Ashui.com

Tuesday
Mar 19th
Home Chuyên mục Bất động sản VNREA: Chính phủ cần bố trí ngân sách phát triển nhà ở xã hội

VNREA: Chính phủ cần bố trí ngân sách phát triển nhà ở xã hội

Viết email In

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), hiện thị trường bất động sản đang mất cân đối trong sản phẩm nhà ở. Trong khi phần lớn người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp thì thị trường lại cung cấp nhiều sản phẩm nhà ở cao cấp. VNREA cho rằng, Chính phủ cần bố trí ngân sách phát triển nhà ở xã hội để cân đối thị trường này và tạo cơ hội cho người dân mua nhà.  


Khu nhà ở xã hội Đặng Xá, Hà Nội. 

Trong bản báo cáo thị trường bất động sản tháng 7 do VNREA công bố vào cuối tháng 8, tình trạng mất cân đối trên thị trường nhà ở lại được hiệp hội này khuyến cáo. Và trao đổi với TBKTSG Online, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch VNREA đã kiến nghị giải pháp nhằm cân đối thị trường. 

Ông Nam cho rằng, đối với thị trường bất động sản, vai trò của Chính phủ rất quan trọng. Chính phủ phải tham gia như chủ thể của thị trường. Bởi nếu để thị trường tự vận hành sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối trong nguồn cung sản phẩm. Một dự án bất động sản thường kéo dài và phức tạp, do đó các doanh nghiệp thường muốn làm sản phẩm giá cao để có lợi nhuận cao hơn. Do đó hiện thị trường đang có xu hướng thừa sản phẩm nhà ở chung cư cao cấp mà thiếu các sản phẩm bình dân. 

Minh chứng cho việc cần có sự can thiệp của Chính phủ để góp phần giảm mất cân đối trên thị trường, ông Nam cho biết năm 2010-2011 là thời điểm khủng hoảng thừa bất động sản, thị trường có hơn 3.900 dự án, trong đó chỉ có vài dự án nhà ở xã hội, còn lại toàn dự án cao cấp, trong khi thực tế có đến 80% người dân có nhu cầu nhà ở giá rẻ, nên dẫn đến thị trường còn tồn đọng nhiều hàng hóa. Doanh nghiệp không bán được hàng nên không có tiền hoàn thiện, nhiều dự án dở dang...

Để giải quyết tình trạng đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 cho phép chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã đưa ra gói tín dụng 30.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho doanh nghiệp vay xây nhà ở xã hội và người dân mua nhà thuộc diện này làm ấm lại thị trường bất động sản.

“Đó là bài học can thiệp của Chính phủ rất hiệu quả với nguồn lực không lớn chưa đến 2 tỉ đô la Mỹ. Trong khi đó các nước phải đổ vài chục hoặc mấy trăm tỉ đô la để cứu thị trường bất động sản”, ông Nam nói.

Đến nay, gói tín dụng 30.000 tỉ đồng trên đã hết. Ông Nam cho rằng Chính phủ cần tiếp tục can thiệp vào thị trường bất động sản bằng những nguồn vốn khác nữa tương tự như gói tín dụng nêu trên, như đề xuất của Bộ Xây dựng.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6-2016, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan liên quan xem xét, cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 để thực hiện việc phát triển nhà ở xã hội (theo quy định của Luật Nhà ở và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20-10-2015 về phát triển nhà ở xã hội).

Mới đây, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm triển khai để có nguồn vốn thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội theo quy định.

Ông Nam cho biết, Bộ Tài chính đã tán thành và đề nghị Văn phòng Chính phủ trình Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động bố trí vốn kế hoạch đầu tư trong trung hạn từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 để phát triển nhà ở xã hội. Song, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cho rằng ngân sách hạn chế, nên giao cho Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước tự tìm kiếm nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội - điều không thể làm được.

Ông Nam nói: “Ta nghèo thì nghèo thật nhưng cũng cần chi những cái hợp lý. Với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng tính ra mỗi năm chi 10.000 tỉ đồng - tương đương tiền xây một cái cầu. Mà không phải cho mà là cho vay. Chi không chỉ cứu thị trường bất động sản mà còn tạo điều kiện cho người nghèo ở đô thị có nhà để ở”.

Theo ông Nam, hiện luật đã quy định phải dành 20% quỹ đất và quỹ nhà cho phát triển nhà ở xã hội, nhưng cũng cần có tiền để cho chủ đầu tư vay để xây, người dân vay để mua. Nếu doanh nghiệp không được vay tín dụng ưu đãi để phát triển nhà ở xã hội mà vay ngân hàng lãi suất cao thì giá nhà lại cao. Còn người dân không vay những gói tín dụng ưu đãi thì không có tiền để mua nhà.

Vẫn theo ông Nam, hiện nay chỉ có 20% người dân có thu nhập cao, 80% người dân có thu nhập trung bình và thấp. Thị trường chính của nhà ở phụ thuộc vào 80% dân số, do đó thị trường chính của bất động sản ở khu vực này. Nhà ở là loại hàng hóa đặc biệt, vừa mang tính hàng hóa vừa mang tính xã hội vì ai cũng cần có nhà để ở. Do đó Chính phủ vẫn cần tập trung để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Được biết, gần đây Bộ Xây dựng cũng đề nghị Hà Nội và TPHCM cần đặc biệt quan tâm, có cơ chế hỗ trợ để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của phần lớn người dân đô thị đối với phân khúc này để góp phần hạn chế lệch pha cung - cầu cơ cấu hàng hóa trên thị trường bất động sản. Bộ Xây dựng cũng đề nghị hai thành phố này cần đánh giá lại nhu cầu của thị trường khi chấp thuận đầu tư các dự án phát triển nhà ở, tránh tình trạng lệch pha cung - cầu dễ gây bất ổn thị trường. 

Vân Ly 
(TBKTSG Online)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo