Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Chuyên mục Bất động sản TPHCM đề xuất thành lập Trung tâm thông tin thị trường bất động sản

TPHCM đề xuất thành lập Trung tâm thông tin thị trường bất động sản

Viết email In

TPHCM cần thành lập trung tâm thông tin thị trường bất động sản để làm đầu mối quản lý và khai thác dữ liệu, thiết lập cơ sở dữ liệu đất đai, dự án, nhà ở, công trình. Qua đó, sẽ xây dựng và công bố chỉ số đánh giá thị trường bất động sản (BĐS) nhằm cung cấp thông tin chính thống cho thị trường. 

Đây là một trong những giải pháp phát triển thị trường BĐS thành phố được đưa ra trong buổi họp ngày 13/10 về góp ý Đề án phát triển thị trường BĐS TPHCM giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.  

Minh bạch hóa là một trong những yêu cầu cấp thiết cho thị trường BĐS TPHCM. (Ảnh: Thành Hoa) 

Theo báo cáo của Sở Xây dựng về đề án này, định hướng để phát triển thị trường BĐS TPHCM đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là sẽ nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ ban hành hoặc đề xuất với Quốc hội đưa vào hệ thống luật các chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực BĐS. 

Mục tiêu của đề án là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ; phát triển đô thị đa trung tâm nhằm kết nối các đô thị vành đai và đô thị hạt nhân; phát triển đa dạng các loại hình bất động sản, đẩy mạnh phân khúc nhà chung cư (với mục tiêu 30% nhà ở mới hàng năm thuộc phân khúc này) và khuyến khích xây nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.

Đề án còn kiến nghị Chính phủ thành lập Tổng cục phát triển nhà ở để điều hành chiến lược phát triển nhà ở cấp quốc gia. Lập Cục phát triển nhà ở trực thuộc UBND TPHCM chịu trách nhiệm chung về quản lý phát triển nhà ở, đảm bảo tính thống nhất và kịp thời trong vận hành thị trường, giúp thị trường hoạt động lành mạnh và bền vững.

Cùng với đó, để minh bạch hóa thị trường, đề án chỉ ra phải xây dựng Trung tâm Thông tin thị trường BĐS trực thuộc UBND thành phố làm đầu mối quản lý và khai thác dữ liệu đất đai, nhà ở, dự án. Đồng thời sớm xây dựng và công bố chỉ số đánh giá thị trường BĐS giúp cơ quan quản lý Nhà nước hoạch định chính sách, cơ chế phù hợp với thực tế thị trường.

Ngoài định hướng, đề án còn chỉ ra các nhóm giải pháp đảm bảo minh bạch và phát triển bền vững thị trường; giải pháp liên quan đến công tác chỉnh trang phát triển đô thị; và giải pháp quản lý phát triển nhà ở.

Góp ý về đề án trên, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM Trần Du Lịch cho rằng, đề án rất công phu nhưng lại không có phần phân tích về thị trường.

Nếu mục tiêu của đề án chỉ để phục vụ quản lý Nhà nước thì không cần công phu. Cái chính là phải làm sao minh bạch hóa thị trường, phải phân tích được thị trường không lành mạnh chỗ nào, luật nào đang chồng chéo nhau. Sau đó phải làm rõ chức năng của nhà nước và địa phương trong quá trình lành mạnh hóa đó”, ông Lịch nói.

Theo ông Lịch, hiện thị trường BĐS đang bị chi phối rất lớn bởi hệ thống pháp luật, gồm Luật đất đai, Luật quy hoạch đô thị, Luật xây dựng, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản… Những luật này hiện nay đang có “xung đột”, gây ức chế thị trường.

Ông Lịch cũng kiến nghị đề án phải tập trung chấn chỉnh ngay thị trường sơ cấp bởi nếu buông thị trường này thì sẽ mất kiểm soát bất động sản.

Không có chính quyền nào giao đất cho doanh nghiệp mà không có đường đi, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh. Hiện doanh nghiệp được giao đất rồi ngồi chờ Nhà nước làm đường, để tăng giá bán đất lên. Chúng ta đang làm một quy trình ngược”, ông Lịch nói và ví von "thị trường BĐS toàn nhà ở cao cấp giống như một chiếc máy bay toàn hạng thương gia mà không có hạng phổ thông".

Ông Lê Chí Hiếu, Phó , chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA) cũng đồng tình, hệ thống pháp luật chưa nhất quán, có nhiều điều mâu thuẫn, gây khó khăn cho doanh nghiệp phát triển BĐS. Cách tính giá đất, tiền sử dụng đất… đang là gánh nặng cho doanh nghiệp BĐS mà người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà.

Theo ông Hiếu, để phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp, ngoài cơ quan về chính sách nhà ở thì cần phải có một thể chế tài chính riêng (có thể hình thành một quỹ phát triển nhà ở) kèm theo cơ quan này để thu hút nhà đầu tư tham gia.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM nhận định, điều quan trọng là phải xác định được cơ cấu vốn của doanh nghiệp như thế nào để phát triển thi trường BĐS bền vững thì đề án này chưa phân tích được. Hiện, chủ đầu tư huy động vốn chủ yếu từ tín dụng ngân hàng trong khi xu hướng sắp tới thì nguồn vốn này sẽ giảm dần theo lộ trình của Thông tư 06. Như vậy, để thị trường phát triển bền vững thì phải giảm nguồn vốn tín dụng, tăng vốn khác từ người mua, từ các quỹ đầu tư, phát hành cổ phiếu doanh nghiệp…

Ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, đề án khi được ban hành phải có sức sống, sát thực tế, có tính khả thi cao và tác động ngay vào thị trường BĐS. Ông Khoa đồng tình với đề xuất thành lập Trung tâm Thông tin thị trường BĐS và cân nhắc việc đặt trung tâm này tại Sở Xây dựng hay Viện nghiên cứu phát triển TPHCM. 

Cao Ban 
(TBKTSG)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo