến năm 2030, là đô thị di sản đặc trưng của Việt Nam, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao;
Đến năm 2045, là đô thị đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, bản sắc Huế, thông minh, hướng biển, thích ứng và bền vững; là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức cao của cả nước; thành phố Festival, trung tâm văn hóa – du lịch, giáo dục, khoa học công nghệ và y tế chuyên sâu của cả nước và châu Á; là điểm đến an toàn, thân thiện, hạnh phúc.
Tầm nhìn
Đến năm 2065, xây dựng và phát triển thành phố trở thành thành phố Festival nằm trong nhóm dẫn đầu của hệ thống đô thị Việt Nam, phát triển mạnh về văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, hướng đến hội nhập với các đô thị nổi bật tầm cỡ châu Á và thế giới; có trình độ phát triển kinh tế cao trên cơ sở hệ thống hạ tầng giao thông liên hoàn, kết nối thuận lợi với quốc tế bằng đường bộ, đường thủy, đường không và đường sắt tốc độ cao; có nền sản xuất phát triển, hệ thống dịch vụ và logistics hiệu quả.
Giải pháp quản lý, triển khai quy hoạch đô thị
Nhằm quản lý phát triển đô thị Huế đảm bảo các mục tiêu bảo tồn di sản, phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn, thành phố ưu tiên triển khai thực hiện 5 nhóm giải pháp sau:
(1) Bảo tồn cấu trúc, hình thái đô thị;
(2) Phát triển hệ thống đô thị vệ tinh và hạ tầng khung;
(3) Kiểm soát phân bổ dân cư và vùng sản xuất;
(4) Xây dựng đồng bộ hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu;
(5) Ứng dụng chuyển đổi số trong quy hoạch phát triển đô thị.
Về bảo tồn cấu trúc, hình thái đô thị:
Cấu trúc không gian đô thị TP Huế được xác định gồm “Một hệ thống di sản đồng bộ, Hai không gian sinh thái cảnh quan, Ba hành lang kinh tế, Ba trọng điểm phát triển đô thị và Bốn phân vùng quản lý phát triển”. Trong tiến trình xây dựng và phát triển, ưu tiên giải pháp bảo tồn cấu trúc, hình thái đô thị đặc trưng vốn có, bao gồm:
Phát huy hệ thống di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận, các di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; các di sản khảo cổ học; các di sản chiến tranh cách mạng nổi bật là di sản gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh và đường Hồ Chí Minh; các di sản đô thị, đô thị cổ và làng cổ, nhà vườn, các không gian văn hóa lễ hội đặc trưng…
Hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu:
(1) Nhận diện đầy đủ giá trị của Quần thể di tích Cố đô Huế;
(2) Bảo tồn di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái của Quần thể di tích Cố đô Huế; phục hồi các không gian gắn với di sản, tạo cho khu vực Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành hạt nhân, động lực trong thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản Thừa Thiên Huế;
(3) Bảo quản, tu bổ, phục hồi các điểm di tích, không gian cảnh quan văn hóa, làm cơ sở lập hồ sơ tái đề cử trình UNESCO xem xét, công nhận quần thể di tích Cố đô Huế trong danh mục Di sản văn hóa thế giới;
(4) Hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích, các vùng đệm của di sản thế giới; đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực bảo tồn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo tiền đề phát triển kinh tế di sản, kinh tế du lịch, công nghiệp văn hóa, góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương một cách hữu hiệu.
Mô hình bảo tồn bền vững quần thể di tích Cố đô Huế với định hướng trở thành hạt nhân, động lực trong thực hiện chiến lược phát triển đô thị di sản, bao gồm trung tâm đô thị lịch sử; trung tâm đô thị du lịch; trung tâm văn hóa, thương mại và di sản mới; công viên lịch sử quốc gia; quần cư di sản, khu đô thị mới và tái định cư.
Trong đó, di sản được gắn kết, chung sống với cộng đồng dân cư; toàn xã hội cùng tham gia bảo vệ, vận hành, hoạt động và thụ hưởng thành quả. Cấu trúc không gian Quần thể di tích Cố đô Huế có quy mô, tầm vóc tương ứng, một hệ thống liên hoàn gồm hệ thống di tích, di sản tái tạo và di sản mới, các không gian chuyên đề cùng các chức năng cơ bản và phụ trợ khác có khả năng hoạt động vừa độc lập vừa bổ trợ, tạo sức hấp dẫn lâu dài cho khu di sản và thành phố Huế.
Tiếp tục giữ gìn hệ sinh thái cảnh quan: Không gian sinh thái đồi, núi phía Tây tỉnh từ Bạch Mã đến Nam Đông, A Lưới, Phong Điền và không gian đầm phá Tam Giang – Cầu Hai kết hợp với vùng ven biển. Liên kết không gian ven biển và không gian đồi núi qua các hành lang cảnh quan chính của sông Hương, sông Bồ, sông Ô Lâu, hệ thống sông địa phương.
Phát triển đô thị vệ tinh và hạ tầng khung:
Với mô hình “Chuỗi đô thị theo hành lang kinh tế, hành lang giao thông kết hợp với các trung tâm động lực”, trong đó bố trí các đô thị phụ trợ dọc theo trục Bắc – Nam với các chức năng công nghiệp, công nghệ cao, du lịch dịch vụ và các ngành nghề sản xuất… để giảm tải cho khu vực đô thị trung tâm và tạo điều kiện để bảo tồn đô thị di sản.
Quy hoạch và đầu tư hoàn thiện hệ thống sân bay, cảng biển, trung tâm logistics, bổ sung các tuyến đường bộ, đường sắt cao tốc kết nối liên vùng với các tỉnh, thành phố trên cả nước; Quy hoạch tăng cường hệ thống giao thông công cộng kết nối nhanh giữa các đô thị vệ tinh và khu vực trung tâm; Hoàn thiện hệ thống đường vành đai và tuyến đường bộ ven biển, tạo điều kiện cho người dân di chuyển dễ dàng nhưng vẫn có thể sống và làm việc tại địa phương; tạo điều kiện thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa từ nông thôn ra đô thị, giúp sản phẩm nông nghiệp có thể tiếp cận thị trường một cách thuận tiện thông qua các trung tâm thương mại lớn, cân bằng lợi ích kinh tế giữa khu vực nông thôn và đô thị.
Kiểm soát phân bổ dân cư và vùng sản xuất:
Kiểm soát mật độ dân cư đô thị, kiểm soát việc chuyển đổi chức năng các khu vực đất nông nghiệp, đất vườn liền kề với đất ở; kiểm soát việc phân lô tách thửa trong các khu vực đô thị hiện hữu thông qua các quy định quản lý quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, đảm bảo phù hợp với tính chất đặc thù của từng khu vực, đặc biệt là các khu vực ven sông Hương, khu Kinh thành Huế, không gian lân cận các di tích, các danh lam thắng cảnh, duy trì hệ thống cảnh quan nhà vườn, nhà rường đặc trưng… Điều này góp phần duy trì mật độ dân cư hợp lý tại khu vực đô thị trung tâm để góp phần bảo tồn di sản, đảm bảo chất lượng sống của khu vực đô thị.
Quy hoạch các khu chức năng và ngành kinh tế trên cơ sở khai thác tối đa lợi thế, đặc thù từng địa phương:
– Mở rộng các khu công nghiệp tại Chân Mây, Phong Điền, phát triển khu công nghệ cao tại Phú Lộc, quy hoạch phân bổ các vùng sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại khu vực Nam Đông, A Lưới;
– Phát triển đa dạng hóa các loại hình du lịch dịch vụ và các ngành nghề kinh tế biển tại các khu vực ven biển Phong Điền, Phú Vang, Quảng Điền, Phú Lộc – Chân Mây, chú trọng các loại hình dịch vụ du lịch cao cấp gắn với các sân gôn, các khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng kết hợp thư giãn, điều trị bệnh…;
– Phát triển hệ thống cụm công nghiệp quy mô vừa và nhỏ tại các khu vực nông thôn để thu hút các doanh nghiệp và tạo ra việc làm cho người dân địa phương; Xây dựng các trung tâm hậu cần nghề cá, trung tâm giới thiệu, quảng bá sản phẩm tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp địa phương…
Hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu:
Hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng đô thị hiện hữu, bổ sung hạ tầng cho các khu vực phát triển đô thị hóa đảm bảo quy chuẩn tiêu chuẩn, từng bước nâng cao chất lượng hạ tầng tại các khu vực nông thôn đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Mở rộng các trung tâm y tế chất lượng cao tại Phong Điền, Chân Mây để giảm áp lực khám chữa bệnh cho tuyến trung tâm; Mở rộng, nâng cấp hệ thống trường học; Tăng cường cơ sở hạ tầng văn hóa và giải trí như nhà văn hóa, sân vận động, thư viện… để nâng cao chất lượng cuộc sống tại nông thôn; Bổ sung các thiết chế giáo dục, đào tạo nghề để chuyển đổi cơ cấu lao động.
Phát triển đồng bộ hệ thống nhà ở xã hội tại các khu vực đô thị và nông thôn với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình có thu nhập thấp, nâng cao chất lượng sống cho người dân…
Hệ thống đê kè, hồ đập… nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu:
Chuyển đổi số trong quy hoạch phát triển đô thị:
Tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số đa ngành, đa lĩnh vực; trong đó ưu tiên ứng dụng công nghệ GIS trong công tác quản lý quy hoạch, phát triển đô thị hướng đến mục tiêu xây dựng đô thị ngày càng thông minh; đồng thời là một trong các giải pháp công khai, cung cấp đầy đủ các thông tin quy hoạch đến tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, góp phần thu hút đầu tư, triển khai các dự án phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.
Kết luận
Trong thời gian đến, Đảng bộ và chính quyền TP Huế sẽ tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và phát triển đô thị Huế trên nền tảng bảo tồn và phát huy giá trị di sản nhằm phát triển TP Huế theo đúng quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn đã được xác định; TP Huế sẽ phân bổ nguồn lực đầu tư cho các dự án có tính chất đột phá, các chương trình, dự án để cải thiện chất lượng môi trường đô thị – nông thôn và công trình hạ tầng liên vùng.
Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách trung ương cho công tác trùng tu di tích, phát triển các công trình kết cấu hạ tầng, các công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi lớn và các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội thiết yếu; tập trung nguồn lực địa phương cho công tác cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, phát triển đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng phục vụ đấu nối cho các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch…
Huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, đẩy mạnh thu hút có chọn lọc các dự án FDI, tranh thủ nguồn vốn ODA, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, phù hợp với mô hình, cấu trúc không gian toàn đô thị đã được xác định nhằm mục tiêu xây dựng Huế – thành phố trực thuộc Trung ương thứ 6 của Việt Nam “Bản sắc, thông minh, thích ứng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, bền vững”.
KTS Hoàng Hải Minh – Phó chủ tịch UBND TP Huế
(Tạp chí Xây dựng)