Theo một quyết định của Thủ tướng mới đây, từ 15/8 nhiều đối tượng sẽ được vay mua và sửa chữa nhà với mức lãi suất chỉ 4,8% mỗi năm.
Thông tin này được xem là “không thể vui hơn” với những người đang gặp khó khăn về nhà ở lẫn tài chính, vì lãi suất vay thấp hơn tất cả các chính sách tín dụng nhà ở trước đó, lại được tung ra trong bối cảnh gói 30.000 tỷ đã hết thời hạn giải ngân.
Thế nhưng, trong một thông báo hướng dẫn mới đây của Ngân hàng Chính sách Xã hội – đơn vị được Chính phủ giao làm đầu mối, đã khiến hầu hết những người đang trông chờ vào nguồn tiền này cảm thấy thất vọng.
Nhiều người dân cho biết, khả năng để họ vừa gửi tiền vừa vay để mua nhà là quá khó.
Muốn vay phải có sổ tiết kiệm
Theo đó, để được vay vốn mua và sửa chữa nhà tại ngân hàng này, ngoài các điều kiện tương tự như vay gói 30.000 tỷ trước đó, Ngân hàng Chính sách xã hội còn thêm một điều kiện mà theo như nhận xét của hầu hết người cần vay mua nhà là “khó hơn cả leo cột mỡ”.
Cụ thể, theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội, để được vay vốn, người vay phải đáp ứng đủ các điều kiện: thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn.
Phản ánh của nhiều người dân với VnEconomy, cho thấy, sau khi đọc được thông tin trên, họ cảm thấy thất vọng thực sự với chính ngân hàng vốn được cho là “luôn vì người nghèo, giúp đỡ người khó khăn”.
“Chúng tôi đang thiếu tiền mua nhà, phải trông chờ vào chính sách của Nhà nước hỗ trợ một phần, nay ngân hàng lại đẻ ra thêm điều kiện phải gửi tiết kiệm vào đó ít nhất 1 năm, tính từ ngày ký vay vốn thì đúng là làm khó người dân. Đi làm, lương chỉ đủ trang trải sinh hoạt hàng tháng, nay bắt phải có hàng chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu gửi ngân hàng thì ngang bằng đánh đố”, chỉ Nguyễn Thanh Hương (Hà Đông, Hà Nội) nói.
Trong khi đó, theo tìm hiểu của người viết, sở dĩ Ngân hàng Chính sách xã hội đưa thêm điều kiện nói trên là nhằm tăng tính an toàn đối với hoạt động tín dụng. Và quan trọng hơn, động thái này có phần “ưu ái” với những người vốn là khách hàng của ngân hàng này.
Cũng có ý kiến cho rằng, quy định trên của Ngân hàng Chính sách xã hội là nhằm hạn chế việc nộp đơn vay vốn đại trà, vượt quá khả năng hỗ trợ của khách hàng.
Nhưng thử hỏi, với một ngân hàng được lập ra để thực hiện nhiệm vụ chính là “an sinh xã hội”, thay vì mục đích thương mại như các ngân hàng khác, thì từ trước tới nay huy động vốn chưa bao giờ là “mục tiêu số 1” của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Chính vì thế, không hẳn đã có nhiều người biết về ngân hàng này, bởi chiến lược truyền thông, quảng bá thương hiệu nhằm thu hút người gửi tiền cũng không phải là ưu tiên của ngân hàng này.
Anh Trần Tuấn Minh, một người đang cần vay vốn mua nhà thừa nhận: “từ trước tới giờ tôi cũng chưa biết nhiều về Ngân hàng Chính sách xã hội. Mới chỉ nghe nhắc đến một vài lần trên báo chí. Nhiều đồng nghiệp của tôi cũng ngơ ngác khi nghe tên ngân hàng này”.
Cũng chính vì lẽ đó, chị Vũ Tuyết Ngân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho hay, đành rằng những người cần vay tiền mua nhà cũng có thể có một khoản tiết kiệm nho nhỏ, nhưng thử hỏi có mấy ai biết đến Ngân hàng Chính sách xã hội để mà gửi tiền vào đó. Trong khi, ngân hàng này chưa bao giờ đưa ra mức lãi suất hấp dẫn để thu hút người gửi tiền vì đó không phải là ngân hàng thương mại.
Thế nhưng, trả lời báo giới mới đây, một đại diện lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội cho rằng: “quy định này chỉ nhằm tăng trách nhiệm trả nợ của khách hàng, chứ hoàn toàn không hề gây khó khăn hay có ý loại bỏ các đối tượng vay vốn”.
Gian nan nguồn tiền gửi - vay
Không chỉ những người không có sổ tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội than khó, ngay cả với những người đã có hoặc đang lên kế hoạch gửi để một năm sau đủ điều kiện được vay cũng cảm thấy “đầy áp lực” nếu phải vừa vay vừa gửi vào ngân hàng này.
“Hiện gia đình tôi chưa có sổ tiết kiệm nhưng sẽ gửi ngay để kịp 12 tháng sau có đủ điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là khi gửi rồi, nếu được vay thì lấy đâu ra gửi tiếp vì có một nhân viên ngân hàng tư vấn với tôi là phải gửi thêm tối thiểu 12 tháng mới được vay”, chị Phạm Việt Nga (Cầu Giấy) cho biết.
Phản hồi lại thắc mắc này, đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định, nếu được vay vốn, trong một năm đầu tiên vay, khách hàng được ân hạn gốc.
Chẳng hạn, số tiền hằng tháng khách hàng phải trả là 8 triệu đồng, trong đó có 5 triệu gốc. Tuy nhiên, do được ân hạn gốc một năm đầu nên số tiền lãi mỗi tháng phải nộp chỉ khoảng 3 triệu. Như vậy, ngoài trả nợ cho ngân hàng 3 triệu, khách hàng chỉ phải gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tối thiểu 3 triệu đồng chứ không phải gửi cả 8 triệu đồng.
Với tiền gửi tiết kiệm, lãi suất được đề nghị bằng lãi suất tiền vay được Chính phủ ban hành 4,8% một năm, thì như vậy, việc phải gửi tiền tiết kiệm cũng không ảnh hưởng tới khả năng trả nợ của khách hàng.
“Đây là quy định nhằm tạo cho người thu nhập thấp có ý thức trả nợ, có thu nhập thường xuyên để trả nợ cho những năm tiếp theo chứ không nhằm mục đích tạo nguồn vốn cho người cho vay”, đại diện Ngân hàng Chính sách Xã hội giải thích.
Ngoài ra, đại diện ngân hàng này cho biết, quy định “phải có sổ tiết kiệm” là thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ trước đó. Cụ thể, theo Nghị định 100/2015 của Chính phủ quy định “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội phải thực hiện gửi tiết kiệm hằng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.
Câu chuyện vay mua nhà cũng được khá nhiều doanh nghiệp, cá nhân đề cập tại buổi làm việc giữa Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà với Hiệp hội Bất động sản cuối tuần qua.
Tuy nhiên, trước câu hỏi của các doanh nghiệp “bao giờ có thể vay mua nhà với lãi suất 4,8%”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy cho biết, hiện Bộ Xây dựng cũng khá “sốt ruột” với chính sách này vì có quá nhiều đối tượng quan tâm.
“Việc cho vay mua nhà lãi 4,8% thì Chính phủ đã có chính sách rồi, nhưng hiện vẫn đang phải tìm nguồn vốn vì nó liên quan đến đầu tư trung - dài hạn”, Thứ trưởng Đỗ Đức Duy cho hay.
Chủ tịch Công ty Địa ốc Hoàng Quân, ông Trương Anh Tuấn cũng thông tin, doanh nghiệp này tìm đến các đơn vị thẩm quyền và ngân hàng thì nhận được câu trả lời “hiện vẫn chưa rõ nguồn vốn cho chính sách này sẽ huy động từ đâu”.
Theo ông Tuấn, điều này rất nguy hiểm, bởi hiện các dự án đang trong giai đoạn xây dựng hoặc sắp hoàn thành, nhưng chủ đầu tư thì không được giải ngân, khách hàng không được vay vốn bởi không chỉ Ngân hàng Chính sách xã hội mà các ngân hàng khác cũng đang có xu hướng chờ hết gói 30.000 tỷ mới tính đến cho vay tiếp.
Bảo Anh
(VnEconomy)
- 80% nhà đầu tư địa ốc Đà Nẵng đến từ Hà Nội
- VNREA: Chính phủ cần bố trí ngân sách phát triển nhà ở xã hội
- Trọng tâm của chính sách phải là phát triển nhà ở phổ cập
- Nguồn vốn 'tiếp sức' cho nhà ở xã hội
- Tính minh bạch trong thị trường bất động sản: Cải thiện nhưng cần nỗ lực
- Địa ốc Việt Nam hút vốn Singapore
- Savills Việt Nam công bố chỉ số giá nhà ở, văn phòng cho thuê tại Hà Nội và TP.HCM
- Dư luận xôn xao dự án thế chấp ngân hàng, hiểu thế nào cho đúng?
- TPHCM: Thừa căn hộ cao cấp, thiếu căn hộ bình dân
- Phát triển nhà ở xã hội cho thuê: Khó nhất vẫn là quỹ đất