Ashui.com

Friday
Apr 19th
Home Chuyên mục Bất động sản TPHCM: Cung căn hộ tăng mạnh, cầu chững lại

TPHCM: Cung căn hộ tăng mạnh, cầu chững lại

Viết email In

Giao dịch bất động sản trên địa bàn TPHCM - thị trường bất động sản lớn nhất nước - trong quý I -2016 có dấu hiệu chững lại so với năm 2015, trong khi nguồn cung tăng mạnh, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TPHCM. 

Báo cáo cho biết đã có khoảng 9.000 căn trong tổng số khoảng 57.000 căn hộ dự kiến chào bán trong năm 2016 được bán trong quý I. Tính lũy kế từ trước đến thời điểm này đã có khoảng 700 người nước ngoài mua căn hộ. 

Con số này có sự sụt giảm đáng kể so với năm ngoái. Trong cả năm 2015 thị trường bất động sản thành phố tăng trưởng rất mạnh trong tất cả các phân khúc. Quy mô thị trường tăng gần gấp đôi so với năm 2014 với 26.500 căn hộ được bán so với 16.955 căn đã bán được trong năm 2014.  


Nguồn cung nhà ở thương mại phân khúc bất động sản cao cấp có sự tăng trưởng mạnh nhất tại TPHCM.
(Ảnh: Hồng Phúc) 

Điều đáng nói là nguồn cung bất động sản tiếp tục gia tăng. Trong quý I vừa qua, phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư có sự tăng trưởng khá mạnh. Các doanh nghiệp đã khởi công xây dựng 5 dự án mới, đã hoàn thành 4 dự án với quy mô 3.131 căn hộ. Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã công nhận 6 chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội và thành phố đang xem xét thêm 2 dự án. Bên cạnh đó có 8 dự án nhà ở tái định cư mới. 

Nguồn cung nhà ở thương mại phân khúc bất động sản cao cấp có sự tăng trưởng mạnh nhất, tập trung vào khu trung tâm, khu đông và khu nam thành phố. Chỉ trong quý I đã có đến 22 dự án thông báo bán hàng với 8.326 căn hộ, nhà phố, biệt thự, tăng mạnh so với cùng kỳ 2015 (Cả năm 2015 có 35 dự án thông báo bán sản phẩm để huy động vốn với 16.827 căn). 

Trong quý I có 5 dự án xin chuyển nhượng dự án dưới hình thức mua bán cổ phần, chuyển nhượng công ty. Năm 2015 Ủy ban nhân dân thành phố đã chấp thuận cho chuyển nhượng 23 dự án.

Lượng kiều hối chuyển về TPHCM trong 3 tháng đầu năm đạt 1,15 tỉ đô la Mỹ, trong đó đầu tư vào lĩnh vực bất động sản chiếm khoảng 21,6%.

Lý giải về nguyên nhân thị trường chững lại, Hiệp hội cho rằng thứ nhất, nhiều cơ quan công chứng từ chối công chứng các hợp đồng giao dịch thế chấp dự án đầu tư xây dựng nhà ở, thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai với lý do chưa có hướng dẫn của bộ chủ quản.

Thứ hai, tháng 1/2016, Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN theo hướng hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản và nâng hệ số rủi ro trong kinh doanh bất động sản, đã phát đi thông điệp mạnh mẽ đến các chủ thể tham gia thị trường bất động sản, trước hết là các chủ đầu tư dự án, các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp đều phải tự điều chỉnh và tái cấu trúc đầu tư, kinh doanh để đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh.

Sau đó, ngày 28/3 Ngân hàng Nhà nước đã có công văn hỏa tốc số 1953/NHNN-TD thông báo quyết định chấm dứt nhận hồ sơ vay gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỉ đồng kể từ ngày 31/3/2016. Việc công bố thời điểm kết thúc nhận hồ sơ là cần thiết vì tổng giá trị hợp đồng cam kết cho vay đã vượt quá hạn mức 30.000 tỉ đồng.

Thứ ba, giữa tháng 2, nhiều ngân hàng thương mại đã nâng lãi suất huy động tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng lên đến hơn 8%/năm dẫn đến lãi suất cho vay có thể tăng thêm khoảng 1-2 điểm phần trăm trong năm 2016. Từ giữa tháng 3 đã xuất hiện dấu hiệu đầu cơ tăng giá sắt thép đã tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản, tạo thêm áp lực và gánh nặng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và cả người tiêu dùng.

Nhận định của hiệp hội này cho rằng "sức khỏe" của các doanh nghiệp bất động sản vẫn còn rất yếu, vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng. Tuy nhiên, có thể dự báo thị trường bất động sản năm 2016 sẽ tiếp tục tăng trưởng không thấp hơn năm 2015 và sẽ có sự chuyển hướng tích cực, đầu tư nhiều hơn vào phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ, có giá bán vừa túi tiền, cũng như sự gia tăng đầu tư vào bất động sản công nghiệp, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ. 

Hồng Phúc 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo