Ashui.com

Tuesday
Nov 05th
Home Chuyên mục Bất động sản Nguồn vốn 'tiếp sức' cho nhà ở xã hội

Nguồn vốn 'tiếp sức' cho nhà ở xã hội

Viết email In

Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện chính sách nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở 2014. Tuy vậy, việc phát triển loại hình này bị chững lại đáng kể mà nguyên nhân chính là do nguồn vốn. 

Hiện có hơn 80.000 hộ dân có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội trong đó có rất nhiều cán bộ công chức viên chức trẻ cần có chỗ ở. Vì vậy, việc bố trí vốn cho vay, cấp bù lãi suất vay… là một hình thức an sinh xã hội, phát triển kinh tế, phát triển sản xuất cho ngành, nghề liên quan cần được bộ ngành quan tâm.  


Khu nhà ở xã hội Đặng Xá – Gia Lâm – Hà Nội
(Ảnh: Quốc Tuấn) 

Còn nhiều… ách tắc

Sau khi gói 30.000 tỷ đồng kết thúc giải ngân, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1013 quy định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) là 4,8%/năm. Chương trình này kéo dài từ ngày 6/6 đến hết 31/12/2016, nhưng cho đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn chưa công bố lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại các ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank để cùng thống nhất áp dụng. 

Chương trình bị ách tắc một phần do các bộ, ngành liên quan vẫn có những ý kiến trái chiều về việc bố trí nguồn vốn từ ngân sách. Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất bỏ nội dung quy định Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay chương trình nhà ở xã hội; không cấp bù chênh lệch lãi suất.

Về nguồn vốn thực hiện, Bộ này cũng đề nghị NHNN cho tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất tái cấp vốn hiện nay. Trái lại, Bộ Xây dựng lại cho rằng đề xuất của Bộ Tài chính là không hợp lý, vì đã được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Trong khi đó, Bộ KH – ĐT lại đề nghị Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội và các cơ quan liên quan huy động các nguồn vốn khác ngoài ngân sách nhà nước.

Mặc dù từ 15/8/2016 là thời điểm chương trình cho vay ưu đãi thuê, mua nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, các đối tượng có nhu cầu vay vốn theo diện chương trình này, vẫn phải chờ thêm một thời gian nữa cho đến khi Chính phủ bố trí được nguồn vốn. Mới đây, Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định, dù chương trình cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi có thể bị chậm, nhưng đơn vị này vẫn bố trí khoảng 1.000 tỷ đồng để giải ngân trong năm 2016. 

Nguồn vốn lấy từ đâu?

Những nước phát triển cấu trúc nguồn vốn cho bất động sản khá đa dạng từ các định chế tài chính, từ các quỹ đầu tư, quỹ tín thác (REITs), quỹ tiết kiệm hay quỹ hưu trí, các dòng vốn FDI, FII…còn tại VN cấu trúc nguồn vốn cho BĐS hiện nay vẫn chủ yếu dưa vào 2 nguồn chính đó là từ ngân hàng và vốn huy động từ DN, người dân.

Hiện nay để có nguồn vốn mạnh, ổn định cho bất động sản phát triển lâu dài, điều cần thiết đó là phải điều chỉnh lại cấu trúc nguồn vốn cho bất động sản. Bằng việc hình thành và tạo điều kiện cho các định chế tài chính, sản phẩm tài chính bất động sản phát triển (REITs), cải thiện môi trường đầu tư, phát triển thị trường vốn, tạo thêm các kênh huy động vốn.

Riêng về nhà ở xã hội, nhà nước nên đề xuất bố trí khoảng từ 500 – 1.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trong năm 2016 để Ngân hàng Nhà nước có căn cứ tái cấp vốn và cấp bù lãi suất nhằm thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước cũng sớm quy định cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất đối với các tổ chức tín dụng được chỉ định để thúc đẩy thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Có thể áp dụng như chính sách tạo nguồn vốn tín dụng và cơ chế tái cấp vốn, cấp bù lãi suất của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây.

Ngân hàng nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp và thời hạn cho vay dài thông qua việc cấp vốn từ ngân sách cho Ngân hàng chính sách xã hội; Ngân hàng nhà nước được cho các tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi để DN và các ngân hàng thương mại tham gia phát triển nhà ở xã hội. Có như vậy, nhà ở xã hội mới mang lại rất nhiều lợi ích cho xã hội. 

Cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 135 dự án nhà ở xã hội, trong đó có 51 dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, quy mô 25.850 căn hộ và 84 dự án nhà ở cho công nhân, quy mô xây dựng 28.550 căn. 

Vũ Xuân ThiệnNguyên Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng 
(Diễn đàn Doanh nghiệp)  


Tin liên quan:
Tin mới hơn:
Tin cũ hơn:

 

Thêm bình luận


Mã an toàn
Đổi mã khác

Bảng quảng cáo