Luồng vốn đầu tư từ Singapore vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) của Việt Nam đang ngày càng tăng cao với sự có mặt của hàng loạt nhà đầu tư kỳ cựu.
Theo bà Leow Siu Lin, Tổng lãnh sự Cộng hòa Singapore tại TP.HCM, Việt Nam là một trong những thị trường đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp Singapore. “Hiện nay, các doanh nghiệp BĐS của Singapore đang hoạt động tại Việt Nam rất thành công”, bà Leow Siu Lin nói và cho biết, một trường hợp điển hình là 7 khu công nghiệp Việt Nam - Singapore đã thu hút hơn 8 tỷ USD vốn đầu tư, giải quyết việc làm cho hơn 155.000 lao động.
(ảnh minh họa)
Ông Koh Chong Fu, Giám đốc Cục Phát triển doanh nghiệp quốc tế Singapore cho biết, các doanh nghiệp đa quốc gia có trụ sở đóng tại Singapore cũng đang rất quan tâm tới thị trường BĐS Việt Nam. Một ví dụ là Công ty Kusto Home, có trụ sở tại Singapore, đang phát triển và quản lý Dự án Đảo Kim Cương tại TP.HCM.
Theo Chủ tịch Kusto Home, ông Murat Utemisov, Công ty đã nghiên cứu thị trường BĐS Việt Nam từ trước năm 2005 và nhận thấy, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng và năng động, nhất là phân khúc nhà ở.
Có khá nhiều nhà đầu tư BĐS Singapore đã hoạt động tại thị trường Việt Nam từ lâu và đã khá thành công, như Keppel Land, Mapletree, Sembcorp, CapitaLand...
Trong đó, Keppel Land là một trong những nhà đầu tư BĐS Singapore đã có mặt tại thị trường Việt Nam từ rất sớm và trở thành một trong những nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực BĐS tại thị trường Việt Nam. Tại Việt Nam, Keppel Land có danh mục đầu tư đa dạng tại Hà Nội, TP.HCM, Đồng Nai và Vũng Tàu, với 19 dự án được cấp phép, bao gồm các cao ốc văn phòng hạng A, các dự án dân cư cao cấp, các khu đô thị phức hợp hiện đại và các căn hộ dịch vụ.
Ông Ang Wee Gee, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Keppel Land chia sẻ, Việt Nam, với tốc độ phát triển nhanh, là một trong những thị trường trọng điểm của Keppel Land hiện tại và cả trong thời gian tới.
Nếu Keppel Land đầu tư vào nhiều phân khúc tại thị trường Việt Nam, thì CapitaLand hiện được coi là nhà đầu tư dẫn đầu trong phân khúc phát triển nhà ở. Có mặt tại thị trường Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước, CapitaLand đang phát triển dự án tại 6 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương và Nha Trang. Đến nay, CapitaLand đã cung cấp cho thị trường nhà ở TP.HCM và Hà Nội khoảng 7.850 căn hộ chất lượng, với 8 dự án nhà ở.
Ông Chen Lian Pang, Tổng giám đốc CapitaLand chia sẻ, Việt Nam hiện là một trong những thị trường trọng điểm của CapitaLand tại châu Á.
Trong vài năm gần đây, sức nóng từ các dự án BĐS tại Việt Nam do các nhà đầu tư Singapore sở hữu vẫn chưa bao giờ giảm nhiệt. Các dự báo cho rằng, thời gian tới, Singapore vẫn tiếp tục đầu tư mạnh tay vào thị trường Việt Nam.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 6/2016, vốn đầu tư vào BĐS chiếm hơn 30% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của khu vực ASEAN vào Việt Nam, với 97 dự án. Trong đó, Singapore chiếm gần 80% số dự án và 60% tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực này. Các dự án của các nhà đầu tư Singapore thuộc đủ phân khúc, từ nhà ở, văn phòng cho thuê, mặt bằng bán lẻ cho đến bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.
Theo ông Jeff Foo, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Singapore, trong số 10 doanh nghiệp lớn của Singapore đầu tư vào Việt Nam, có đến 5 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực BĐS.
Ngoài các nhà đầu tư truyền thống đang tích cực mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam, thì nhiều nhà đầu tư mới cũng đang đổ vốn vào đây.
Tập đoàn tài chính SynGience từ Singapore, Công ty Lucky Land và Công ty Minh Nguyên Long vừa ký kết hợp đồng đầu tư 400 tỷ đồng vào Dự án Depot Metro Tham Lương, quy mô 660 căn hộ, bên cạnh trạm dừng Tham Lương của tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Mới đây nhất, Ibeworth Pte. Ltd., - công ty con thuộc sở hữu 100% vốn của Keppel Land và Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long đã ký kết hợp đồng đăng ký mua trái phiếu chuyển đổi của Nam Long được phát hành thông qua hình thức phát hành riêng lẻ, với tổng giá trị 500 tỷ đồng.
Bích Ngọc
(Báo Đầu tư)
- VNREA: Chính phủ cần bố trí ngân sách phát triển nhà ở xã hội
- Trọng tâm của chính sách phải là phát triển nhà ở phổ cập
- Nguồn vốn 'tiếp sức' cho nhà ở xã hội
- Tính minh bạch trong thị trường bất động sản: Cải thiện nhưng cần nỗ lực
- Người mua nhà và "cột mỡ" chính sách
- Savills Việt Nam công bố chỉ số giá nhà ở, văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM
- Dư luận xôn xao dự án thế chấp ngân hàng, hiểu thế nào cho đúng?
- TPHCM: Thừa căn hộ cao cấp, thiếu căn hộ bình dân
- Phát triển nhà ở xã hội cho thuê: Khó nhất vẫn là quỹ đất
- Bất động sản xanh: "Cú hích" mới của thị trường